Nền kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong năm mới. Trong bối cảnh đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương dường như vẫn là “ngôi sao sáng” trên cả phương diện tài chính lẫn bất động sản.

Tháng 12/2022, Link REIT đã ký thỏa thuận mua hai trung tâm mua sắm tại Singapore từ đơn vị NTUC Mercatus Co-operative với giá 2,16 tỷ USD. Đầu tháng này, Goldin Financial Global Centre (GFGC) — một tòa tháp văn phòng hạng A 28 tầng ở Kowloon East, Hong Kong — đã được bán với giá 947 triệu USD cho một liên doanh giữa Mapletree Investments và Công ty đầu tư PAG.

Các giao dịch này là những ví dụ mới nhất về việc các nhà đầu tư bất động sản tại châu Á – Thái Bình Dương (APAC) vẫn mua sắm các tài sản để tìm kiếm cơ hội mới bất chấp nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều vấn đề.

Theo Khảo sát về Ý định của Nhà đầu tư APAC năm 2023 của CBRE, 31% nhà đầu tư được hỏi đang nhắm đến các giao dịch cơ hội, các tài sản gặp khó và các khoản nợ xấu, tăng so với tỷ lệ 26% của năm trước.

Ngoài ra, 60% trong số 39,7 tỷ USD vốn huy động được từ các quỹ bất động sản tập trung vào APAC vào năm 2022 liên quan đến các chiến lược cơ hội, con số cao nhất trong một thập kỷ.

CBRE cho biết thêm rằng sở thích mới này của giới đầu tư ngày càng tăng là do các điều kiện thị trường hiện tại, bao gồm chi phí tài chính tăng và việc mở rộng lợi suất nhẹ, đang làm giảm sức hấp dẫn của các chiến lược đầu tư cốt lõi.

Greg Hyland, người đứng đầu bộ phận tư vấn thị trường vốn của CBRE khu vực APAC cũng chỉ ra rằng các nhà đầu tư nên thận trọng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn.

Cách tiếp cận thận trọng này dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2023, củng cố lập trường chờ đợi được các nhà đầu tư áp dụng kể từ nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, ông Hyland kỳ vọng hoạt động đầu tư ở APAC sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm, được thúc đẩy bởi sự rõ ràng hơn về điều kiện kinh tế vĩ mô cũng như việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Các loại tài sản yêu thích

Cuộc khảo sát mới của CBRE ủng hộ quan điểm lạc quan của Hyland khi cho thấy rằng hầu hết (93%) các nhà đầu tư tổ chức ở APAC kỳ vọng khoản phân bổ của họ vào bất động sản sẽ tăng hoặc duy trì ổn định vào năm 2023.

Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng các cá nhân, văn phòng gia đình và doanh nghiệp sẽ tập trung vào các tài sản chính cốt lõi và các giao dịch cơ hội được lựa chọn.

CBRE cho biết bất động sản công nghiệp và hậu cần là một trong những loại tài sản được ưu tiên nhất, tiếp theo là văn phòng và nhà ở. Henry Chin, lãnh đạo CBRE khu vực APAC chia sẻ: “Mặc dù sự quan tâm đến tài sản văn phòng giảm phần lớn do lo ngại về mức lợi suất hiện tại, nhưng cuộc khảo sát cho thấy các nhà đầu tư cốt lõi vẫn chọn văn phòng là lựa chọn hàng đầu của họ”.

CBRE dự đoán các văn phòng cao cấp, chất lượng cao tại các khu trung tâm thương mại trên khắp APAC sẽ vẫn được săn đón, do nguồn cung hạn chế trong tương lai và nhu cầu mạnh mẽ từ các doanh nghiệp đang tìm kiếm không gian văn phòng chất lượng tốt hơn.

Trong khi đó, ông Chin cho biết thêm rằng các nhà đầu tư cũng thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ hơn đối với bất động sản dân cư, đặc biệt là đối với tài sản đa gia đình và tài sản được xây dựng để cho thuê.

Ngược lại, khách sạn và tài sản bán lẻ tiếp tục nhận được sự quan tâm yếu hơn từ các nhà đầu tư do điều kiện thị trường đầy thách thức. CBRE cho biết yếu tố lãi suất đã khiến giới đầu tư tiếp tục có những định giá thận trọng hơn đối với tài sản bán lẻ, với hơn 60% người trả lời khảo sát kỳ vọng được giảm giá thuê cho các mặt bằng ở khu vực trung tâm.

Chỉ 5% số người tham gia khảo sát cho biết ý định đầu tư vào các tài sản thay thế. Tuy nhiên, trong nhóm này, CBRE cho biết sự quan tâm tới các tài sản liên quan đến mảng chăm sóc sức khỏe, bao gồm khoa học đời sống và văn phòng y tế, đã vượt qua các trung tâm dữ liệu.

Điểm đến đầu tư hàng đầu

Trong số các điểm đến đầu tư tiềm năng của khu vực APAC, Tokyo nổi lên là thành phố được ưu tiên hàng đầu, trong khi Singapore đứng thứ hai. Hai thị trường này tiếp tục là tâm điểm cho các nhà đầu tư, được hỗ trợ bởi các nguyên tắc cơ bản vững chắc của thị trường.

Trong khu vực Đông Nam Á, Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam được xếp hạng thứ 3, trong khi Hà Nội cũng lọt vào top 10. CBRE cho biết Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ vị thế là điểm đến tiềm năng khi các doanh nghiệp tìm cách giảm bớt phục thuộc vào Trung Quốc.

Công ty tư vấn CBRE cũng cho biết Hong Kong lần đầu tiên được xếp hạng trong 5 điểm đến đầu tư hàng đầu kể từ năm 2020. Với việc Trung Quốc đại lục mở cửa trở lại biện giới và mức định giá bất động sản hợp lý hơn, các nhà đầu tư một lần nữa nhận thấy sức hấp dẫn từ thị trường Hong Kong.

Anh Nguyễn (Edgeprop)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.