UBND huyện sẽ cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan trong tháng 7.
Huyện Vân Đồn vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về nhiều công trình vi phạm trên vịnh Bái Tử Long. Tại khu vực giáp ranh đền Vạ Giếng, xã Thắng Lợi, do ông Trần Quốc Dũng làm chủ, từ năm 2012 đến 2016, ông Dũng tự ý xây dựng một nhà sàn gỗ 2 tầng diện tích 80 m2, tuyến kè đá cập tàu dài hơn 100 m, đường bê tông và một số công trình phục vụ ở tạm cho công nhân. Từ năm 2016 đến nay, ông Dũng xây thêm gần chục căn nhà, chòi bằng tre.
Trên đảo Soi Dâu, xã Thắng Lợi, ông Phạm Thế Duy được cho thuê đất lâm nghiệp từ năm 2009, thời hạn 50 năm để trồng rừng. Tuy nhiên, ông Duy đã san gạt đất rừng để xây nhà tầng, sân, cầu tàu... Công trình này bị yêu cầu cưỡng chế từ năm 2012, tuy nhiên đến nay chưa được thực hiện.
Đảo Nêm nơi có nhiều công trình trái phép. Ảnh: Minh Cương
Tại phía tây đảo Thẻ Vàng, xã Thắng Lợi, ông Tô Văn Chương đang quản lý gần 180 ha đất, trên đó có nhiều công trình xây dựng trái phép như: bến cập tàu, hai nhà tầng, một miếu thờ, một số nhà cấp 4…
Ngoài ra, tại đây còn có công trình xây dựng vi phạm thuộc Công ty cổ phần Ngọc Long, Công ty cổ phần Hoàng Trường. Trong đó công ty Hoàng Trường tiếp quản khu đất rộng hơn 120 ha để trồng rừng. Đến năm 2006, doanh nghiệp phá một nhà cũ và xây dựng mới. Dù được cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm, nhưng đến nay công ty chưa thực hiện.
UBND huyện Vân Đồn cho biết, chủ nhân công trình xây dựng bất hợp tác với nhà chức trách, không tham gia làm việc, ký biên bản vi phạm, không có mặt tại hiện trường, không tự tháo dỡ. Việc cưỡng chế khó khăn do sự cách trở địa hình, phương tiện khó tiếp cận, công trình xây dựng quy mô lớn.
Doanh nghiệp quảng bá du lịch khi chưa được phép
Theo báo cáo của UBND huyện Vân Đồn, khi đoàn kiểm tra các đảo do ông Trần Quốc Dũng, Phạm Thế Duy, Tô Văn Chương quản lý đều phát hiện một số gia đình. Những người này khai là người nhà của chủ đảo ra chơi nên đoàn không xác minh được ba ông này có khai thác, kinh doanh du lịch hay không.
Tại đảo Bánh Sữa được UBND tỉnh giao đất cho Công ty TNHH Đỗ Tờ thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản và làm trại giống từ năm 2008, hợp đồng cho thuê đất thời hạn là 30 năm, diện tích sử dụng hơn 18.000 m2. Thời điểm giao đất năm 2008, trên đảo Bánh Sữa có một loạt công trình phục vụ nuôi nhuyễn thể, sản xuất giống, như nhà chuyên gia, nhà công nhân, nhà xưởng nuôi trồng sản xuất giống. Qua kiểm tra cơ bản, nhà chức trách không thấy phát sinh công trình xây dựng mới so với năm 2008.
Tại đảo Bánh Sữa, các phòng được đánh số thứ tự theo tên hải sản như tu hài, sứa... Ảnh: Minh Cương
“Tuy nhiên, công ty này đã quảng bá hoạt động du lịch tại đảo Bánh Sữa lên Internet, cho khách thuê phòng nghỉ qua đêm… khi chưa được cấp phép”, văn bản nêu.
UBND huyện Vân Đồn cho biết đã kiểm tra hai lượt tại đảo Bánh Sữa nhưng không phát hiện có khách du lịch lưu trú tại đây. Sắp tới, huyện sẽ cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép trên vịnh Bái Tử Long và kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan trong tháng 7 này.
Trước đó ngày 29/5, UBND tỉnh Quảng Ninh gửi văn bản yêu cầu chủ tịch TP Cẩm Phả, chủ tịch UBND huyện Vân Đồn phối hợp các ngành liên quan, khẩn trương xác minh thông tin báo chí phản ánh; xác định địa điểm vi phạm quy hoạch, vi phạm sử dụng đất, xây dựng trái phép và có biện pháp xử lý.
Bái Tử Long là một vịnh của Việt Nam, nằm trong vịnh Bắc Bộ, ở vùng Đông Bắc của Việt Nam. Vịnh Bái Tử Long bao gồm một vùng biển của thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và huyện đảo Vân Đồn. Vịnh Bái Tử Long bao gồm hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có nhiều đảo lớn và có dân sinh sống.
Chủ đề: Trật tự xây dựng,
Minh Cương (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.