CafeLand - Hàng trăm cư dân khu đô thị (KĐT) khu Ngoại giao đoàn (phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ngày 12-5 đã tập trung căng băng rôn, phản đối việc Tổng công ty xây dựng Hà Nội –CTCP (Hancorp) điều chỉnh quy hoạch dự án KĐT này. Sự việc diễn ra suốt hai năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

“Nhồi” thêm bệnh viện ung bướu vào KĐT

Chia sẻ về những vấn đề khiến cư dân bức xúc căng băng rôn phản đối, bà Phạm Thị Hòa Thái (đại diện cư dân tòa N03 T3-4) cho biết cư dân tập trung phản đối để yêu cầu ba vấn đề chính.

Thứ nhất, bệnh viện được xây trong quy hoạch khi cư dân mua nhà là đầu mối kỹ thuật. Thứ hai, cư dân bức xúc về việc cấp sổ đỏ. Thứ ba là việc hoàn thiện các cơ sở hạ tầng cho cư dân và những vấn đề liên quan khác.

Theo phản ánh của cư dân, quy hoạch ban đầu của bệnh viện này là khu đất để xây dựng đầu mối kỹ thuật phục vụ cho KĐT Ngoại giao đoàn về cơ sở hạ tầng. Họ lo ngại việc nhồi thêm “bệnh viện” vào KĐT sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của họ.

Tuy nhiên điều khiến cư dân lo lắng hơn cả chính là công trình bệnh viện ung bướu được xây sát khu xử lý nước thải cho toàn bộ KĐT sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vệ sinh cho chính bệnh viện cũng như nguồn nước sau xử lý của toàn khu.

Hàng trăm cư dân xuống đường phản đối chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch KĐT Ngoại giao đoàn.

Ngoài ra, cư dân cũng phản ánh việc chủ đầu tư đã tự ý thay đổi quy hoạch so với ban đầu, tăng tầng, tăng tòa nhà, thay đổi công năng sử dụng của một số lô đất công cộng, dịch vụ gây quá tải lên hạ tầng KĐT.

Theo cư dân, việc thay đổi quy hoạch khiến họ rất bức xúc vì khi lấy ý kiến cộng đồng, cư dân ngoại giao đoàn đã không được tham vấn. Đặc biệt, trong các lô đất thay đổi quy hoạch thì việc tham vấn cộng đồng về tác động môi trường của bệnh viện ung bướu khiến cư dân phản ứng dữ dội nhất.

Ông Cao Xuân Tùng,Trưởng Ban quản trị tòa N03T2, cho biết việc điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 2905/QĐ-QHKT đã được thực hiện mà không có sự tham vấn ý kiến của các cư dân sinh sống tại dự án. Phường chỉ lấy ý kiến của 10 người nhưng không phải người dân trong KĐT này mà là cư dân bên ngoài; xây dựng khi chưa có giấy phép, mặc dù cư dân phản đối.

Ngoài ra, ông Tùng còn cho biết, hạ tầng cơ sở trong KĐT vô cùng kém. Đường giao thông chưa hoàn thiện, đèn đường và các hạ tầng công cộng không đủ chiếu sáng là nguyên nhân xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Bốn năm chưa được cấp sổ đỏ

Cũng theo ông Tùng, có những hộ dân sống tại KĐT đã bốn năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ. Hiện cả khu mới có ba tòa có sổ đỏ, còn các tòa khác như N03T8 và N04B cư dân đã về ở mấy năm nay nhưng vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền nhà.

Bà Phương Dung, thuộc ban đại diện tòa N01-T5, một trong những cư dân đầu tiên về sinh sống ở KĐT này, cho hay bà chuyển đến sinh sống tại khu Ngoại giao đoàn từ tháng 9/2015. Đến nay đã gần bốn năm mà căn hộ vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Liên quan đến bệnh viện Ung bướu được xây trong KĐT, bà Dung nói việc xây dựng bệnh viện đã khiến trạm biến áp riêng cho cả KĐT không còn nữa, dẫn đến hệ thống điện bị ảnh hưởng. Hiện cả khu đang dùng chung hệ thống điện của quận Bắc Từ Liêm, rất nhiều lần mất điện, cuộc sống bị ảnh hưởng.

Dự án Khu đoàn ngoại giao có nhiều vấn đề khiến cư dân bức xúc như quỹ bảo trì, chậm cấp sổ đỏ, tự ý điều chỉnh quy hoạch...

Được biết trước đó, vào ngày 10/5, Hancorp đã có buổi đối thoại với cư dân KĐT Ngoại giao đoàn để giải quyết các kiến nghị của cư dân liên quan đến việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết KĐT này.

Tại buổi đối thoại, chủ đầu tư đã đồng thuận theo phần lớn các kiến nghị của cư dân, bao gồm cam kết về việc thay đổi quy hoạch dự án, đẩy nhanh triển khai các hạng mục hạ tầng xã hội và giải quyết dứt điểm cấp sổ đỏ trong năm 2019.

Tuy nhiên, cư dân hiện không còn tin vào những cam kết của chủ đầu tư, cho rằng đó chỉ là những lời “hứa suông” nhằm xoa dịu bức xúc của cư dân.

“Họ hứa, cam kết rất nhiều lần từ chủ CĐT cấp 1 đến CĐT thứ cấp, nhưng chúng tôi chỉ quan tâm đến vấn đề thực hiện, mà đến giờ họ chưa thực hiện được”, một cư dân KĐT chia sẻ.

Đó là lý do đồng loạt cư dân xuống đường căng băng rôn phản đối, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện những cam kết vào sáng 12/5.

Dự án khu Ngoại giao đoàn được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội phê duyệt, giao cho Hancorp làm chủ đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng và cảnh quan khu đô thị từ năm 2006.

Dự án có quy mô 62,8ha nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển khu Ngoại giao đoàn cho Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, văn phòng của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, khu nhà ở cho người nước ngoài tại Hà Nội. Quy mô dân số toàn khu là 9.700 người.

Dự án chung cư Ngoại giao đoàn gồm bốn khu N01, N02, N03, N04 với 23 tòa có chiều cao từ 21-45 tầng. Tòa chung chư đầu tiên được hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng vào quý 3-2015.

KĐT này có mật độ xây dựng thấp, 30-33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng… Do đó, hàng nghìn cư dân đã bỏ tiền mua căn hộ tại khu đô thị này.

Ngày 22/5/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2905/QĐ-QHKT về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu Ngoại giao đoàn khiến các cư dân bất ngờ, bức xúc và lo lắng.

Trong đó, có một số ô đất điều chỉnh tăng mật độ xây dựng, nhất là ô đất ký hiệu ĐMKT1 có chức năng đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế điện). Nay khu đất này được điều chỉnh thành ô đất có ký hiệu BV có chức năng đất công cộng đô thị, với mật độ xây dựng 40%, tầng cao công trình 12 tầng + 2 tầng hầm.

  • Hancorp bị “thúc” nộp thuế tại dự án Khu đoàn ngoại giao

    Hancorp bị “thúc” nộp thuế tại dự án Khu đoàn ngoại giao

    CafeLand - Kiểm toán nhà nước (KTNN) mới đây đã yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) giải quyết dứt điểm vấn đề tài chính ở thời điểm cổ phần hoá. Trong đó, yêu cầu doanh nghiệp này nộp tiền sử dụng đất tại dự án Khu đoàn ngoại giao (Hà Nội) và thanh toán chi phí thực hiện dự án đối với một số dự án khác.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.