15/04/2025 7:21 PM
Mỹ hiện là nhà cung cấp phế liệu sắt thép lớn thứ 2 của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2025.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phế liệu sắt thép của Việt Nam trong tháng 3/2025 đạt 567.508 tấn, với trị giá gần 170 triệu USD, tăng 9,7% về lượng nhưng giảm 1,1% về trị giá so với tháng trước.

Tính chung 3 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 1,38 triệu tấn phế liệu sắt thép, với trị giá 445 triệu USD, tăng 8,2% về lượng và giảm 10,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu phế liệu sắt thép trong giai đoạn này đạt khoảng 321 USD/tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm.

Xét về thị trường nhập khẩu, trong quý 1/2024, Nhật Bản tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp phế liệu sắt thép cho Việt Nam, chiếm 56,7% thị phần, đạt 784.977 tấn, tương đương 264 triệu USD, tăng 13,67% về lượng nhưng giảm 6,33% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá bình quân đạt 336 USD/tấn, giảm 17,6% so với cùng kỳ.

3 tháng đầu năm 2025, cả nước nhập khẩu 1,38 triệu tấn phế liệu sắt thép, với trị giá 445 triệu USD

Trong khi đó, Mỹ là nhà cung cấp phế liệu lớn 2 của Việt Nam với 140.251 tấn, tương đương 43 triệu USD, tăng gần 50% về lượng và tăng 19,86% về kim ngạch. Giá trung bình 306 USD/tấn, giảm 19,8%. Phế liệu sắt thép từ Mỹ hiện chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước.

Thị trường lớn thứ 3 là Hồng Kông (Trung Quốc) với 114.013 tấn, tương đương 37,5 triệu USD, giảm 18% về lượng và 32% về kim ngạch. Giá trung bình 329 USD/tấn, giảm 17%.

Được biết, phế liệu sắt thép được phép nhập khẩu vào Việt Nam nhằm mục đích tái chế, phục vụ cho đầu vào sản xuất. Việc sử dụng phế liệu sắt thép giúp tiết kiệm chi phí, giảm tiêu thụ năng lượng, đồng thời hạn chế tác động đến môi trường.

Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành sắt thép của Việt Nam sử dụng các loại sắt thép phế liệu cho công đoạn nung, luyện phôi gang để tạo sản phẩm mới.

Trên thị trường, nhiều thương hiệu thép trong nước như Hoa Sen, Hoà Phát, Việt Ý… mới đây đã đồng loạt thông báo điều chỉnh tăng giá bán với mức tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn.

Cụ thể, từ ngày 6/4, Hoa Sen tăng giá bán các loại tôn, thép dày mạ và ống thép mạ kẽm thêm 100.000 đồng/tấn. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 trong vòng một tháng, sau đợt tăng 200.000 đồng/tấn từ ngày 4/3.

Không chỉ thép mạ, giá thép xây dựng cũng bắt đầu có những dấu hiệu nhích lên. Hòa Phát cho biết trước áp lực giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào liên tục leo thang, công ty quyết định điều chỉnh giá bán thép cây xây dựng D10 các loại, tăng thêm 150.000 đồng/tấn, áp dụng từ ngày 3/3.

Tương tự, công ty TNHH Thép Vina Kyoei, công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam thông báo tăng 50.000 đồng/tấn đối với thép cây D10 các loại. CTCP Tập đoàn VAS Nghi Sơn cũng quyết định tăng giá thép thanh D10 thêm 150.000 đồng/tấn, do biến động thị trường và chi phí nguyên liệu đầu vào leo thang.

Thép Việt Ý cũng không nằm ngoài xu hướng khi điều chỉnh giá thép cây D10 tăng thêm 100.000 đồng/tấn, áp dụng trên toàn quốc.

Theo thống kê của SteelOnline, tính đến ngày 15/4, giá thép xây dựng trong nước đang dao động từ:

Thép Hòa Phát: 13,5 - 13,6 triệu đồng/tấn

Thép Việt Đức: 13,8 - 13,8 triệu đồng/tấn

Thép Việt Sing: 13,4 - 13,6 triệu đồng/tấn

Mức giá này cao hơn khoảng 100.000 - 200.000 đồng/tấn so với thời điểm đầu năm 2025. Dù mức tăng chưa lớn, nhưng cũng cho thấy tâm lý thị trường đang dịch chuyển.

Nguyên nhân không chỉ đến từ việc áp thuế chống phá giá với thép mạ, mà còn từ nhiều yếu tố như giá nguyên vật liệu đầu vào tăng (quặng sắt, than luyện cốc), chi phí vận tải leo thang và kỳ vọng phục hồi đầu tư công.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.