Thị trường địa ốc phía Đông Hà Nội bắt đầu chuyển mình khi lọt vào tầm ngắm của một số doanh nghiệp bất động sản lớn.

Khu Đô thị Việt Hưng ởquận Long Biên do HUD làm chủ đầu tư.

Ông Đào Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico), đã ví von việc xây dựng dự án Khu Đô thị Sinh thái Ecopark tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, như là một quyết định “ngược dòng”. Quả thực, khi Vihajico công bố Dự án cách đây hơn 3 năm, chẳng mấy nhà đầu tư để mắt đến thị trường địa ốc phía Đông của Thủ đô. Trong khi đó, thị trường địa ốc phía Tây, nhất là địa bàn tỉnh Hà Tây cũ, lại lên cơn sốt, khi các nhà đầu tư đổ xô lập dự án để đón đầu việc Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội.

Sau khi sáp nhập, phía Tây tiếp tục là điểm nóng về đầu tư bất động sản, còn ở phía Đông, ngoài điểm sáng Ecopark của Vihajico, Khu Đô thị Việt Hưng của Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) và Hanoi Garden City của Berjaya, thị trường hầu như chìm nghỉm trong làn sóng “Tây tiến”. Nguyên nhân chính vẫn là người Hà Nội có tâm lý ngại vượt sông vì phía Đông bị ngăn cách với trung tâm Hà Nội bởi sông Hồng và trước đây chỉ được kết nối bằng cầu Chương Dương và Long Biên và giao thông thường xuyên ách tắc.

Thế nhưng, những dự án địa ốc phía Đông sẽ không còn lẻ loi khi một số doanh nghiệp bắt đầu tiến về khu vực này. Vào tháng 11 tới, Savico Hà Nội sẽ chính thức khai trương Trung tâm Thương mại Savico Mega Mall trên đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên với diện tích sàn cho thuê 45.000 m2. Ông Phạm Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Savico Hà Nội, cho biết, trung tâm này sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân quận Long Biên mà còn của các khu vực lân cận như huyện Gia Lâm và một phần của tỉnh Bắc Ninh.

Dù đến sau Savico, nhưng Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Sài Đồng lại có được sự hậu thuẫn của đại gia bất động sản Vincom. Nhờ đó, Công ty đã có những bước tiến thần tốc trong việc xây dựng dự án Khu Đô thị Vincom Village ở gần Savico Mega Mall. Theo ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vincom, đến cuối tháng 12 năm nay, giai đoạn đầu của Dự án sẽ hoàn tất xây dựng Trung tâm Thương mại Vincom Center rộng 40.000 m2, 2 trường học quốc tế, một trường mầm non và các cụm biệt thự. Và ngay từ tháng 7 này, Vincom Center sẽ bắt đầu bàn giao mặt bằng cho khách thuê vào làm nội thất gian hàng.

Điều đáng lưu ý là mặt bằng xây dựng Vincom Village trước đây vốn dành để xây dựng Khu Công nghiệp Sài Đồng A rộng 400 ha do liên doanh Hanel và Daewoo (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Thế nhưng, đối tác nước ngoài gặp khó khăn về vốn nên đã rút khỏi dự án. Sau đó, với tốc độ đô thị hóa lan dần sang phía Đông, khu công nghiệp này nhanh chóng được chuyển đổi thành đất đô thị.

Ngoài ra, Hanel còn dành một khu công nghiệp cũ để lập dự án khu đô thị với đối tác khác và xây dựng một trung tâm sản xuất phần mềm. Cách đây vài tuần, Hanel cũng chính thức khởi công xây dựng trung tâm phần mềm trên diện tích 43,4 ha với 7 phân khu chức năng, trong đó có khu phát triển gia công phần mềm, tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại công nghệ và khu nhà ở dành cho các chuyên gia. Ông Nguyễn Quốc Bình, Tổng Giám đốc Hanel, cho biết, theo dự kiến, Dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2014.

Không chỉ có quận Long Biên và huyện Gia Lâm, làn sóng đô thị hóa ở phía Đông còn lan dần xuống huyện Văn Giang. Về địa giới hành chính, Văn Giang thuộc tỉnh Hưng Yên nhưng về khoảng cách địa lý thì chỉ cách hồ Hoàn Kiếm (trung tâm Hà Nội) 13 km. Ông Đặng Minh Ngọc, Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên, tiết lộ Văn Giang đang lọt vào tầm ngắm của một số công ty lớn trong lĩnh vực bất động sản như Đại An, Bách Giang, Xuân Cầu với quy mô nghiên cứu của mỗi khu đô thị từ 300-1.000 ha.

Lý giải về quyết định đi ngược dòng của Vihajico, ông Thanh cho biết, đó là vì Công ty mong muốn phát triển một khu đô thị sinh thái trên quy mô lớn, trong khi khu vực phía Tây đã dày đặc dự án và các điều kiện tự nhiên cũng không phù hợp. Trong khi đó, phía Đông vẫn còn khá sơ khai trong phát triển đô thị nên không chịu nhiều sức ép. Tâm lý ngại vượt sông cũng dần tan biến khi hạ tầng ở phía Đông kết nối với trung tâm Hà Nội đã và đang được cải thiện sau khi cầu Thanh Trình và Vĩnh Tuy đã thông xe. Hơn nữa, việc xây dựng tuyến liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở và từ cầu Thanh Trì đến Mỹ Đình, cũng giúp cho các khu đô thị phía Đông dễ dàng tiếp cận với hầu hết các khu vực trung tâm Hà Nội.

Nhưng để thu hút được khách hàng, đặc biệt là khách mua căn hộ và thuê trung tâm thương mại, các dự án bất động sản ở phía Đông sẽ buộc phải có những thế mạnh riêng để tạo sự khác biệt. Hướng đi của Vincom Village trong việc xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng cho thấy, dự án này đã lường trước những bất hợp lý của các dự án đi trước ở khu vực này: thiếu trường học, trung tâm mua sắm... Còn đối với những trung tâm thương mại như Vincom Mega Mall, việc thu hút được khách thuê lớn như siêu thị Big C sẽ tạo hấp lực đối với các nhà bán lẻ đến mở cửa hàng tại đây.

Giá cả cũng sẽ là điều mà các doanh nghiệp địa ốc phía Đông phải tính đến để thu hút khách hàng. Mặc dù không tiết lộ giá cho thuê nhưng ông Richard Leech, Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, đơn vị tiếp thị Savico Mega Mall, cho biết, trung tâm thương mại này sẽ không đưa ra mức giá thuê ban đầu quá cao, vì như vậy sẽ khó thu hút khách thuê và có thể sau này sẽ buộc phải giảm giá giống như một số trung tâm thương mại ở phía Tây. Chiến lược giá khởi điểm thấp hơn cũng đã và đang được một số dự án bất động sản khác ở phía Đông áp dụng để hấp dẫn khách hàng.
tag: thi truong phia dong ha noi, bat dong san,
Cafeland.vn - Theo NCĐT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland