02/11/2023 3:37 PM
Theo Chủ tịch HoREA, rất cần cần bổ sung quy định cho phép bên nhận chuyển nhượng kế thừa nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư cũ để nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: VnExpress

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý một số quy định của Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Theo đánh giá của HoREA, khoản 3 Điều 38 của Dự thảo về nguyên tắc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đã quy định sau khi đã hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, bên nhận chuyển nhượng kế thừa các quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư chuyển nhượng và là chủ đầu tư đối với dự án, phần dự án đã nhận chuyển nhượng.

Quy định trên đây rất được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, song rất cần cần bổ sung quy định cho phép bên nhận chuyển nhượng kế thừa nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư cũ để nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án.

HoREA cho rằng, việc kế thừa các quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư cũ chưa được thể hiện tại khoản 3 Điều 39 Dự thảo Luật, bởi chỉ mới chỉ quy định một trường hợp là “Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) với Nhà nước đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”.

Như vậy, khoản 3 Điều 39 Dự thảo Luật chưa quy định trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng chưa hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính về đất của dự án, phần dự án chuyển nhượng với Nhà nước thì bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng có thể thỏa thuận để bên nhận chuyển nhượng thực hiện toàn bộ nghĩa vụ tài chính mà bên chuyển nhượng chưa hoàn thành.

Thống kê của CBRE Việt Nam cho thấy, trong quý 3, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản đã trở nên sôi động hơn, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến thị trường bất động sản TP.HCM.

Các thương vụ lớn gần đây có thể kể đến như Gamuda Land mua lại dự án từ CTCP Địa ốc Tâm Lực tại TP Thủ Đức, Saigonres Group tiếp quản dự án của Công ty TNHH Đức Nhi tại quận Tân Phú, Địa ốc First Real công bố trở thành cổ đông lớn của CTCP Thương mại - Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng (chủ sở hữu dự án Khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng),…

Ngoài các thương vụ M&A, nổi bật trong quý 3 còn có sự hợp tác giữa các chủ đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, điển hình là việc hợp tác chiến lược của Tập đoàn Kim Oanh và Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) và khoản đầu tư từ Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) vào Tập đoàn Hưng Thịnh.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, cho rằng, hoạt động M&A và kêu gọi đầu tư từ các quỹ đầu tư đang giúp các chủ đầu tư tìm ra lối thoát cho các dự án chậm tiến độ do thiếu vốn.

Theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) về hoạt động M&A vừa qua, bất động sản nhà ở và công nghiệp vẫn là hai phân khúc thu hút nhiều sự quan tâm và tìm kiếm của các nhà đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư ngoại đã bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản tại Việt Nam theo hình thức mua lại cổ phần.

Cũng theo VARS, nhóm các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia... Quy mô vốn cho mỗi thương vụ khoảng từ 20 - 50 triệu USD, trong đó ưu tiên dự án pháp lý sạch, có tiềm năng trong tương lai, vị trí đẹp và giá bán giảm 10-20%.

Tuy nhiên, VARS cho rằng, vướng mắc về pháp lý là rào cản khiến các thương vụ bị “kìm chân”, khiến nhà đầu tư ngoại không có nhiều cơ hội chọn lựa, làm hoạt động M&A phát triển không tương xứng với tiềm năng.

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.