Nhiều chủ đầu tư đang nghiêm túc cân nhắc việc giảm kích thước và mức độ hoàn thiện căn hộ nhằm giảm giá tổng thể của cả căn.
Nhìn chung, trong hơn 6 tháng qua, điều kiện kinh tế ở Việt Nam đã cải thiện đáng kể với lạm phát giảm mạnh, lãi suất cũng hạ nhiều... Tuy vậy, thị trường nhà ở vẫn diễn biến chậm.
Ông Stephen Wyatt, Giám đốc điều hành Công ty Knight Frank chỉ rõ lý do: thứ nhất, các ngân hàng duy trì việc cho vay một cách miễn cưỡng, trừ khi người mua/chủ đầu tư đáp ứng được các yêu cầu cho vay nghiêm ngặt.
Thứ hai, hầu hết các chủ đầu tư đã bán một nửa dự án trong 2 hoặc 3 năm trước tính theo từng m2, và điều đó không còn thực tế với điều kiện thị trường hiện tại, đẩy họ vào thế kẹt giữa 2 phương án hoặc là tiếp tục bán, làm mất lòng người mua tại thời điểm ban đầu hoặc cố nắm giữ cho đến khi thị trường hồi phục.
Thứ ba, trong nhiều trường hợp, giá đất quá cao, khi cộng thêm chi phí xây dựng, nhiều dự án đến nay đã trở nên không khả thi.
“Thời điểm này, thị trường đang thuộc về người mua. Với số lượng lớn nguồn cung có sẵn, người mua có điều kiện để nghiên cứu tất cả các dự án và chương trình ưu đãi của chủ đầu tư cho đến khi họ tìm được sản phẩm tốt nhất”, ông Stephen Wyatt nhấn mạnh.
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cũng cho rằng các yếu tố vĩ mô dần cải thiện đã khiến người mua nhà bắt đầu tìm hiểu thị trường để tìm kiếm cơ hội, thể hiện qua số lượt khách hỏi mua nhà tăng. Tuy nhiên, cho đến nay số lượng giao dịch thành công vẫn chưa tăng rõ nét.
Để cải thiện tình hình bán hàng ảm đạm từ những quý trước và thu hút sự quan tâm của thị trường, các chủ đầu tư đang nỗ lực giảm giá bán bằng các gói giảm giá, khuyến mãi, cùng các ưu đãi cũng như khuyến khích người mua thanh toán trước tiến độ để được hưởng các mức chiết khấu tốt hơn.
Thêm vào đó, người mua nhà có nhiều lựa chọn về điều kiện bàn giao nhà, bao gồm hoặc không bao gồm nội thất nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng tài chính của người mua.
Thống kê của CBRE cho biết, trên thị trường sơ cấp Hà Nội, 53% số căn hộ chào bán mới có giá dưới 1.000 USD/m2, một hiện tượng ít gặp kể từ “cơn sốt” nhà đất năm 2007. Các vị trí hấp dẫn như Mỹ Đình, Định Công và Cầu Giấy có giá chào bán khá hợp lý ở quanh mức 1.000 USD/m2, khiến các dự án có vị trí kém thuận lợi hơn sẽ phải rất nỗ lực để thu hút khách mua.
Nhiều chủ đầu tư đang nghiêm túc cân nhắc việc giảm kích thước và mức độ hoàn thiện căn hộ nhằm giảm giá tổng thể của cả căn. Hiện, giá căn hộ trong bán kính 5-7 km so với trung tâm Hoàn Kiếm gần bằng mức giá trong bán kính 10 km tại thời điểm 2010. Điều này giúp người mua tiến gần vào khu vực trung tâm hơn, dù ngân sách không đổi.
Các dự án trên mức hạng trung và cao cấp tiếp tục giảm giá tới 6% - 19%. Một số dự án như Golden Land (Thanh Xuân), Indochina Plaza Hanoi (Cầu Giấy), Golden Palace (Từ Liêm)... buộc phải đa dạng hóa các lựa chọn bán hàng và khuyến mãi để thu hút khách mua tiềm năng trên thị trường.
Còn tại thị trường thứ cấp, theo thống kê của Công ty Savills, giá chào bán cũng đã giảm mạnh ở hầu hết các quận. Trong đó, Hoàng Mai giảm nhiều nhất với 7%, trong khi các quận khác có mức giảm trung bình từ 4%-6% so với quý I/2012. Người mua hiện nay hầu hết là người sử dụng cuối cùng.
Do vậy, những yếu tố chính có thể tác động đến quyết định mua là: giá cả hợp lý, tình trạng xây dựng (đã hoặc sắp hoàn thành) cùng thương hiệu của chủ đầu tư. Tỷ lệ hấp thụ của các dự án hạng C đạt 20%, hạng B đạt khoảng 10%, hạng A đạt 2%.
Thị trường vẫn chưa mấy cải thiện khiến đa số doanh nghiệp bất động sản bị thua lỗ. Có những doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản vì không trả được lãi vay, nợ vay, không thể cơ cấu lại nợ đến hạn, quá hạn, hàng tồn kho rất lớn. Chỉ tính riêng ở Tp.HCM, thị trường đang tồn đọng khoảng 20.000 căn hộ chung cư. Tình hình này làm cho hầu hết các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố rơi vào tình trạng khó khăn, khủng hoảng dù ở các mức độ khác nhau, trong đó doanh nghiệp vay vốn càng lớn, đầu tư càng nhiều thì nguy cơ vỡ nợ, phá sản càng cao. Nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng thu hẹp, cơ cấu lại danh mục bất động sản đầu tư.
Đánh giá về thực trạng trên, ông Nguyễn Tấn Bền, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM phân tích, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn còn hạn chế, tỷ trọng vốn tự có quá nhỏ so với nhu cầu đầu tư. Nhiều dự án có tỷ lệ vay lên tới 70 - 80% tổng vốn đầu tư với thời hạn 10 - 15 năm, ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư và khả năng thanh toán.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lạc quan cho rằng điều kiện thị trường ảm đạm trong thời gian qua là cần thiết để thị trường tự điều chỉnh và loại dần những đơn vị tham gia thiếu kinh nghiệm, tăng tính minh bạch và hướng tới nhu cầu thực.
Thị trường sẽ còn tiếp tục chứng kiến xu hướng giảm nhẹ giá bán tại các phân khúc hạng trung và bình dân, giảm mạnh tại phân khúc cao cấp. Số lượng giao dịch trong quý 3/2012 được kỳ vọng sẽ tốt hơn. Lãi suất thấp ở mức 9%/năm, trong lúc lãi suất cho vay đang giảm dần cùng với các biến động của thị trường vàng, ngoại tệ sẽ khiến cho việc gửi tiết kiệm và các lựa chọn đầu tư khác ít hấp dẫn hơn.
“Những yếu tố này được cho là sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động của thị trường bất động sản trong cuối năm nay”, ông Colin Luff, Giám đốc Bộ phận định giá, nghiên cứu và tư vấn của Công ty Knight Frank nhận định.