Cần thêm kênh huy động vốn
Trong văn bản kiến nghị gởi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bổ sung được nguồn vốn đầu tư quan trọng của xã hội thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Hiện nay, đang trong quá trình thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, nên các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn thay thế, trong đó có kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Năm 2019, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đạt 106.500 tỉ đồng, chiếm khoảng 38%. Trong số đó có 84,2% doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị trái phiếu dưới ba lần vốn chủ sở hữu, lãi suất bình quân 10,3%, đảm bảo được yếu tố an toàn và hợp lý.
Trái phiếu doanh nghiệp là một trong các kênh huy động vốn bổ sung để doanh nghiệp bất động sản có thêm nguồn vốn triển khai dự án.
Bước sang quý 1/2020, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cả nước có giá trị lên đến 37.308 tỉ đồng. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nhất, đạt 20.474 tỉ đồng, chiếm 55%, lãi suất bình quân 10,8%/năm, tương đương lãi suất vay ngân hàng.
Do đó, hiệp hội đề nghị không nên siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Việc này nhằm tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản vì khối doanh nghiệp bất động sản cũng như nhiều ngành nghề khác đang gặp những khó khăn mới phát sinh do đại dịch Covid-19.
Ông Châu cũng cho rằng cần thiết sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Nghị định 163/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Việc sửa đổi không chỉ để minh bạch lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà còn để thị trường này trở thành một trong những nguồn cung ứng vốn đầu tư trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Ngoài ra, việc sửa đổi cũng đảm bảo quyền và lợi ích của các nhà đầu tư trái phiếu.
Rủi ro tiềm ẩn
Trên thực tế, kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu được các doanh nghiệp bất động sản triển khai do khát vốn. Nhất là từ năm 2019 khi Ngân hàng Nhà nước giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ mức 45% xuống còn 40% và sẽ tiếp tục giảm dần xuống mức 30% trong những năm tới. Từ đó, các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kênh huy động vốn bổ sung để có thêm nguồn vốn triển khai dự án.
Một số doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao từ 11-13%/năm. Có doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất huy động đến 14,5%/năm. Đây là nguy cơ để tồn đọng dòng vốn, tạo rủi ro, mất an toàn dòng vốn cho thị trường bất động sản.
Theo báo cáo thị trường tài chính tiền tệ tháng 2/2020 của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), riêng trong tháng 2 cả nước có 15 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng lượng phát hành là 5.574 tỉ đồng (giảm 41% so với tháng 1/2020). Trong đó, riêng doanh nghiệp bất động sản phát hành 4.025 tỉ đồng, chiếm tới 72% lượng phát hành trong tháng, với lãi suất bình quân là 11%.
Tính chung hai tháng đầu năm nay, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 19.398 tỉ đồng, trong đó riêng doanh nghiệp bất động sản phát hành 11.639 tỉ đồng, chiếm 60% lượng phát hành.
Trong dự thảo Nghị định 163 của Bộ Tài chính đã bổ sung điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu theo hướng doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không vượt quá ba lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quy định này nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu. Trong trường hợp doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu vượt quá ba lần vốn chủ sở hữu thì lựa chọn kênh phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn.
Bộ Tài chính cũng đề xuất xuất áp trần lãi suất trái phiếu doanh nghiệp không quá 20% để bảo vệ nhà đầu tư và thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh trong thời gian tới.
Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành kiểm soát chặt việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản để huy động vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tránh rủi ro dòng tiền.
-
Cuộc đua trái phiếu DN BĐS và nỗi lo thanh khoản
Việc ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản (BĐS) nắm giữ và phát hành lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) dễ dẫn tới những rủi ro tiềm ẩn cho thị trường và nhà đầu tư nếu nhóm doanh nghiệp này gặp khó khăn về thanh khoản.
-
Vướng mắc giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản bao giờ mới giải toả?
Lãi suất, tiếp cận tín dụng, thủ tục pháp lý... là những vướng mắc vẫn chưa được giải tỏa giữa doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng.
-
Doanh nghiệp bất động sản kêu lãi suất cao, ngân hàng nói gì?
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, lãi vay phụ thuộc vào năng lực tài chính mỗi ngân hàng. Tinh thần chung các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay, song việc giảm đến đâu còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấ...
-
Tín dụng bất động sản toàn cầu suy giảm nhưng vẫn có điểm sáng
Mặc dù lạm phát đã giảm nhưng lãi suất dự kiến trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023 vẫn ở mức cao, kéo theo lượng vốn đổ vào thị trường bất động sản sẽ tiếp tục bị hạn chế.