Nhiều căn nhà xây dựng thuộc dự án Khu thương mại 568 dở dang do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính. Ảnh: nhandan.com.vn
Một trong những dự án đầu tiên được Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu trực tiếp chỉ đạo xử lý là Khu dân cư thương mại phường 7, thành phố Vị Thanh (Khu dân cư thương mại 586).
Gần 10 năm nợ hơn 270 tỷ đồng
Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện, chủ dự án Khu thương mại 568 rơi vào cảnh nợ nần cả trăm tỷ đồng. Trong khi đó, hạ tầng khu dân cư này cũng dở dang đủ thứ.
Theo báo cáo kiểm tra việc thực hiện dự án Khu thương mại 568 của Thanh tra tỉnh Hậu Giang, đến hết năm 2017, nợ đọng của chủ đầu tư dự án tại hai ngân hàng BIDV Tây Nam và Ngân hàng Đông Á, chi nhánh Hậu Giang là hơn 274 tỷ đồng.
Cách nay gần 15 năm, năm 2004, UBND tỉnh Hậu Giang có Công văn số 1235/UB về việc thống nhất chủ trương quy hoạch đất cho Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Hoàng Hùng xây dựng Khu thương mại và dân cư 568 với diện tích 30 ha.
Sau 4 năm kể từ thời điểm quy hoạch đất xây dựng khu dân cư, đến năm 2008, UBND tỉnh Hậu Giang phải ban hành Quyết định số 236/QĐ-UBND về việc thu hồi diện tích đất đã giao cho Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Hoàng Hùng để giao cho Công ty Cổ phần 586 Hậu Giang tiếp tục thực hiện dự án. Cũng trong năm 2008, tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 236/QĐ-UBND nội dung: Thuận cho Công ty Hoàng Hùng chuyển nhượng phần diện tích đất ở 124.914,3 m2 và cho Công ty 586 Hậu Giang tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án.
Như vậy, Công ty 586 Hậu Giang chính thức thực hiện dự án Khu thương mại và dân cư phường 7, thành phố Vị Thanh từ năm 2008. Sau 10 năm thực hiện, cơ sở hạ tầng nơi đây được báo cáo là hoàn thành được khoảng 70%; đã khai thác được gần 30% số nền của dự án như xây dựng 300 căn nhà, trong đó có 200 căn nhà đã bàn giao cho khách hàng vào ở và thực hiện góp vốn 250 lô nền.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hầu hết diện tích khu dân cư này rơi vào cảnh hoang tàn. Nhiều khu vực của khu dân cư cỏ dại đã mọc um tùm. Nhiều căn nhà xây thô bỏ phế trong hoang vu suốt thời gian dài. Thậm chí những căn nhà đã có người ở cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh cho biết, hiện có 243 hộ sinh sống tại Khu dân cư thương mại 586. Thế nhưng, các hộ này đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu dân cư (hơn 1.000 giấy) do Công ty 586 Hậu Giang quản lý đã thế chấp trong ngân hàng nhiều năm qua.
Hơn nữa, 243 hộ đang sinh sống nơi đây đang rất lo lắng đối với việc cung cấp điện và nước sinh hoạt bởi hệ thống này mới chỉ được kéo đến đồng hồ tổng do chủ dự án là Công ty 586 Hậu Giang quản lý... Từ tháng 7/2017 đến nay, Công ty 586 Hậu Giang không đóng tiền điện, tiền nước với con số tiền hơn 600 triệu đồng, nên Công ty điện lực Hậu Giang, Công ty Cổ phần cấp thoát nước công trình đô thị Hậu Giang có thể cắt dịch vụ bất cứ khi nào.
Mặt khác, Công ty 586 Hậu Giang triển khai thi công chậm so với yêu cầu, diện tích đất chưa san lấp mặt bằng bỏ trống khá nhiều. Hiện đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh theo thiết kế quy hoạch như đường, vỉa hè, diện, nước... mới chỉ đạt khoảng 50%.
Đối với phần đất ở giai đoạn 2, Công ty này cũng chưa thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng mà dùng nuôi bò trong khu đất với số lượng khoảng 100 con. Theo phản ánh của người dân trong khu vực, việc nuôi bò làm ảnh hưởng đến môi trường. Giai đoạn 2, tuy Công ty chưa đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng đã lấy đất một phần để sử dụng làm gạch.
Thanh tra toàn diện dự án
Mới đây, khảo sát thực tế tại Khu dân cư thương mại 586, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu đã chỉ đạo phải thành lập đoàn thanh tra toàn diện đối với dự án này và sớm có biện pháp xử lý chặt chẽ. Trước mắt chấm dứt đầu tư hai hạng mục là hệ thống điện và nước sinh hoạt đối với Công ty 586 Hậu Giang tại khu dân cư này và giao cho các đơn vị liên quan tiếp quản, đầu tư khai thác. Đồng thời, UBND tỉnh sẽ thành lập Tổ tham mưu xử lý thu hồi các dự án vốn doanh nghiệp chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh, dự kiến trong tháng 7 sẽ đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì xem xét thu hồi theo quy định của Luật đất đai.
Đến nay, trên địa bàn Hậu Giang có 145 công trình, dự án được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua nhưng quá 3 năm chưa triển khai thực hiện. Tỉnh đang khẩn trương rà soát để thực hiện thu hồi dự án, xóa quy hoạch và xóa tên danh mục được phê duyệt trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh cho biết, tình hình kinh tế của Công ty 586 Hậu Giang đang gặp khó khăn. UBND thành phố Vị Thanh kiến nghị UBND tỉnh Hậu Giang xem xét chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp xem xét tiếp nhận hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo từng giai đoạn, từng tuyến đường nếu Công ty 586 Hậu Giang đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai, cũng như các vấn đề pháp lý có liên quan đến dự án Khu dân cư thương mại 586.
Trường hợp Công ty 586 Hậu Giang không tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống và các vấn đề có liên quan đến dự án thì đề xuất UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để thu hồi dự án của Công ty 586 Hậu Giang.
-
Gần 130 dự án tại Hải Dương chậm tiến độ
Theo kết quả rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, toàn tỉnh có 127 dự án ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ.
-
Siêu dự án của Sông Hồng Thủ Đô tại Vĩnh Phúc lọt danh sách chậm tiến độ
Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô có hai dự án chậm tiến độ gồm Khu dịch vụ Bắc Đầm Vạc (8/2018-2/2021) và Khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc (tiến độ 2010-2015).
-
Dự án của Flamingo, Sông Hồng Thủ đô tại Vĩnh Phúc lọt danh sách dự án chậm tiến độ
Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã công bố danh sách 20 dự án nhà ở, đô thị chậm tiến độ trên địa bàn. Nổi bật có những dự án liên quan đến các doanh nghiệp tên tuổi như Flamingo, Sông Hồng Thủ đô, Vinaconex…...