Thông tin từ báo Pháp Luật TP.HCM cho biết, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoà Bình vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của huyện Bình Chánh năm 2021.
Cụ thể, trong năm nay Bình Chánh sẽ được phân bổ hơn 15.000ha đất nông nghiệp tập trung ở 16 xã, thị trấn. Gần 1ha đất phi nông nghiệp và gần 3.000ha đất đô thị được phân bổ tập trung ở những khu vực đang có tốc độ đô thị hoá cao như là Tân Kiên, Tân Túc, Vĩnh Lộc, Bình Hưng…
Đáng chú ý, năm nay huyện Bình Chánh sẽ được chuyển đổi gần 1.350ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp (trong đó có đất ở). Huyện cũng sẽ thu hồi gần 830ha đất nông nghiệp và gần 130ha đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án.
Bình Chánh là một trong 5 huyện của TP.HCM hiện nay cùng với Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ. Địa phương này có diện tích khoảng 25.300ha trải dài cả phía Tây và phía Nam của TP.HCM. Cụ thể, về vị trí Bình Chánh giáp với quận Bình Tân, quận 7, quận 8 và huyện Nhà Bè về phía Đông; Phía Nam giáp huyện Bến Lức và huyện Cần Giuộc tỉnh Long An; Phía tây giáp huyện Đức Hòa tỉnh Long An.
Bình Chánh hiện có 16 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn và 15 xã, dân số vào khoảng hơn 700.000 người. Đây là một trong những huyện có tốc độ đô thị hoá chóng mặt trong những năm gần đây. Là cửa ngõ ra vào giữa TP.HCM với các tỉnh miền Tây nên cơ sở hạ tầng giao thông ở Bình Chánh cũng đang quá tải.
Phần lớn người dân ở Bình Chánh là lao động nhập cư nên có nhu cầu cực lớn về nhà ở. Dù là huyện có diện tích lớn thứ 3 của TP.HCM nhưng đa phần đất đai ở Bình Chánh đều là đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi. Trong những năm gần đây, trước nhu cầu bức bách về nhà ở cũng như mong muốn tách thửa của người dân, Bình Chánh là điểm nóng về tình trạng xây dựng nhà cửa trái phép trên đất nông nghiệp.
Do đó, việc cho phép chuyển đổi hàng ngàn ha đất nông nghiệp ở Bình Chánh sang đất phi nông nghiệp trong đó có đất ở sẽ là tín hiệu vui cho người dân địa phương đang sở hữu đất và những người có nhu cầu tạo lập nhà ở.
Tận dụng nguồn lực từ đất đai
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đến năm 2020, thành phố còn khoảng gần 90.000ha đất nông nghiệp, tập trung tại các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và quận 9 (nay là TP. Thủ Đức).
Trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý cho thành phố chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ. Nếu đem đấu giá 26.000 ha đất này sẽ thu về 1,5 triệu tỉ đồng. Đây là nguồn lực to lớn, tạo nguồn vốn cho thành phố phát triển.
Theo nhiều chuyên gia, với những huyện có quỹ đất rộng lớn và nằm gần trung tâm TP.HCM như Bình Chánh, Nhà Bè hay Hóc Môn thì việc cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, trong đó có đất ở là vô cùng cần thiết. Việc này không chỉ khai thác nguồn lực cực lớn từ đất đai của các địa phương này mà còn giải quyết sớm nhu cầu về nhà ở cho người dân, qua đó sẽ ngăn chặn được tình trạng xây dựng, phân lô trái phép đất nông nghiệp như hiện nay.
Tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp phổ biến ở huyện Bình Chánh
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản chia sẻ, hiện nay quỹ đất tại khu vực trung tâm thành phố đã cạn kiệt, nếu còn thì giá cũng rất đắt. Thực tế, trong khoảng 3 năm trở lại đây nguồn cung nhà ở tại TP.HCM chỉ nhỏ giọt. Bên cạnh đó, giá bán liên tục leo thang ở mọi phân khúc vượt xa tầm với so với thu nhập của người dân. Trong khi tại nhiều quận huyện vùng ven, đặc biệt là Củ Chi, Nhà Bè và Bình Chánh đất nông nghiệp còn rất nhiều lại không được sử dụng hiệu quả. Do đó, nếu được chuyển đổi thì đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản săn tìm quỹ đất mới phát triển dự án. Người dân có nhu cầu về nhà ở cũng hưởng lợi lớn khi nguồn cung được tăng lên và giá bán sẽ ở mức phù hợp hơn.
Hiện nay, một trong những thông tin đang được người dân và doanh nghiệp mong đợi là việc TP.HCM sẽ xin chuyển đổi 5 huyện còn lại lên quận trong giai đoạn sắp tới.
Trong tháng 3/2021, Sở Nội vụ TP.HCM cũng có tờ trình gửi UBND thành phố về công tác chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) giai đoạn 2021-2030.
Sở này đề xuất thực hiện theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2021-2025, sẽ chuyển các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thành quận (hoặc thành lập thành phố thuộc TP.HCM). Giai đoạn 2025-2030 sẽ chuyển 2 huyện còn lại là Củ Chi và Cần Giờ thành quận (hoặc thành lập thành phố thuộc TP.HCM).
-
TP.HCM: Công khai phương thức chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp
CafeLand – Các thông tin về việc chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp sẽ được niêm yết công khai tại trụ sở UBND quận, huyện, sở ngành để người dân nắm rõ.
-
Phú Mỹ Hưng thanh toán hơn 620 tỷ đồng gốc, lãi trái phiếu trong nửa đầu năm 2024
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (Phú Mỹ Hưng) vừa công bố tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho kỳ báo cáo 6 tháng đầu năm 2024.
-
Thực hư việc “thuyền trưởng” doanh nghiệp bất động sản top đầu tại TP.HCM rời ghế Chủ tịch
Novaland khẳng định việc ông Bùi Thành Nhơn vừa có đơn xin thôi chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland là thông tin bịa đặt, hoàn toàn sai sự thật.
-
TP.HCM ủy quyền cho quận, huyện cải tạo, xây dựng chung cư cũ đến năm 2027
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 123/QĐ-UBND, ủy quyền cho UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn, với thời hạn đến hết ngày 31/12/2027....