Nhận đền bù nhưng vẫn ở nhà cũ
Dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm đang hồi sinh sau khi TPHCM bỏ ra 1.800 tỷ đồng để cải tạo. Người dân nơi đây cũng giã từ cảnh “sống chung” với mùi hôi thối bốc lên nồng nặc hàng chục năm qua. Tuy nhiên, trong quá trình thi công hàng trăm căn nhà của người dân bị ảnh hưởng sụt lún, nghiêng và nứt.
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Tuyết Tâm ở số 1100, phường 7, quận 6, TPHCM sụt, nứt nhiều mảng tường. Bà Tuyết Tâm cho biết, khoảng tháng 6/2014, trong lúc bà đang ngủ thì nghe nhiều tiếng rắc rắc rồi nhiều mảng tường của căn nhà bị nứt toác, vữa rơi xuống khiến mọi người bỏ chạy thoát thân. Một số công nhân đang làm việc ngoài kênh biết chuyện nên đã chạy đến mang cừ tràm hỗ trợ chống, gia cố những nơi bị nứt để gia đình bà ở tạm.
“Hơn một tháng sau, căn nhà nứt và nghiêng nên ban quản lý công trình và bảo hiểm đến kiểm tra rồi hỗ trợ gia đình bà mỗi tháng 5,2 triệu đồng để đi thuê nhà khác ở tạm”- bà Tâm kể. Đến ngày 1/4, bà và các đơn vị liên quan thi công kênh Tân Hóa - Lò Gốm thỏa thuận nhận 130 triệu tiền đền bù để bà sửa chữa căn nhà. Sông tại căn nhà từ nhỏ, rời đi không đành, hằng ngày bà và con cái vẫn về nhà ở, buổi tối lại qua nhà em gái ngủ.
Còn anh Trần Ngọc Tiền, ngụ tại số 210/6/20, đường Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6 cho biết, trong lúc thi công lòng kênh, căn nhà bị nghiêng 3,6 độ. Ban quản lý công trình đã đến kiểm tra và hỗ trợ gia đình anh mỗi tháng 4 triệu đồng để thuê nhà ở tạm. “Tôi chọn phương án để công ty sửa nhà vì mình còn nhiều công việc. Theo thông báo thì từ nay đến cuối tháng sẽ đền bù và sửa chữa nhà cho dân”, anh Tiền nói. Dù nhận tiền hỗ trợ thuê nhà ở nhưng hàng ngày anh Tiền vẫn quay về căn nhà bị nghiêng sinh hoạt. Đến chiều tối các con anh đi học về anh mới đi đón và qua nhà thuê ngủ tạm.
“Từ khi dòng kênh hồi sinh giá nhà đất cứ tăng chóng mặt, có khi gấp 4 - 5 lần trước đây”- anh Tiền kể. Dù rình rập nguy cơ sập bất cứ lúc nào khi ở trong “tháp nghiêng”, nhưng anh Tiền cho biết dù nghiêng, sụt nhưng “chưa đến nỗi” do đã có gia cố.
Hơn 1,2 triệu dân hưởng lợi trực tiếp
Ông Nguyễn Thanh Giang, chuyên viên Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TPHCM nói với phóng viên Tiền Phong: Trước đây dọc kênh có hơn 470 ngàn người và hơn 15.000 doanh nghiệp, cơ sở gia công vừa và nhỏ xả nước và rác thải trực tiếp ra kênh gây ô nhiễm trầm trọng về nguồn nước.
Việc kênh Tân Hóa - Lò Gốm hoàn thành đã giúp hơn 1,2 triệu dân trong lưu vực hưởng lợi trực tiếp. Dự án cũng giúp 1/3 số lượng phương tiện, dân cư từ cửa ngõ phía Tây- Nam lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố. Đặc biệt, giảm ùn tắc cho khu vực thương mại Chợ Lớn, quận 5, 6, 11 và khu vực sân bay hướng quận Tân Bình, Tân Phú.
Theo ông Giang để dự án hoàn thành, Ban quản lý dự án, chủ đầu tư và các quận liên quan đã tiến hành bồi thường với tổng số tiền gần 1.715 tỷ đồng. Có 1.547 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó di dời toàn bộ là 817 trường hợp, ảnh hưởng một phần là 730 trường hợp; có 225 hộ nhận quỹ nhà tái định cư theo phân bổ của thành phố và 596 trường hợp tự lo nơi ở mới.
Sáng 5/4, UBND TPHCM tổ chức lễ khánh thành dự án cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm đi qua 5 quận ở TPHCM. Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì cho Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị thành phố nhằm ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của tập thể lãnh đạo, nhân viên của Ban trong quá trình thực hiện triển khai dự án. Phạm Lê Thư |