19/11/2015 2:48 PM
Được chủ đầu tư quý hóa tặng cho một suất ngoại giao, sau thời gian đôn đáo tìm khách hàng, anh Hải rơi vào tình huống khó xử: bán không xong mà trả lại cũng không được vì đã trót đóng tiền cọc. Suất ngoại giao một thời hái ra tiền thì nay trở thành ác mộng với không ít người.
Của cho - của nợ
Do có mối quan hệ khá thân tình với một chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp ở Cầu Giấy, anh Hải (trưởng phòng một công ty xây dựng) được tặng một suất ngoại giao với chiết khấu lên tới 5%. Theo lời ngọt ngào của chủ đầu tư, dự án được đánh giá khá hot trong khu vực nên chắc chắn sẽ hút khách ngay lần mở bán đầu tiên. Chưa kể tới việc, họ sẽ bán theo kiểu nhỏ giọt nên sẽ tạo sóng cho thị trường. Những người có suất ngoại giao sẽ có cơ hội kiếm lời.
Kèm theo lời quảng cáo hấp dẫn, những người mua suất ngoại giao chịu một điều khoản ràng buộc: sẽ phải đặt cọc 50 triệu đồng, cùng với cam kết người mua thứ cấp sẽ không được phép mua đi bán lại trong vòng 6 tháng tiếp theo.
Suất ngoại giao rao bán tràn lan trên khắp các trang mạng
Được suất ngoại giao, anh Hải vội vay tạm tiền người quen để thực hiện phi vụ làm ăn. Ngày đầu tiên mở bán dự án, số lượng người mua đông nghịt, anh cũng phấn khởi và hy vọng sẽ kiếm được tiền từ mối quan hệ này. Tiền chênh căn hộ ngày mở bán ở thị trường thứ cấp lên tới hàng chục triệu. Nhẩm tính sơ sơ nếu bán luôn căn hộ ngoại giao, cả tiền chênh và tiền được chiết khấu anh Hải có thể bỏ túi cả chục triệu đồng. Anh Hải cố giữ chờ giá lên cao sẽ chốt lời.
Chỉ sau một tháng, giá căn hộ dự án đã hạ nhiệt. Không đoán trước thị trường, anh Hải rơi vào tình thế khó xử. Suất ngoại giao chỉ được giữ trong vòng 3 tháng, còn tiền đặt cọc ở chủ đầu tư khó có thể rút ra được mà căn hộ thì khó bán. Để lấy tiền của mình về, anh Hải trở thành một nhân viên cò đất, lên khắp các trang mạng rao bán.
Điều mà anh Hải giật mình là không chỉ riêng anh mà rất nhiều nhân viên khác trong công ty và đối tác cũng được suất ngoại giao, thậm chí họ còn được chiết khấu cao hơn. Nhiều trường hợp mua trực tiếp của sàn còn được ưu đãi. Chính vì thế, căn hộ anh rao bán cũng không được nhiều người quan tâm.
Cả tháng lang thang khắp các sàn và nhờ cậy nhân viên môi giới, cuối cùng anh Hải cũng đã giải quyết được “của nợ”. Lấy được số tiền đặt cọc về cũng may anh còn lời được 5 triệu đồng. “Đúng là của cho là của nợ” - anh Hải cười nói.
Hết thời suất ngoại giao
Như anh Hải, anh Tùng (nhân viên một công ty tư vấn tại quận Thanh Xuân) cũng được một chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp ưu ái tặng một suất ngoại giao. Chủ đầu tư sẽ chiết khấu cho anh 3% nếu mua căn hộ hoặc anh có thể tìm khách bán lại để hưởng số tiền này. Tính ra, một căn hộ giá khoảng 2 tỷ thì anh Tùng sẽ có 60 triệu đồng. Sau nhiều lần “chè chén” với chủ đầu tư, anh Tùng được lời hứa sẽ có một suất như vậy trong ngày mở bán.
Nguồn cung căn hộ tăng mạnh nên việc sở hữu suất ngoại giao không hề dễ bán
Có được “căn hộ” từ chủ đầu tư, anh Tùng cũng nuôi hy vọng. Song, thực tế là anh chỉ biết mình có suất đó chứ mờ tịt thông tin cụ thể về căn hộ. Anh đã làm việc với nhân viên của sàn để chia mức chiết khấu nếu bán được. Đại diện chủ đầu tư đã hứa sẽ giải quyết sớm cho anh căn này.
Tuy nhiên, sau gần nửa năm, dự án mở bán hết tòa này tới tòa kia, mỗi lần gọi điện tới sàn hỏi về căn hộ của mình, chủ đầu tư đều trả lời "đang hết sức cố gắng". Trong khi đó, không có nghiệp vụ và quan hệ nên anh Tùng không thể tự bán được căn hộ này.
Anh cho hay: “Mấy suất ngoại giao giờ có cũng như không. Nghe thì oách đấy nhưng quả thực rất khó nuốt. Bán nhà thời điểm này không hề dễ chút nào”.
Đại diện một chủ đầu tư ở Hà Đông chia sẻ, mỗi đợt mở bán số lượng suất ngoại giao cũng lên tới hàng chục căn. Nhưng hiện nay, chủ đầu tư cũng “khôn” khi đưa ra nhiều điều kiện ràng buộc, chưa kể tới không ít suất ngoại giao lại rơi vào những căn hộ loại to, vị trí không đẹp. Chính vì thế, chỉ những người có nhu cầu mua để ở mới thấy được giá trị của những căn hộ này, còn các trường hợp nhu cầu đầu tư lướt sóng không dễ dàng.
“Để giữ mối quan hệ, chúng tôi vẫn có suất ngoại giao nhưng tỷ lệ bán được những suất căn hộ này như ngày xưa thì rất ít. Hiện nay, chỉ có các dự án căn hộ giá rẻ như chung cư của ông Thản mới kiếm lời được”, vị giám đốc cho hay.
Nếu như trước đây, các suất ngoại giao được giới đầu tư ví như vớ được tiền bởi chỉ cần mối quan hệ có được suất mua này, họ có thể kiếm được chục tới hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt chỉ những đối tác thân tình với chủ đầu tư mới có được đặc quyền ưu đãi như vậy. Song hiện nay, khi thị trường BĐS giảm nhiệt, các căn hộ cao cấp đua nhau mở bán thì việc lướt sóng những căn hộ ưu đãi như vậy không phải là điều dễ dàng.
D.Anh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.