Theo mục tiêu đặt ra, thành phố dự kiến cuối năm 2020 sẽ xây mới 50% các chung cư cũ, song thực tế vẫn ì ạch. Và người dân trong các chung cư này lại tiếp tục lo lắng, bất an mỗi ngày.
Người dân sinh sống tại chung cư Trúc Giang quận 4 đang bị “mắc kẹt”
Lay lắt trong chung cư cũ
Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP.HCM, chung cư Trúc Giang tọa lạc tại 41/1 Lê Văn Linh, phường 13, quận 4 thuộc vào hạng D - mức độ nguy hiểm. Chung cư hiện đã quá xuống cấp với những vết thấm đen, nhiều lớp bê tông bong tróc, để lộ khung sắt gỉ sét. Phần lớn hạng mục từ ngoài vào trong đều đã mục nát, xập xệ, ẩm mốc, không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Ông Nguyễn Trí Dõng (86 tuổi, chủ căn hộ số 112, lầu 1, chung cư Trúc Giang) cho hay, gia đình đã ở đây từ trước năm 1975. Chung cư có 134 căn hộ, đến nay vẫn còn 80% người dân đang sinh sống. Với khoản lương hưu chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, ông Dõng không thể mua nhà nơi khác để ở, trong khi căn hộ vợ chồng ông đang ở có nguy cơ đổ sập bất ngờ.
Dự án cải tạo cụm chung cư lô chữ thuộc Khu cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương và giao Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư từ năm 2010. Sau 10 năm với hàng trăm cuộc họp, dự án này vẫn chưa thể triển khai. Năm 2017, Công ty CP Phát triển nhà Thanh Đa được UBND TPHCM công nhận là chủ đầu tư dự án.
Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn tất các thủ tục liên quan, dù thành phố đã gia hạn. Những vướng mắc trong khâu thủ tục chấp nhận đầu tư tại dự án làm quá trình triển khai kéo dài. Điều này khiến hàng ngàn hộ dân sinh sống trong các căn hộ cảm thấy bất an. Anh Nguyễn Văn Thoại (cư dân sinh sống tại lô E, chung cư Thanh Đa) đồng ý chủ trương cải tạo, xây mới chung cư nhưng mong được tái định cư tại chỗ. Một số cư dân cũng cho biết, mức hỗ trợ mà chính quyền và doanh nghiệp đưa ra để người dân di dời chưa sát với thị trường thực tế.
Cần cơ chế mở
Đánh giá về thực trạng công tác cải tạo các chung cư cũ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho hay có nhiều lý do, trong đó, quy định pháp luật còn nhiều bất cập như không thể đạt được sự thống nhất của tất cả chủ sở hữu về lựa chọn chủ đầu tư xây dựng lại chung cư.
Theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, việc xây mới chung cư cũ đang bị chậm tiến độ là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tình trạng phổ biến là một bộ phận người dân không đồng tình với phương án bồi thường, dù số đông đã đồng thuận, dẫn đến dự án bị chững lại. Tuy vậy, đối với chung cư hư hỏng hạng D, chính quyền các quận phải có biện pháp di dời khẩn cấp các hộ gia đình, cá nhân để đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của người dân.
Cải tạo chung cư cũ là chủ trương được xây dựng từ nhiều năm nay nhưng triển khai khá chậm. Trong đó, phương án cải tạo từ nguồn vốn xã hội hóa được khuyến khích nhưng vướng quy hoạch khiến doanh nghiệp không được xây dựng nhà cao tầng để có sản phẩm (căn hộ) bán bù lại tiền đầu tư.
Các khu chung cư cũ hầu hết lại nằm ở khu vực trung tâm thành phố hạn chế cao tầng, hạn chế tăng mật độ dân cư, việc phá vỡ quy hoạch là không thể. Còn tuân thủ quy hoạch thì doanh nghiệp khó triển khai các dự án cải tạo chung cư vì sẽ lỗ. Do đó cần có những cơ chế, chính sách mở của Nhà nước để cân bằng giữa lợi ích chung và lợi ích của nhà đầu tư.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), Luật Nhà ở 2005 đã quy định: Việc phá dỡ nhà chung cư cũ phải được 2/3 (khoảng 66%) số chủ sở hữu đồng ý, đã giúp công tác phá dỡ nhà chung cư cũ được triển khai nhanh hơn. Vậy nhưng quy định này đã bị bãi bỏ trong Luật Nhà ở 2014.
Theo đó, yêu cầu nhà chung cư cũ phải được 100% chủ sở hữu thống nhất thì mới thông qua. Quy định này là một rào cản trong việc cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ. Do vậy, HoREA kiến nghị cần phải sửa đổi khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014, quy định tối thiểu 80% chủ sở hữu thống nhất sẽ được tháo dỡ để xây dựng lại. Quyền lợi của tất cả chủ sở hữu nhà chung cư phải bảo đảm như nhau, để việc tháo dỡ thuận lợi hơn.
Tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan hồi tháng 2, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, chương trình cải tạo chung cư cũ, từ năm 2016 đến nay, TPHCM chỉ sửa chữa, cải tạo được 132 chung cư, trong tổng số 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975. Trước đó, thành phố đã hoàn tất kiểm tra, rà soát, phân loại và kiểm định chất lượng đối với số chung cư cũ này. Kết quả có 15 chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm, có thể sập bất cứ lúc nào), 115 chung cư cấp C, 332 chung cư cấp B. |
-
Biến chung cư cũ thành cao ốc: Cần xem xét kỹ lưỡng
Đề xuất cho phép nâng tầng, nâng chiều cao công trình cải tạo chung cư cũ của Hà Nội cần được xem xét kỹ lưỡng.
-
Một quận Hà Nội muốn xây 3 toà cao ốc trên nền 5 nhà tập thể cũ
Tối 6.3, UBND quận Ba Đình tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về phương án quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn cải tạo, xây dựng lại cụm nhà chung cư Thành Công gồm các tòa: G6A, G6B, G22, G23, G24 (phường Thành Công). Trong đó, toà G...
-
Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội để đẩy mạnh đầu tư chung cư cũ
Trong phiên thảo luận dự án Luật Thủ đô sửa đổi sáng 27.11, đại biểu Quốc hội cho rằng cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội để thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư vào các chung cư cũ ở Thủ đô hiện nay....
-
Những điều cần biết trước khi mua chung cư
Chung cư đang dần trở thành lựa chọn được nhiều người có nhu cầu định cư tại các thành phố lớn ưa chuộng, phần lớn vì mức giá phù hợp hơn so với việc mua nhà mặt đất. Do đó, số lượng dự án chung cư mọc lên ngày càng nhiều, và điều này cũng khiến nhiề...