28/02/2012 12:43 AM
Nếu tình hình thị trường nhà đất còn khó khăn kéo dài, chắc chắn xu hướng xin đổi công năng các dự án sẽ tăng mạnh

Khi thị trường bất động sản lâm vào cảnh khó khăn, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chóng tìm cách “hóa kiếp” dự án để tránh không phải nhìn doanh nghiệp (DN) mình lâm vào tình cảnh phá sản. Trong khi các dự án chung cư ở ngoại thành đang biến hóa thành bệnh viện, trường học, khách sạn… thì ở các quận trung tâm, các cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại đang dịch chuyển theo hướng ngược lại.

Thành bệnh viện, khách sạn…

Cuối năm 2011, đã xảy ra vụ tranh chấp giữa các khách hàng với chủ đầu tư trong hướng giải quyết dự án chung cư 584 Tân Kiên A (huyện Bình Chánh – TPHCM) do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 (Công ty 584) làm chủ đầu tư. Nguyên nhân là do hàng chục người đã đóng 80%-90% tiền mua nhà ở dự án này thất vọng khi hay tin căn nhà mình mua sẽ không được bàn giao bởi TP có chủ trương cho chủ đầu tư được làm bệnh viện.

“Hóa kiếp” dự án
Một phần dự án Kenton Residences sẽ xin chuyển sang làm khách sạn 5 sao. Ảnh: TẤN THẠNH

Chuyện dự án xin chuyển đổi công năng không còn là chuyện lạ. Giới kinh doanh nhà đất hiện vẫn còn xì xào về chuyện một dự án chung cư nằm trên xa lộ Hà Nội bỗng nhiên một ngày các căn hộ biến thành những lớp học, giảng đường mini. Mới đây, nhiều khách hàng quan tâm đến dự án chung cư cao cấp Kenton Residences, tọa lạc trên đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè - TPHCM.
Mặc dù dự án nằm ngay vị trí đắc địa và chủ đầu tư xây dựng liên tục 6 khối nhà nhưng số lượng bán được gần như không đáng kể, trong khi toàn dự án có đến 1.640 căn hộ. Vì thế, ông Vũ Anh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Tài Nguyên (chủ đầu tư dự án), cũng đã phải than thở: “Khó quá, không thể xoay xở được”. Chính vì thế, ông quyết định phần còn lại của dự án, dọc theo ven sông sẽ xin chuyển sang làm khách sạn 5 sao, vì khu Nam hiện chưa có dự án kiểu này.

Muốn thu hồi vốn

Không chỉ có những dự án đã hoàn thành xây dựng mới xin chuyển công năng, thị trường cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp “khai tử” khi dự án căn hộ chung cư chưa xây dựng móng để xin điều chỉnh quy hoạch từ chung cư sang nhà phố, biệt thự bán thu hồi vốn trong thời điểm khó khăn.

Một dự án ở quận 9 dù trước đó đã nộp hồ sơ xin quy hoạch chuyển 300 nền đất biệt thự, nhà phố sang xây dựng chung cư với gần 2.000 căn hộ, nhưng bây giờ chủ đầu tư đã quyết định rút hồ sơ để tiếp tục bán đất nền. Theo giám đốc dự án: “Dù mất một khoản lợi nhuận lớn do số lượng sản phẩm giảm gần 7 lần, chưa kể việc bán đất nền không lãi nhiều như bán căn hộ nếu thị trường thanh khoản tốt nhưng ở thời điểm này bán nền đất chắc ăn hơn…”.

Hiện tượng chuyển đổi công năng dự án cũng xảy ra tại một số dự án ở khu trung tâm TPHCM. Mới đây, khi thấy DN quá khó khăn, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương cho xem xét, điều chỉnh chức năng một số công trình từ văn phòng, khách sạn sang căn hộ (bán hoặc cho thuê) hoặc từ căn hộ cho thuê sang căn hộ bán nhằm tạo điều kiện cho các DN tiếp tục triển khai dự án, thu hồi vốn trả nợ vay ngân hàng.

Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, cho biết hiện có gần 10 dự án đề xuất chuyển công năng và đều là những dự án đã được cung cấp thông tin quy hoạch nhưng chưa triển khai. Đây có lẽ sẽ không phải là những dự án cuối cùng có ý định chuyển công năng, nếu tình hình nhà đất ảm đạm kéo dài như trong thời gian qua.

Hỗ trợ giải quyết đầu ra

Hiện một số chủ đầu tư đang làm dự án ở quận 2, 8, Thủ Đức và huyện Bình Chánh cũng đang xin điều chỉnh từ dự án chung cư sang nhà phố, biệt thự.

Từ góc độ quy hoạch, một lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP cho rằng: Việc xin xuống thấp tầng là một xu hướng giải quyết đầu ra khi thị trường địa ốc ế ẩm, chính quyền không nên cứng nhắc mà tùy theo vị trí có thể linh động giải quyết cho chủ đầu tư. Một số vị trí có thể cho phép thực hiện như xa trung tâm, khu vực nông thôn, gần sông nước, việc xây thấp tầng phù hợp hơn. Còn những nơi như khu vực trung tâm, gần các hệ thống giao thông huyết mạch… bắt buộc phải xây cao tầng.

Theo Người lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.