06/05/2014 11:05 AM
Hai đại dự án trên địa bàn TP.HCM là Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT) và Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) do Tập đoàn Berjaya (Malaysia) đầu tư đang cùng… giậm chân tại chỗ sau nhiều năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Sau nhiều năm triển khai, Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam vẫn chưa có hình hài cụ thể

…Từ thực tế tại các đại dự án

Dự án VIUT (tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 1/7/2008, với quy mô diện tích 925 ha và tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD.

Theo thiết kế, chủ đầu tư sẽ dành trên 100 ha để phát triển thành một trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Trong đó, ngoài các trường đại học, Khu đô thị sẽ cung cấp thêm 20 trường ở các bậc học từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học phổ thông.

Phần diện tích còn lại được quy hoạch thành khu phức hợp, gồm khu thương mại, khu dân cư, trung tâm hành chính văn hóa, trung tâm y tế quy mô 15 ha phục vụ chữa bệnh và hoạt động chuyên khoa của các trường đại học, câu lạc bộ thể dục thể thao và giải trí, khu công viên cây xanh…

Trong cái nắng nóng của tháng Tư phương Nam, khi mà nhiệt độ ngoài trời lên đến 35 độ C, chúng tôi có chuyến thực tế Dự án VIUT. Từ trung tâm TP.HCM, theo Quốc lộ 22 gần 20 km chúng tôi mới tới xã Tân Thới Nhì, nhưng phải rất khó khăn mới có một người dân chỉ đúng đường đến nơi đặt dự án tại ấp Nhị Tân 2. Chúng tôi hỏi chuyện bà Năm, một người dân đã ở đây mấy chục năm thì được biết, nhà của bà nằm trong quy hoạch của dự án.

“Nhà tôi ở đã xây mấy chục năm, xuống cấp lắm rồi, muốn sửa sang, cơi nới, nhưng lên xin mấy ông xã không cho”, bà Năm cho biết.

Dù đã có chỉ dẫn tận tình của bà Năm, nhưng cũng phải mất thêm rất nhiều công sức, chúng tôi mới đến được nơi người dân khẳng định đặt biển báo của Dự án. Đó là một tấm biển báo có kích cỡ khá lớn, nhưng những tấm tôn dùng để in thông tin đã bong tróc đang liêu xiêu trong gió, nên phần còn lại chỉ là tấm khung thép đã xỉn màu sau tháng năm dãi dầu mưa nắng.

Theo những thông tin được người dân kể lại, thì khoảng năm 2010, có thấy các cán bộ của huyện Hóc Môn xuống đo đạc, kiểm tra, lập biên bản hiện trạng, kiểm kê nhà đất, cây trồng… Sau đó, họ yêu cầu đại diện các hộ ký biên bản để chờ đền bù giải tỏa. Tất cả sự khuấy động của đại dự án chỉ có bấy nhiêu và vì thế, mấy năm sau đó và cho đến tận khi chúng tôi có mặt, người dân tiếp tục “dài cổ” chờ mà vẫn chưa thấy có động tĩnh gì.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch xã Tân Thới Nhì cho biết: “Đây là dự án của Thành phố nên chúng tôi không nắm được thông tin. Nhưng Dự án chậm triển khai, gây những bức xúc cho một bộ phận người dân là chuyện có thật và có gây ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Với tổng mức đầu tư lên tới 930 triệu USD, Dự án VFC cũng đang trong tình trạng tương tự. Dù trấn giữ tại vị trí rất thuận lợi là giữa 3 tuyến đường 3/2 – Lê Hồng Phong – Cao Thắng nối dài tại phường 12, quận 10, nhưng sau nhiều năm, thay vì hình hài cần phải có của một trung tâm tài chính hiện đại, bề thế như quảng cáo của chủ đầu tư, thì toàn bộ diện tích rộng khoảng 8 ha của Dự án lại được phủ kín bởi các dịch vụ trông giữ xe máy, xe ô tô ngày/đêm, rửa xe; phía trong là các dịch vụ khác như sân tennis, tổ hợp khách sạn Kỳ Hòa…

… đến chuyện phía sau các dự án hoành tráng

Nhìn nhận về câu chuyện các dự án quy mô lớn, nhưng có tiến độ triển khai rất chậm, hoặc chưa làm gì sau nhiều năm được cấp phép đầu tư, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, không chỉ TP.HCM mà nhiều đô thị lớn của cả nước có tình trạng này. “Tôi không ngạc nhiên khi phần lớn các dự án ở diện này thuộc lĩnh vực bất động sản”, TS. Hiển nói và phân tích, đa phần sau khi hoàn tất thủ tục, các chủ đầu tư thường bán lại cho các nhà đầu tư thứ cấp và như vậy, về bản chất, các dự án đó không làm tăng nguồn lực cho quốc gia, mà chỉ làm tăng làn sóng đầu cơ ngắn hạn, kích thích dòng tiền chảy vào lĩnh vực bất động sản.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Berjaya Việt Nam (đơn vị được Tập đoàn Berjaya giao quản lý các dự án tại Việt Nam - PV), cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án nói trên chậm triển khai là do thị trường bất động sản đóng băng. “Không riêng Berjaya, khủng hoảng kéo dài của thị trường bất động sản đã vượt ngoài dự liệu của nhiều doanh nghiệp”, ông Nam nói.

Đối với Dự án VIUT, theo ông Nam, với diễn biến của thị trường như thời gian qua, doanh nghiệp không thể làm được cùng một lúc toàn bộ 900 ha dự án. Hiện nay, Berjaya đã có hồ sơ xin triển khai trước 200 ha, trong đó, Ban quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị Tây Bắc đã phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu dân cư giai đoạn 1 với quy mô 51,9 ha (16,34 ha đất ở thấp tầng và 6,09 ha đất ở cao tầng). Đại diện của Berjaya cho rằng, việc điều chỉnh kế hoạch của doanh nghiệp là theo xu hướng chung, đó là tập trung chủ yếu vào các phân khúc đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, đối với Dự án VFC, đại diện của Berjaya lại cho rằng, nguyên nhân chậm triển khai là do thủ tục. Tuy nhiên, đến nay, các vấn đề về thủ tục đã hoàn thiện và chủ đầu tư đã trình phương án điều chỉnh giảm quy mô Dự án để thực hiện từng giai đoạn, trước mắt là đầu tư xây dựng một khu trung tâm thương mại.

Mặc dù vậy, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Tập đoàn Berjaya cho biết, cả 2 dự án đều đang có những tiến triển theo chiều hướng tích cực. “Thu xếp tài chính cho Dự án đã có kết quả và chúng tôi sẽ công khai tất cả các thông tin liên quan đến các dự án này”, đại diện Tập đoàn Berjaya khẳng định.

Dự án treo và “thanh bảo kiếm”

Để có cái nhìn đầy đủ và khách quan hơn về các dự án của Berjaya, Báo Đầu tư đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM từ cuối tháng 3/2014. Trong đó, đề nghị Sở làm rõ về tiến độ triển khai các dự án của Tập đoàn Berjaya; việc triển khai không đúng cam kết của chủ đầu tư; những vướng mắc, khó khăn trong quá trình chủ đầu tư triển khai dự án… Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 4/2014, chúng tôi vẫn chưa nhận được trả lời của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM và phóng viên đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với lãnh đạo của Sở, nhưng cũng không thể kết nối.

Bình luận về câu chuyện các chủ đầu tư sử dụng “chiêu” xin giảm quy mô, thực hiện dự án theo từng giai đoạn... một chuyên gia về FDI (yêu cầu không nêu tên) cho rằng, chủ đầu tư khi muốn giữ dự án thì bao giờ họ cũng viện những khó khăn khách quan, những lời hứa chủ quan… “Không nên quá dễ dãi trong việc đồng ý cho họ điều chỉnh, thay đổi mục tiêu ban đầu của dự án để họ tiếp tục được sử dụng quỹ đất lớn, ở vị trí đẹp… có vậy mới khiến nhà đầu tư chấm dứt hiện trạng “treo” của các dự án”, vị chuyên gia này khuyến nghị.

“Với diện tích đất rất lớn của dự án của Tập đoàn Berjaya ở huyện Hóc Môn, lại là đất nông nghiệp, không phải cứ muốn là có thể san lấp…”, vị chuyên gia nêu ý kiến và cho rằng, đã đến lúc Thành phố cùng chủ đầu tư, phối hợp rà soát lại các khó khăn khách quan, cũng như những vướng mắc mang tính chủ quan để tìm biện pháp xử lý.

Nếu cần thì có thể mạnh tay, quyết định rút giấy phép như nhiều dự án mà Thành phố đã làm. Cũng theo vị chuyên gia này, cùng với việc ngồi lại tìm hiểu, hỗ trợ nhà đầu tư, Thành phố cần chuẩn bị sẵn các phương án để xử lý chủ đầu tư đổ lỗi loanh quanh, dây dưa, chây ỳ thực hiện các nghĩa vụ. Nghĩa là, phải có “thanh bảo kiếm” để bảo đảm cho hoạt động đầu tư thông suốt và hiệu quả.

Hồng Sơn (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.