Nhiều năm qua, người dân các phường Nguyễn An Ninh, Phường 10, phường Thắng Nhất, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vô cùng bức xúc về một dự án đã triển khai 16 năm và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc? Dự án "xuyên thế kỉ" này gây nhiều khó khăn, thiệt thòi cho các hộ dân có đất bị thu hồi. Nhận được thông tin chủ đầu tư đề nghị cấp thẩm quyền tiếp tục gia hạn cho nhà đầu tư được "ôm" dự án này đến năm 2020, hàng trăm hộ dân bất bình, gửi đơn đến các cơ quan chức năng phản ứng gay gắt về cá

Ngày 30/11/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 907/QĐ-TTg thu hồi 997.263m2 đất tại các phường trên giao cho Công ty Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ du lịch (gọi tắt là DIC) thuộc Bộ Xây dựng để thực hiện dự án Khu trung tâm Chí Linh, TP Vũng Tàu. Theo tờ trình ngày 30/10/2012 của DIC, đến nay đã có 358 hộ dân nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng với 700.752,07m2, diện tích chưa bàn giao mặt bằng là 39.076,85m2 (99 hộ), tổng số diện tích chưa bồi thường giải phóng mặt bằng: 263.510,93m2, trong đó 69 hộ có quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường nhưng chưa nhận tiền và giao mặt bằng, 350 hộ chưa có quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, chiếm diện tích khoảng 197.437,08m2…

Sau 16 năm, DIC chỉ làm được một số hạng mục công trình không đáng kể do chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên thay đổi, chồng chéo, không phù hợp, nên việc thu hồi đất luôn gặp khó khăn. Vừa qua, DIC kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo TP Vũng Tàu, các phường, các cơ quan, ban, ngành và các hộ dân tạo điều kiện cho triển khai dự án, theo đó, DIC đề nghị tiếp tục gia hạn cho DIC thực hiện dự án đến năm 2020.

Tòa chung cư cao tầng của DIC mọc lên trên
đất thu hồi của dân để kinh doanh.

Tài liệu, hồ sơ chúng tôi thu thập được thể hiện: Tháng 11/2004, Bộ Xây dựng gia hạn lần 1 cho DIC hoàn thành dự án theo giai đoạn từ năm 1997 đến 2009. Do DIC không thực hiện đúng tiến độ nên ngày 26/11/2009, Bộ ban hành quyết định gia hạn (lần 2) cho Công ty DIC thực hiện từ 2009 đến hết năm 2013. Đến tháng 12/2012, thời hạn chỉ còn một năm mà khối lượng dự án còn bộn bề, dang dở, công tác đền bù, giải tỏa, thu hồi đất không dễ thực hiện theo dự kiến. DIC lại xin gia hạn (lần 3) đến năm 2020. Nếu đề nghị của DIC lại được cơ quan thẩm quyền chấp thuận thì dự án của DIC có tổng thời gian là 24 năm sẽ trở thành "kỉ lục" về thời gian. Dư luận đặt câu hỏi: Cứ cái kiểu làm ăn như DIC đã 16 năm qua, cho dù có được gia hạn đến năm 2020 thì cũng không có cơ sở để tin rằng DIC sẽ hoàn thành dự án?

Nhà, đất các hộ dân sử dụng hợp pháp mấy chục năm nhưng không được cấp GCNQSDĐ.

Người dân có đất không đồng thuận

Biết tin chủ đầu tư xin gia hạn đến năm 2020, hàng trăm hộ dân đồng loạt kí đơn gửi cơ quan thẩm quyền phản ứng quyết liệt. Đơn của Tổ dân phố số 2, Khu phố 11, phường Thắng Nhất do bà Nguyễn Thị Minh Tâm làm Tổ phó trình bày: Chúng tôi vô cùng bức xúc khi biết tin DIC xin gia hạn dự án kéo dài đến năm 2020. Chúng tôi không đồng thuận với chủ đầu tư đã lừa gạt dân, gian dối với Nhà nước, khẳng định DIC đã lợi dụng chủ trương, chính sách của Nhà nước để được giao hàng triệu mét vuông đất và cướp tài sản của chúng tôi làm "dự án" kinh doanh cao ốc và phân lô, bán nền. Chúng tôi là gia đình chính sách, đất sử dụng hợp pháp qua nhiều đời đã được đăng kí, kê khai nhưng họ lấy lí do "đất trong vùng quy hoạch" để từ chối cấp giấy tờ nhà, đất cho chúng tôi. Chúng tôi ở trên đất của mình mà chẳng khác nào đi ở nhờ, ở thuê đất người khác. Nhiều hộ gia đình có con cháu trưởng thành, có nhu cầu về nơi ở riêng, nhưng khi làm nhà trên đất của mình lại bị chính quyền ngăn cản. Những trường hợp muốn chuyển nhượng cũng bị "cấm"… Chúng tôi kiến nghị các cấp thẩm quyền không gia hạn cho dự án của DIC đến năm 2020, bởi đây là hành vi cố tình chiếm dụng đất dân để kinh doanh nhưng không đối thoại, thỏa thuận với dân về giá bồi thường, mà lợi dụng chính quyền để thu hồi đất, bồi thường giá rẻ. Thử hỏi, nếu đến 2020 mà dự án vẫn không xong thì Nhà nước còn gia hạn đến bao giờ, liệu chúng tôi còn sống đến lúc đó không để đòi quyền lợi của mình? Vì vậy, đề nghị chính quyền thu hồi lại dự án này, giao trả đất cho dân và làm giấy tờ chủ quyền nhà, đất cho chúng tôi.

Đồng tình với các hộ dân tổ 2, phường Thắng Nhất, trong các buổi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cũng đề nghị cấp thẩm quyền không tiếp tục gia hạn cho dự án DIC, thu hồi lại dự án này, trả đất cho dân hoặc giao cho chủ đầu tư khác có năng lực tài chính thực hiện…

Chính quyền cơ sở cũng không đồng tình

Ngày 28/11/2012, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DIC tiếp tục triển khai dự án. Dự họp gồm đại diện các Sở, ngành và UBND thành phố Vũng Tàu và một số phường. Trong cuộc họp này, ngoài một số đại diện "im lặng", một số ý kiến "một chiều" rằng việc DIC không hoàn thành tiến độ dự án là do "hoàn cảnh… khách quan"… Từ đó đùn trách nhiệm về phía TP Vũng Tàu và các phường có đất dự án, "thúc" ép người dân nhận tiền, dùng biện pháp cưỡng chế, giao mặt bằng cho DIC. Và "giao" cho các phường phải có trách nhiệm "giữ đất" cho DIC!

Riêng UBND phường Thắng Nhất đã thẳng thắn, trình bày quan điểm, phân tích nhiều khía cạnh bất cập của dự án. Trong báo cáo năm 2009 và 2012, UBND phường Thắng Nhất vẫn giữ nguyên quan điểm và kiến nghị: "Yêu cầu Công ty DIC thực hiện đúng theo nội dung của các quyết định và quy định pháp luật về bồi thường giá trị tài sản để bảo đảm quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất. Cần xem lại các thời hạn gia hạn của Bộ Xây dựng đối với DIC. Nếu DIC không đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án thì cần thu hồi dự án giao cho nhà đầu tư khác, không nên để dự án kéo dài, ảnh hưởng lợi ích hợp pháp của người dân. Trước mắt, kiến nghị UBND thành phố Vũng Tàu cho phép các hộ dân được sửa chữa nhà cửa đã bị xuống cấp, hư hỏng để bảo đảm cuộc sống và phòng tránh thiên tai"…

Nhiều người dân bức xúc: Phải chăng các cấp thẩm quyền đã quá "ưu ái" khi giao cho DIC hàng triệu mét vuông đất xây cao ốc, phân lô bán nền, kinh doanh thu lợi nhuận nhưng lại xem nhẹ quyền lợi của người dân?

Theo Tuấn Tú (NCT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.