29/11/2012 9:11 PM
Để giải quyết một lượng hàng tồn kho BĐS khổng lồ đang gây khó khăn cho DN và cả nền kinh tế, bên cạnh việc cơ cấu lại sản phẩm cũng như tìm kiếm nguồn tài chính mới, các giải pháp được đưa ra như hạn chế nguồn cung bằng cách hoãn, tạm dừng, điều chỉnh hàng loạt dự án. Tuy nhiên các DN đều cho rằng bài toán này khó khả thi và gây thiệt hại cho không ít DN có dự án bị tạm dừng.


Những khoản vay của các dự án bị tạm dừng sẽ làm tăng nợ xấu cho ngân hàng.

Hãy để DN chủ động

Mới đây, lãnh đạo Cty CP Đầu tư Trường Phúc đệ đơn lên TAND TP Hà Nội yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Cty CP Sỹ Ngàn - chủ đầu tư dự án Ngọc Viên Islands tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) để đòi lại khoản vốn hơn 5 tỷ đồng đã góp vào dự án. Theo tìm hiểu được biết, Cty CP Sỹ Ngàn hiện còn 1 dự án khác là Khu du lịch sinh thái Anantara cũng chưa hoàn thành GPMB. Nếu như sắp tới, chủ trương tạm dừng nhiều dự án được chấp thuận, sẽ có rất nhiều nhà đầu tư phải gánh chịu hậu quả khi chủ đầu tư có lý do để thoái thác, hoặc trì hoãn kéo dài trả vốn góp lại cho nhà đầu tư.

Để điều chỉnh các dự án phải có quy định và quy trình cụ thể rõ ràng, có dự án phải tạm thời dừng, có dự án thì cho thời hạn để điều chỉnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tạm dừng các dự án trên thực tế là rất khó. Bởi dự án BĐS đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, sẽ chịu điều chỉnh của Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh BĐS nên việc dự án bị tạm dừng hay không là phụ thuộc vào chính DN đó. Chẳng hạn, Nhà nước có thể rút giấy phép và thu hồi dự án nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án trong thời gian quy định. Còn lại, nếu DN vẫn đảm bảo các điều kiện thực hiện dự án thì không dễ buộc họ phải tạm dừng với lý do phải hạn chế nguồn cung. Ở góc độ thị trường, đối với những người đầu tư thứ cấp, họ tham gia vào dự án khi dự án còn sơ khai ban đầu. Khi dự án bị đình hoãn, rất dễ xảy ra tranh chấp dân sự phức tạp giữa những người đầu tư thứ cấp và chủ dự án. Bởi chủ dự án có thể đã sử dụng tiền góp vốn của nhà đầu tư vào việc khác, còn người đầu tư không lại được tiền. Về điều này, ông Nguyễn Ngọc Thành - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng phân tích: Thực tế cho thấy thời gian để điều chỉnh các dự án là không hề ít. Để giải quyết điều này phải có quy định và quy trình cụ thể rõ ràng, có dự án phải tạm thời dừng, có dự án thì cho thời hạn để điều chỉnh.

Khó cho ngân hàng

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Đền bù GPMB của TP Hà Nội, gần 50% dự án BĐS trên địa bàn thủ đô nằm trong tình trạng GPMB dở dang, số tiền đầu tư vào việc lập dự án, xây dựng quy hoạch, đền bù là rất lớn. Giữa bối cảnh lượng hàng tồn kho BĐS nhiều, DN hoàn thành các dự án mới lại càng khó bán, nếu các DN tiếp tục chủ động thực hiện dự án thì sản phẩm đó phải được tự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thị trường. Theo ông Trương Chí Kiên - GĐ Cty CP Him Lam Thủ đô, việc áp dụng một công cụ hành chính để dừng các dự án BĐS là không phù hợp. Hơn ai hết, DN hiểu được tính khả thi của dự án, họ tính toán cụ thể chi phí đầu vào để cân đối đầu ra.

Theo ông Trần Xuân Hoàng - Phó TGĐ BIDV, thị trường đang dư cung rất lớn, nên giãn, hoãn, dừng các dự án và cơ cấu lại rổ hàng hóa là rất cần thiết. Nhưng trong quá trình phân định lại dự án, đối với những dự án thuộc nhóm phải dừng, nhưng đang có vốn vay ngân hàng, chưa biết bao giờ triển khai thì sẽ “ứng xử” thế nào? Và những khoản vay của các dự án bị tạm dừng vô hình chung sẽ làm tăng nợ xấu ngân hàng, ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường tài chính.

Nhà nước cần phải dồn toàn bộ tín dụng lãi suất thấp cho người trực tiếp sẽ mua nhà, thuê nhà. Mong muốn Nhà nước sớm ra Nghị định liên quan tới Luật Nhà ở, cũng như nhà cho thuê đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, Nhà nước cũng như người dân. Với hình thức cho thuê dài hạn, sẽ tận dụng được những căn hộ đang tồn kho và cũng tận dụng được nguồn tiền đang dự trữ trong dân. Tới lúc này chúng ta phải có một cuộc tổng rà soát lại tất cả các dự án. Phải chịu một vết mổ rất đau nhưng cần thiết là tạm đình chỉ, hoãn và rút giấy phép của một số dự án nhưng cũng không thể bỏ qua ý kiến của các chủ đầu tư.

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Theo Đông Hưng (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.