16/06/2015 2:10 PM
CafeLand - Những mảng tường nứt toác, sụt, lún, nghiêng là tình cảnh của hàng trăm căn nhà dọc theo kênh Tân Hóa – Lò Gốm thuộc khu phố 1, 2, 3, phường 11, Quận 6.

Không thể gia cố

Một vệt dài xuất hiện giữa nhà. Ngay kệ bếp, những vết nứt đã xé nát bức tường, lớp gạch men tráng ngoài đã bong tróc và rơi vỡ. Ngay dưới chân tường, một vết nứt dài khác dài trên 2cm, có nơi để lộ một khoảng trống to. “Nó bị nứt chân tường rồi”, bà Nữ, chủ căn nhà này vừa chỉ vừa nói trong căn nhà 20m2 ở khu phố 3, phường 11, quận 6, TP.HCM. Không những thế, phía ngoài, nơi cửa sổ, một vết nứt dài khoảng 50cm cũng khiến cho bức tường biến dạng.

“Hư hại nhiều lắm. Đây là một trong 5 căn nhà nặng nhất ở đây!”, bà Nữ khẳng định.

Bà Nữ bên trong căn nhà bị nứt toác của mình. Dẫu có gia cố bằng xi măng trên bức tường cũng không thể cứu vãn được tình trạng xuống cấp của căn nhà này.

Hàng xóm của bà Nữ, bà Phạm Minh Huệ cũng có hai căn nhà trong tình trạng nặng như thế. Do bị sụt lún rất nặng nên căn nhà nghiêng trầm trọng. Cánh cửa đã lún sâu và không mở ra được nữa. Bà Phạm Minh Huệ còn có một căn khác cũng cùng chung số phận trên con đường này. Đó là căn nhà lầu màu xanh ở khu phố 3 bị nghiêng như sắp đổ. “Đối với căn nhà bị lún sâu, hai vợ chồng đứa con tui đã phải đi ở thuê cả năm nay rồi. Còn căn nhà màu xanh bị nghiêng thì cho đứa em ở đỡ”, bà Huệ cho biết.

Vết nứt lớn giữa căn nhà của bà Nữ, khu phố 3, phường 11, quận 6. Rất nhiều căn nhà ở khu vực này cũng có chung tình trạng như thế này.

Nói về thực trạng những căn nhà bị sụt, lún, nứt, nghiêng, ông Trần Ngọc Phương, khu phố 3 than thở: “Nhà tui bị nghiêng ra đường. Sinh hoạt gia đình hồi mới bị nghiêng đảo lộn tùm lum. Từ hồi nhà bị nghiêng tới giờ, gia đình phải ở trong tình trạng này chứ biết sao bây giờ!”.

Mức độ ảnh hưởng của những căn nhà ở đây nặng, nhẹ khác nhau. Anh Võ Văn Cói, khu phố 1, phường 11, quận 6, cho biết ngôi nhà mình chỉ có nứt nhẹ ở cửa và nền phía trước. “Nhà kế bên tui, của ba chị em lại nứt có nguy cơ đổ. Họ đã đập và xây mới luôn!”, vừa nói, anh Cói chỉ qua nhà hàng xóm. Tuy nhiên, chủ nhà hàng xóm của anh Cói từ chối bình luận về tình trạng ngôi nhà đang xây mới của mình.

Theo những người dân ở khu phố 1, 2, 3, có khoảng trên 300 căn nhà ở khu vực này bị ảnh hưởng tương tự như trên. “Nặng nhất là khu vực từ cái Miễu trở lên (đoạn thuộc khu phố 3), từ đó trở về cầu cũng có nhưng mức độ có nhẹ hơn”, ông Huỳnh Văn Long, người dân khu phố 1, phường 11, quận 6 nói.

Đền bù: Chấp nhận hay không chấp nhận?

Do mức độ hư hại khác nhau nên việc đền bù mỗi hộ mỗi khác nhau. Một số hộ có nhà bị hư hại mức độ nhẹ đã chấp nhận mức đền bù thỏa đáng. Anh Võ Văn Cói, cho biết do nhà bị hư hại nhẹ nên đã thỏa thuận mức đền bù thỏa đáng và đã sửa lại nhà cửa. Anh hài lòng về việc đền bù này.

Ông Huỳnh Văn Long, khu phố 1, cũng chấp nhận mức đền bù thiệt hại đối với căn nhà của mình.

“Tuy nhiên, có nhiều hộ mức độ thiệt hại nặng hơn nên nhiều người không chấp nhận”, ông Long nói.

Một trong số đó, bà Nữ là người tỏ ra bức xúc với việc này. Bà có 3 căn nhà bị lún, nghiêng, nứt. “Nhà tắm của tôi nứt một đường dài mà họ chỉ đến bù có 300 ngàn. Tôi không chịu. Một căn khác nứt nhẹ hơn, họ đền bù 6 triệu đồng, tui đã chấp nhận và nhận tiền đền bù rồi. Còn căn nhà thứ 3 này là nặng nhất, họ chỉ hỗ trợ đền bù có 9 triệu đồng nên tui chưa chịu”, bà Nữ phân trần.

Căn nhà bị nghiêng của bà Phạm Minh Huệ nhìn từ bên trong hẻm. Vì độ nghiêng quá lớn, cánh cửa mặt trước căn nhà này đã không thể mở.

Còn tại khu phố 2, nhà bà Bùi Thị Loan bị hư hại nhẹ đang chờ cán bộ của Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP HCM – đơn vị chủ đầu tư Dự án cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm đến thương lượng đền bù vào chiều 15/6 cho biết: “Cán bộ này hứa sẽ đến để thỏa thuận nên chưa biết mức giá thế nào. Trời mưa lớn thế này chắc họ không tới rồi”, bà nói khi ngoài trời cơn mưa to kéo dài đến 16 giờ chiều vẫn chưa dứt.

Cũng cùng tâm trạng, bà Phạm Minh Huệ bâng khuâng: “Tui có 2 căn nhà bị lún, nghiêng, nứt nhưng đến giờ chưa thấy người của ngành chức năng giám định để xem mức bồi thường hỗ trợ bao nhiêu. Việc này đã kéo dài quá lâu, tôi rất nóng lòng”.

Không làm khó?

Theo nhiều người dân, nguyên nhân của việc hàng loạt nhà bị nghiêng, lún, nứt ở khu vực này là do công trình kênh Tân Hóa – Lò Gốm thi công các cống hộp bên dưới. “Vùng đất này yếu nên có thể khi thi công công trình này, nhà đầu tư không lường hết những tác hại xung quanh nên mới dẫn tới tình trạng này”, một người dân làm trong lĩnh vực thi công công trình có nhà bị ảnh hưởng ở đây phân tích.

Tuy nhiên, để có kết luận nguyên nhân chính xác thì cần có những nghiên cứu từ ngành chức năng.

Trong khi đó, ngoài một số hộ dân chấp nhận đền bù, một số người nói rằng “không làm khó” chủ đầu tư trong thỏa thuận. “Tụi tui ở đây chỉ muốn ngành chức năng làm sao trả lại nguyên trạng căn nhà ban đầu cho chúng tôi chứ tiền bạc chúng tôi cũng đâu chấp nhận”, ông Trần Ngọc Phương nói.

“Nhưng việc trả lại nguyên trạng căn nhà như lúc ban đầu thì làm sao mà được khi tường đã nứt toát?”, một người dân khác nêu câu hỏi. “Một số người nói không làm khó nhưng thật ra là quá khó!”, ông phất tay.

Theo nguồn tin từ Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP HCM – đơn vị chủ đầu tư Dự án cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm, việc thương lượng mức hỗ trợ đền bù với các hộ dân khu vực này đang được thực hiện.

Nam Dương
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.