CafeLand – Cơn sốt đất nền lan rộng, giá đất nhảy múa từng ngày, có nơi tăng đỉnh điểm 100%... đã khiến cho không ít người nhảy vào “đầu tư lướt sóng” với mong muốn kiếm lời nhanh

Giá đất nền tăng ảo, nhiều người mua đất có nguy cơ sập bẫy?

Có người vỡ mộng

Do tin tưởng lời hứa hẹn của nhân viên môi giới, Chị Q (quận 9, TP.HCM) đã vay mượn tiền bạc để mua hai suất đất nền tại dự án Spring City (xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) của Công ty cổ phần bất động sản Vạn An Phát đầu tư. “Lúc tư vấn nhân viên khẳng định là có thể mua để lướt sóng được sau 2 – 3 tuần và cam kết bán lại nếu khách hàng có nhu cầu”, chị Q kể.

Tuy nhiên, hai tháng sau nền đất của chị không thể ra hàng được mặc dù chấp nhận bán lại ngang giá. Thay vào đó phía công ty còn thúc ép chị phải đóng các đợt tiếp theo.

Quá bức xúc, chị Q đã nhiều lần đến gặp và khiếu nại đối với công ty Vạn An Phát. Tuy nhiên, trong văn bản trở lời sau đó, Vạn An Phát khẳng định họ không có chính sách bán hàng đầu tư lướt sóng cho bất kỳ dự án nào. Trong trường hợp, công ty có thể bán lại các lô đất trên cho chị Q thì cũng chỉ là một biện pháp hỗ trợ cho khách hàng chứ không được xem là nghĩa vụ của công ty với khách hàng.

Hiện tại, chị Q đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Cò khuyên khách “phải quyết định nhanh”

Khảo sát thực tế, cơn sốt đất đang lan rộng và tiềm ẩn yếu tố rủi ro, nếu không tỉnh táo người mua sẽ rất dễ sập bẫy của giới cò đất, những người đầu nậu đất.

Trong vai người mua nhà, chúng tôi tiếp xúc với nhóm môi giới đang túc trực tại một dự án đất nền trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9) - nơi được xem là đỉnh của cơn sốt đất nền hiện nay. Chỉ vào một nền đất, một môi giới chào mời: “Nếu anh muốn mua thì phải quyết định nhanh chứ giá đất ở đây đang tăng rất mạnh, nền đất này cuối năm 2016 chỉ có giá khoảng 16 triệu/m2 thì hiện đang được bán mức 22 triệu/m2 và có thể tăng hơn nữa”.

”Nếu mua anh chỉ cần có khoảng 30% giá trị của nền, số còn lại bên em sẽ có ngân hàng hỗ trợ vay. Không mua ngày mai quay lại có thể nền đất sẽ có người khác mua hoặc có giá cao hơn”, môi giới này thúc giục.

Tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) cơn sốt đất cũng đang kéo theo một lực lượng hùng hậu người tham gia làm cò đất. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Dũng, một cò đất lâu năm tại khu vực cho biết, ông vừa đi sang lại một nền đất cho một khách hàng với giá gần 1,4 tỷ. “Miếng đất này tôi mua 1 tỷ 30 triệu, mới chồng tiền được 100 triệu nhưng có người mua lại với giá 1,4 tỷ nên tôi sang cọc luôn”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, sở dĩ kiếm được “miếng hời” như vậy là do ông biết cách nhìn mảnh đất và biết cách nói để người ta mua. Miếng đất có giấy tờ đầy đủ, lại nằm mặt tiền đường lớn sẽ mở rộng trong tương lai, có thể buôn bán nên người ta dễ chấp nhận.

Ông Dũng đưa chúng tôi đi xem một miếng đất diện tích 5x20m nằm trong hẻm, phía sau chợ Nữ Dân Công. “Miếng đất này nằm gần chợ, trường học, giá bán khoảng 700 triệu nhưng tôi có thể can thiệp để bớt còn khoảng 680 triệu. Sau khi hoàn thành giấy tờ xin chuyển lên thổ cư chắc chắn giá không dưới 1 tỷ”, ông Dũng nói.

Tay chơi lớn lấy cớ đẩy giá lên cao

Theo một chuyên gia bất động sản, giá đất nền đang tăng chóng mặt khiến nhiều người đầu tư hám lợi nhanh chóng nhập cuộc. Thậm chí, có không ít người chấp nhận vay ngân hàng để đầu tư lướt sóng. Tuy nhiên, hình thức này vô cùng rủi ro.

Theo chuyên gia này, cơn sốt đất nền hiện đang là cuộc chơi của những nhà đầu tư, đầu cơ lớn. Họ là những người trường vốn, đang nắm trong tay một số lượng lớn nền đất và muốn tạo cơn sốt giá để ra hàng. Một cách thức tạo sốt ảo quen thuộc đó là ăn theo các dự án hạ tầng đang được xây dựng tại khu vực, các dự án bất động sản lớn đang được quy hoạch hoặc những thông tin đồn đoán chưa chính thức…

“Những thông tin như xây dựng cầu Cát Lái, Cần Giờ hay tập đoàn Tuần Châu làm đô thị lớn ở Củ Chi, hoặc các huyện Nhà Bè, Bình Chánh được quy hoạch lên quận… là cớ để cho giới đầu tư đẩy giá đất thời gian qua”, vị chuyên gia nhận định.

Không nên vay ngân hàng lướt sóng

Chuyên gia này khuyến cáo, với những người vốn ngắn, phải vay ngân hàng hoặc những người có nhu cầu mua đất ở thật cần xem xét kỹ lưỡng, không nên hám lợi nhanh hoặc chạy theo tâm lý đám đông rất dễ dính bẫy giá.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, thời gian qua, đã có hiện tượng "sốt giá ảo" trong phân khúc đất nền ở các quận huyện ngoại thành như quận 9, quận 12, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ.

Một trong những nguyên nhân là có sự tham gia của giới đầu nậu và cò đất, họ chính là bên thủ lợi trong cơn "sốt giá ảo" đất nền hiện nay. Cơn "sốt giá ảo" này đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, làm méo mó, đe dọa sự phát triển lành mạnh của thị trường. Do đó, cần có các giải pháp hạ nhiệt kịp thời, không để xảy ra vỡ "bong bóng" gây thiệt hại dây chuyền và để bảo vệ người tiêu dùng.

  • 3 giải pháp hạ nhiệt cơn sốt ảo đất nền tại TP.HCM

    3 giải pháp hạ nhiệt cơn sốt ảo đất nền tại TP.HCM

    CafeLand - Trong một văn bản mới đây, Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, cần có các giải pháp hạ nhiệt cơn sốt giá ảo đất nền hiện nay để không xảy ra vỡ bong bóng, gây thiệt hại dây chuyển trên thị trường bất động sản và để bảo vệ người tiêu dùng.

  • Phía sau cơn sốt đất là những dự án “xanh cỏ, no bò"

    Phía sau cơn sốt đất là những dự án “xanh cỏ, no bò"

    CafeLand – Giá đất nền tại khu vực phía Đông TP.HCM đang lên cơn sốt đỉnh điểm thế nhưng đây có thể chỉ là cuộc chơi của giới đầu tư bởi các dự án dù tăng giá nhưng ngập chìm trong cỏ dại, không bóng người đến ở

  • Thận trọng với "cơn sốt đất nền"

    Thận trọng với "cơn sốt đất nền"

    “Cơn sốt” đất nền tại các quận, huyện vùng ven TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang kéo theo nhiều hệ lụy trong quản lý đô thị. Việc đẩy giá đất lên cao, lách luật để phân lô bán nền tràn lan không những khiến bộ mặt đô thị bị băm nát mà còn khiến nhiều người dân có nguy cơ trắng tay vì những chiêu thổi giá của cò đất. Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng này.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.