- Ông nhận xét gì về các vụ xù nợ hàng trăm tỷ đồng liên tiếp xảy ra ở Hà Nội thời gian qua?
- Từ Tết Nguyên đán đến nay, Hà Nội liên tục xảy ra các vụ vỡ nợ. Công an thành phố đang điều tra vụ ở Đan Phượng với số nợ lên xấp xỉ 300 tỷ đồng; vụ ở Hà Đông cũng lên đến vài trăm tỷ; ở huyện Phú Xuyên khoảng 300-400 tỷ đồng. Gần đây nhất, tôi cũng nhận được báo cáo của Công an quận Cầu Giấy có vụ xù nợ trên dưới 100 tỷ đồng. Các vụ này có điểm chung là chủ nợ vay vốn của dân hứa trả với lãi suất cao, rồi bỏ trốn.
Theo hồ sơ điều tra, hiện còn nhiều vụ khác người dân còn chưa biết vì những kẻ lừa đảo dùng nhiều hình thức che giấu. Thấy họ đi xe đắt tiền, nhà đẹp, đeo đầy vàng trên người, nhiều người dân vẫn tin. Có những vụ người dân ngấm ngầm đòi, sợ báo công an thì con nợ sẽ bỏ trốn, khó lấy lại được tài sản.
- Theo ông, nguyên nhân của các vụ xù nợ trên là gì?
- Hiện có hàng trăm dự án đóng băng, hàng nghìn căn hộ không bán được. Đặc biệt năm 2009-2010, giá bất động sản bị thổi lên quá cao, vượt quá khả năng chi trả, cung và cầu không khớp nhau dẫn đến các khu đô thị có hàng trăm biệt thự bị bỏ hoang. Ngoài ra, thị trường chứng khoán trước đây giống như một quả bong bóng bị "thổi" lên không đúng với giá trị thực tế và đến bây giờ mới sụt xuống. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn đã rút khỏi hai thị trường này, chỉ còn người dân bị mắc kẹt. Đây là nguyên nhân chính.
Khi ngân hàng không cho vay thì người dân phải tự huy động để trả vòng quanh cho nhau. Và để huy động được tiền nhàn rỗi trong dân, những kẻ vay tiền phải dùng thủ đoạn đưa trần lãi suất cao lên và cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con. Ví dụ như có trường hợp vay 1 triệu đồng thì trả lãi đến 7.000-10.000 đồng mỗi ngày. Với lãi suất cao như vậy, không ngân hàng nào sánh bằng.
Bên cạnh đó, khi thị trường chứng khoán và bất động sản đóng băng, người dân chuyển sang lĩnh vực vàng. Thực tế, thời điểm này vàng cũng lên xuống bấp bênh, dân buôn thua lỗ và không ít trường hợp mất hàng trăm tỷ đồng.
- Nhiều vụ xù nợ do huy động tiền siêu lãi suất đã được công an điều tra, kẻ vay tiền bị pháp luật xử lý. Nhưng vì sao người dân vẫn tin tưởng, giao cả số tiền lớn để vào những "quỹ tín dụng đen" này?
- Tôi cho rằng, các chủ nợ núp dưới danh nghĩa doanh nghiệp, xây dựng trụ sở, và thể hiện rằng mình có cuộc sống xa hoa giàu có để lấy lòng tin của dân. Họ lấy tiền của dân để mua xe đắt tiền. Tiêu biểu như vụ Phú Xuyên, chủ nợ mua xe đến 5-6 tỷ đồng, rồi vợ chồng Quang - Quyên ở Đan Phượng cũng đi xe đến 4-5 tỷ đồng.
Nhiều chủ nợ thường thông qua các "vệ tinh" để dụ dỗ những người có vốn, câu nhử bằng cách nhận vay với lãi suất cao hơn ngân hàng. Họ đánh vào tâm lý hám lợi, không am hiểu của người dân. Bản thân những "vệ tinh" cũng tin vào chủ nợ, đi tuyên truyền, gom tiền của dân rồi giao lại... Cứ thế một vòng câu nhử - thu gom -cống nộp.
Tôi cho rằng cũng phải thẳng thắn nhìn một sự thật thế này: Người dân có ít vốn, họ không thể đầu tư vào thị trường chứng khoán hay bất động sản. Trong khi địa ốc đóng băng, chứng khoán thì suy giảm, ngân hàng thì bị vướng trần lãi suất, vàng thì bấp bênh nên họ bị lừa với mức lãi suất cao.
- Có những vụ xù nợ ở Hà Nội vừa qua bị đồn thổi lên tới cả nghìn tỷ đồng. Thực hư chuyện này ra sao thưa ông?
- 1.000 tỷ đồng thì chưa thấy có, nhưng theo số liệu của cơ quan điều tra thì đã có những vụ vỡ nợ lên tới 500 tỷ đồng, số vụ chừng 100 tỷ đồng thì nhiều. Kẻ vay tiền dựa vào hợp đồng dân sự để tự ý coi ký kết giữa hai bên là thỏa thuận cho vay chứ không mang tính chất lừa đảo. Nhiều vụ cho vay số tiền cực lớn nhưng thủ tục đơn giản, thậm chí thỏa thuận miệng, không có văn bản liên quan.
Các giấy vay nợ của vợ chồng Phạm Thị Chinh ở quận Cầu Giấy. Ảnh: Hà Anh.
- Phó giám đốc Công an Hà Nội có lời khuyên gì để người dân không bị mắc lừa chiêu vay tiền siêu lãi suất của những kẻ lừa đảo?
- Nếu có vốn nhàn rỗi, bạn nên gửi vào tín dụng, ngân hàng; không nên hợp tác với các tổ chức tín dụng đen. Đặc biệt, nếu bạn có tài sản như sổ đỏ, bạn không nên ủy quyền cho bất kỳ ai. Vì sổ đỏ khi đã qua công chứng ủy quyền có thể sẽ bị họ đem đi cầm cố, thế chấp để kiếm số tiền lớn. Chúng tôi đã tiếp nhận trường hợp thu gom được hàng trăm sổ đỏ để mang tới ngân hàng thế chấp.
Khi không may bị lừa, người dân nên trình báo cơ quan công an để xử lý theo đúng pháp luật. Tránh tình trạng nhờ các dân xã hội đen đe dọa, xiết nợ vì nếu làm vậy vô tình, người dân cũng vi phạm pháp luật.