22/01/2024 2:37 PM
Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG) và Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) sẽ hợp tác nghiên cứu đầu tư hai dự án giao thông 85.000 tỷ đồng gồm: Cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc.

Thiết kế kiến trúc cầu Tứ Liên, cây cầu dự kiến nằm tại Hà Nội được bắc qua sông Đuống và sông Hồng nối từ đường Nghi Tàm, Tây Hồ sang địa bàn xã Đông Hội, huyện Đông Anh.

Theo Cổng TTĐT TP Hà Nội, ngày 18/1, lãnh đạo UBND thành phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG), Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Theo biên bản ghi nhớ, các bên liên quan thống nhất cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Hà Nội, trong đó tập trung vào hai dự án. Đầu tiên là cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với tổng chiều dài tuyến khoảng 11,5 km từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao vành đai 3 (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên). Cùng với đó, xây dựng cầu Tứ Liên với chiều dài 2,9 km, trong đó cầu chính dài 1 km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, hai làn hỗn hợp và hai làn đi bộ... Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.

Dự án thứ hai là đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Quy mô tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa với chiều dài 38,4 km (gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi cao và 29,9 km đi trên mặt đất), 21 ga và hai khu depot. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (China Pacific Construction Group - CPCG) của Trung Quốc được thành lập năm 1995, tập trung cốt lõi vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng.

CPCG đã được Fortune xếp hạng trong 500 doanh nghiệp lớn nhất. Vào ngày 20/7/2017, tập đoàn được xếp thứ 89/500 và đứng đầu lĩnh vực xây dựng toàn cầu.

Tập đoàn cũng đã khởi xướng hình thức đầu tư BT và tham gia xây dựng tại hơn 1.000 thành phố và 3.000 khu công nghiệp bằng cách áp dụng hợp đồng BT, BTO, EPC và PPP. CPCG cũng trực tiếp tham gia vào các dự án của Thượng Hài – Nam Kinh; Thượng Hải – Chu Hải; Bắc Kinh – Thượng Hải…cũng như các dự án trọng điểm quốc gia của nước này.

Phía CPCG cũng cho biết ngoài thị trường nội địa, Tập đoàn cũng tích cực mở rộng thị trường quốc tế, trong đó, đặc biệt chú trọng đến các nước ở Trung Tây Á, Trung Đông Âu (CEE) và ASEAN. Hiện các dự án tàu điện ngầm, tàu cao tốc hợp tác với Ukraine, Iran và Malaysia đang được đánh giá là suôn sẻ.

Trước đó, theo thông tin từ Bộ GTVT CPCG từng bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông tại Việt Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP), cụ thể là dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía đông.

Trong khi đó, Vinaconex là một trong những nhà thầu xây dựng hạ tầng lớn trong nước, sở hữu năng lực thi công tốt ở cả lĩnh vực hạ tầng giao thông, công nghiệp và dân dụng. Một số dự án trọng điểm Vinaconex đảm nhiệm thi công, như cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 và giai đoạn 2, dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, dự án cải tạo nâng cấp sân đỗ máy bay hiện hữu quốc tế quốc nội Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Bài…

Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, những doanh nghiệp này cũng đang nhảy vào thị phần xây dựng công trình dân dụng, khi tham gia đấu thầu gói 5.10 thuộc dự án thành phần 3, sân bay Long Thành có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.