Trong một báo cáo mới đây, Bộ Tài chính cho biết 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhiều nhất trong năm 2021 đã vay tổng số nợ lên tới hơn 100.000 tỷ đồng với mức lãi vay từ 8%/năm đến 12,9%/năm.

Ảnh minh hoạ.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nhiều lĩnh vực (sản xuất, thương mại, dịch vụ, năng lượng...). Mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn với khối lượng phát hành tăng 40,36% so với năm 2020.

Báo cáo Bộ Tài chính cũng chỉ ra chi tiết 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất và 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất năm 2021.

Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về nợ vay TPDN trong năm vừa qua có: Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát, Công ty Cổ phần Osaka Garden, Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas.

Ngoài ra, nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành TPDN để vay nợ nhiều nhất trong năm 2021 còn có các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần đầu tư Golden Hill, Công ty Cổ phần đầu tư Tân Thành Long An, Vinaconex, Công ty Cổ phần thương mại - quảng cáo - xây dựng - địa ốc Việt Hân (TNR Holdings)…

Theo Bộ Tài chính, mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp bất động sản cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Trường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Huy động vốn trái phiếu gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu

Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, có nhiều doanh nghiệp tỷ lệ huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu lớn hơn vốn chủ sở hữu lên tới hàng chục lần.

Chẳng hạn như Công ty Mediterranena Revival Villas với vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ nhưng trong năm 2021 đã phát hành tới 7.200 tỷ đồng TPDN, tương đương tỷ lệ phát hành TPDN lớn hơn vốn chủ sở hữu lên tới hơn 47 lần.

Công ty Osaka Garden vốn chủ sở hữu chỉ có 270 tỷ đồng nhưng chỉ riêng trong năm 2021 đã phát hành 7.700 tỷ trái TPDN với lãi suất trung bình 11,1%.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác đang có lượng phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu như Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Residence gấp 6 lần; Công ty Cổ phần Hoàng Phú Vương gấp hơn 5 lần; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát gấp 4 lần...

Trong những năm gần đây, cùng với nhóm tổ chức tín dụng, bất động sản thường xuyên là nhóm doanh nghiệp có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất. Riêng năm 2021, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp của nhóm công ty bất động sản phát hành lên tới hơn 212.000 tỷ, trong khi khối lượng phát hành trong quý I/2022 cũng là hơn 47.000 tỷ đồng.

Theo số liệu từ đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings (Fiingroup), áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn trong 2-3 năm tới đây khá lớn. Hiện, quy mô dư nợ của ngành bất động sản khoảng 189.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021 và 73% giá trị này (gần 138.000 tỷ đồng) có điểm rơi đáo hạn vào 3 năm tới đây (2022 – 2024).

Theo đánh giá của FiinRatings, sức khỏe tài chính các công ty bất động sản về tổng thể vẫn ở mức tương đối an toàn, ngoại trừ các công ty dự án được lập ra nhằm mục đích huy động vốn trái phiếu hoặc vay vốn tín dụng ngân hàng. Ngành bất động sản nói chung và phân khúc bất động sản dân cư nói riêng vẫn cơ bản có mức độ đòn bẩy tài chính ở mức thấp tương đối so với giai đoạn năm trước.

Điều này thể hiện qua một số chỉ tiêu chủ chốt khi đánh giá năng lực tín dụng: Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu của các đơn vị bất động sản dân cư niêm yết hiện đang ở mức 0,7 lần; hệ số đánh giá năng lực trả lãi EBITDA/chi phí lãi vay ở mức 1,8 lần; và hệ số bao phủ nợ ngắn hạn ở mức 3,8 lần vào cuối 2021.

Để tránh các rủi ro không đáng có, FiinRatings cho rằng, cơ quan quản lý phải giải quyết ổn thoả quyền lợi của các nhà đầu tư trong các lô trái phiếu đang trong quá trình xử lý và có thể là ở cả một số tổ chức phát hành khác theo kết luận của cơ quan quản lý nhà nước được đảm bảo thu hồi một phần hoặc toàn bộ gốc và lãi hoặc có lộ trình rõ ràng được thông tin minh bạch đến trái chủ hiện đang sở hữu.

Bộ Tài chính đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 153 về phát hành TPDN.

Theo đó, nghị định sửa đổi sẽ bổ sung một số quy định mới như doanh nghiệp sẽ không được phát hành TPDN có giá trị quá 3 lần vốn chủ sở hữu. Nếu phát hành vượt trên 1 lần vốn chủ sở hữu, phải có tài sản bảo đảm, bảo lãnh thanh toán của ngân hàng. Nghiêm cấm việc phát hành TPDN để cho vay, góp vốn, mua cổ phần, mua vốn góp doanh nghiệp khác, trừ trường hợp phát hành để đầu tư vào công ty con. Doanh nghiệp phát hành TPDN phải mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư nếu có vi phạm pháp luật và vi phạm quy định về phát hành trái phiếu

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.