06/02/2013 8:55 AM
Trong khi những bất cập chính như nợ xấu hay sức cạnh tranh của khu vực Nhà nước chưa được cải thiện, HSBC cho rằng việc hạ lãi suất hay bơm tiền cho bất động sản sẽ không phải là giải pháp căn cơ cho kinh tế Việt Nam.

Bộ phận nghiên cứu của Tập đoàn tài chính HSBC vừa công bố báo cáo tổng hợp đầu tiên về kinh tế Việt Nam trong năm 2013. Tiếp tục sử dụng chỉ số Quản trị Nhà mua hàng (PMI) do chính tổ chức này tính toán, cộng với một số thống kê vĩ mô khác, HSBC cho rằng nền kinh tế, dù đã có những biểu hiện đúng hướng, nhưng quá trình phục hồi còn "mong manh và đầy khó khăn".

Bơm tiền cho bất động sản không giải quyết các khó khăn nền tảng của kinh tế Việt Nam. Ảnh: F.T

Theo HSBC, mặc dù có sự cải thiện nhẹ về chỉ số PMI tổng quát, cho thấy sức sản xuất phần nào hồi phục nhưng lo ngại lại đặt nặng vào lạm phát, khiến giá đầu vào tăng vọt. Điều này, cộng với khoảng cách giữa giá đầu vào vào đầu ra ngày một mở rộng, khiến người sản xuất gần như không có cơ hội để tăng giá, bù đắp chi phí, trong khi vẫn phải chịu áp lực về cầu yếu và bị cạnh tranh quyết liệt.

Để giải quyết vấn đề nhu cầu nội địa, các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần có giải pháp để giảm nợ xấu và nâng cao hiệu quả khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Điều này sẽ tạo niềm tin cho thị trường về quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao hiệu quả nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong khi các giải pháp này còn được đánh giá là chậm thì HSBC cho rằng cơ quan quản lý đang tập trung khá nhiều vào thúc đẩy các lĩnh vực đang hoạt động èo uột, thông qua các thông điệp giảm lãi suất hay bơm vốn cho thị trường bất động sản. Các biện pháp này, trước mắt sẽ khiến nhu cầu nội địa được kích thích, nhưng không giải quyết được các vấn đề cơ bản của nền kinh tế, trong đó có việc phân bố sai nguồn lực, khiến năng lực sản xuất tổng thể thấp.

Không những thế, các thông điệp về việc hạ lãi suất hiện nay lại không mang lại nhiều tác dụng thúc đẩy tín dụng (do ảnh hưởng bởi nợ xấu) mà còn gây ra một số rủi ro với mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát...

Theo HSBC, ưu tiên ổn định vĩ mô hơn tăng trưởng nhanh là một định hướng đúng của Việt Nam, nhưng cần được thực hiện kiên định và gắn với nâng cao năng lực sản xuất tổng thể. Trong tương lai không xa, các chuyên gia cho rằng lợi thế của Việt Nam về cạnh tranh nhân công lao động sẽ không còn mà sẽ phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, đặc biệt là từ các nước ASEAN.

Do đó, Chính phủ cần sớm đề ra những cải cách cụ thể để tăng hiệu quả của đầu tư công và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó giúp Việt Nam nhanh chóng thể hiện được những tiềm năng của mình. HSBC dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam là 5,5%, lạm phát 9,5% và tỷ giá đến cuối năm là 21.500 đồng đổi một USD.

Cùng với HSBC, Ngân hàng Standard Chattered cũng vừa công bố Báo cáo Kinh tế toàn cầu. Theo đó các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là Việt Nam có thể tiếp tục duy trì triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2013 nhờ vào khả năng phát triển đô thị nhanh chóng.

Với mức tăng trưởng ước 5,2% trong năm 2012, Standard Chattered dự báo GDP của khu vực ASEAN (trên cơ sở ngang giá sức mua) tăng 5,3% trong năm 2013 và cao hơn mức 3,6% của toàn cầu theo ước tính của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF). Năm 2013, GDP bình quân đầu người của khu vực ASEAN có thể đạt 10.290 USD một năm, cao gấp 3 lần năm 2011.

Theo nhóm nghiên cứu, nếu GDP tại các nước phát triển đô thị hóa trong khu vực như Malaysia, Brunei, Singapore không tăng trưởng thì GDP của khu vực vẫn có thể tăng trưởng ở mức 6% từ năm 2012 đến năm 2019. Đà tăng này cao hơn mức tăng trưởng trung bình 5,3% của toàn khu vực qua các năm từ 2000 đến 2011.

  • Ngân hàng được "xuất vàng miếng, nhập vàng khối"

    Ngân hàng được "xuất vàng miếng, nhập vàng khối"

    Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trong tuần này sẽ có một lượng vàng không phải hiệu SJC sẽ được xuất ra nước ngoài để chuyển đổi thành vàng khối, sau khi nhập về vàng khối sẽ dập lại thành vàng miếng SJC bổ sung cho các ngân hàng. Ước tính khối lượng vàng các thương hiệu khác cần chuyển đổi còn khoảng 10 tấn.

  • Tòa nhà Trụ sở TAND TP. Hồ Chí Minh: Một kiệt tác kiến trúc chờ tu bổ

    Tòa nhà Trụ sở TAND TP. Hồ Chí Minh: Một kiệt tác kiến trúc chờ tu bổ

    Đây là một công trình kiến trúc ra đời từ cuối thế kỷ 19, do một kiến trúc sư người Pháp mang tên Bourard thiết kế và kiến trúc sư Foulhoux trông coi việc xây dựng từ năm 1881 đến năm 1885 thì khánh thành.

  • BĐS: Tạo niềm tin hơn bơm tiền

    BĐS: Tạo niềm tin hơn bơm tiền

    Việc tháo gỡ khó khăn cho bất động sản chính là làm sao để nhà đầu tư cũng như người dân có niềm tin vào thị trường.

Lệ Chi - Thanh Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.