Năm 2013, mạng lưới hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) có sự biến động lớn khi mà nhiều ngân hàng đã hợp nhất, sáp nhập. Điều này đã khiến cho hoạt động giám sát từ xa của BHTG Việt Nam (DIV) gặp không ít khó khăn. Theo Tổng giám đốc DIV - ông Bùi Khắc Sơn, việc chấm dứt hoạt động của một số TCTD tương tự có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong những năm tới, đặt ra yêu cầu đổi mới đối với công tác giám sát, xử lý, thanh lý ngân hàng.
Ảnh minh họa
Mặc dù việc sáp nhập các ngân hàng thời gian qua chưa ảnh hưởng tới quyền lợi của người gửi tiền, nhưng theo một nghiên cứu của DIV, hành vi người gửi tiền đã thay đổi khi có những xáo trộn trong hệ thống ngân hàng. Trong điều kiện này, biến động về tiền gửi phụ thuộc vào mức độ an toàn của ngân hàng (vốn, chất lượng tín dụng).
Kết quả nghiên cứu trong giai đoạn 2007 – tháng 9/2013 chỉ ra rằng: từ năm 2009 đến 2011, tức từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến khi bắt đầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2011, lượng tiền gửi của dân cư phụ thuộc vào yếu tố rủi ro của ngân hàng. Khi tỷ lệ vốn/tổng tài sản tăng 1%, tốc độ tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm tăng gần 4%. Khi tỷ lệ nợ quá hạn tăng 1%, tốc độ tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm giảm 0,03%. Điều này cho thấy, trong quá trình tái cấu trúc, khi xảy ra những biến động lớn trên thị trường, người gửi tiền sẽ quan tâm tới các yếu tố rủi ro của ngân hàng nhiều hơn khi quyết định gửi thêm tiền.
Theo bà Phạm Bảo Khánh, Phòng Giám sát 1 (DIV), hành vi của người gửi tiền là một vấn đề quan trọng và nếu chúng ta không hiểu về người gửi tiền thì sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn đến tính thanh khoản của một ngân hàng cũng như cả hệ thống tài chính. Do đó, cần có hiểu biết về hành vi người gửi tiền để thiết kế chính sách BHTG phù hợp.
Việc nâng cao khả năng cảnh báo sớm ngân hàng yếu kém sẽ giúp DIV ước lượng khả năng và quy mô rút tiền của dân cư và việc khoanh vùng đối tượng rút tiền sẽ dễ dàng hơn. Khi có hiểu biết về hành vi và nhận thức của người gửi tiền, DIV có thể xây dựng chương trình truyền thông chính sách, phổ biến kiến thức hiệu quả, góp phần định hướng hành vi của họ. Đồng thời, DIV sẽ chủ động tác động tới sự hoạt động liên tục của hệ thống ngân hàng. Điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống TCTD.
“Việc tiến hành khảo sát về hành vi người gửi tiền là cần thiết. Việc này tiến hành càng sớm thì chúng ta càng hạn chế được rủi ro do người gửi tiền gây ra”, bà Phạm Bảo Khánh nhấn mạnh.
Tháng 6/2013, Hiệp hội BHTG quốc tế, thông qua BIS ban hành “Hướng dẫn chung về phát hiện sớm và can thiệp kịp thời đối với hệ thống BHTG”. Trong đó xác định rõ những nguyên tắc và yêu cầu mới, chặt chẽ hơn đối với hoạt động giám sát của tổ chức BHTG. Theo đó, việc phát hiện sớm các điểm yếu hay các vấn đề của các ngân hàng là hết sức quan trọng để nâng cao hiệu quả và ổn định hệ thống các TCTD. Từ đó có thể giúp đưa ra các biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa sự đổ vỡ của ngân hàng, ví dụ như hỗ trợ vốn, hỗ trợ mua bán - sáp nhập, tái cấu trúc ngân hàng.
Tại Việt Nam, Luật BHTG có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013 cũng đã đánh dấu mốc thay đổi lớn trong hoạt động giám sát từ xa của tổ chức BHTG về cơ chế, quy trình và yêu cầu về chất lượng. Tuy nhiên, theo đại diện DIV, việc giám sát tổ chức tham gia BHTG không chỉ dừng lại ở giám sát tuân thủ, DIV có trách nhiệm tổng hợp, phân tích xử lý thông tin để phát hiện kịp thời những rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.
Bởi vậy, thay vì cảnh báo và yêu cầu ngân hàng có biện pháp chỉnh sửa kịp thời, DIV kiến nghị và đề xuất với NHNN, ngoài một kênh thông tin chủ yếu từ các ngân hàng như trước thì cần có thông tin chia sẻ từ NHNN và trực tiếp từ các ngân hàng. Nguồn thông tin tài chính từ NHNN là nguồn chính thức của BHTG, là chìa khóa mở ra luồng dữ liệu giám sát, có ảnh hưởng quyết định tới chất lượng giám sát. Do đó, việc xây dựng một cơ chế tiếp cận thông tin từ NHNN một cách kịp thời, đầy đủ và khách quan là vấn đề đặt ra đối với DIV nói chung và hoạt động giám sát nói riêng.