Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 5/1, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội và TP HCM báo cáo về tình trạng dân cư khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản trước 30/11 để cơ quan này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Theo đơn vị này, việc báo cáo này xuất phát từ thực trạng gần đây tình trạng tranh chấp trong các khu chung cư gia tăng tại các thành phố trên. Theo ý kiến của cơ quan chức năng, nếu không có giải pháp hợp tình, hợp lý, tranh chấp ngày càng phức tạp và khó giải quyết. Tuy nhiên, ông Ninh cho rằng, đến thời điểm hiện tại 2 thành phố lớn vẫn chưa có báo cáo về Bộ Xây dựng.
Theo ông Ninh, các mâu thuẫn này nguyên nhân ở đâu thì pháp luật xử lý đến đó. Trên cơ sở đề nghị chính quyền địa phương thì bộ sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng. “Chắc câu hỏi khó quá địa phương chưa trả lời được và cần phải có thời gian”, ông Ninh nói.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, chỉ riêng năm 2017 đến nay, tình trạng tranh chấp chung cư diễn ra trên diện rộng tại Hà Nội và TPHCM, từ những khu chung cư giá rẻ cho đến các dự án chung cư cao cấp. Các vấn đề tranh chấp, dân phản đối tập trung vào những nội dung như: Bàn giao không đúng tiến độ, tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị, phần diện tích chung – riêng, cách tính diện tích căn hộ, phí dịch vụ, phí bảo trì, chất lượng xây dựng, cơi nới trái phép, vấn đề PCCC, quảng cáo lừa dối hay việc chủ đầu tư không thực hiện đúng quy hoạch, thiết kế mà điều chỉnh thay đổi…
Liên quan đến công tác quản lý vận hành chung cư trên địa bàn, cuối tuần qua phát biểu tại Hội nghị của Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, hiện nay trên địa bàn đang có nhiều mô hình, nhiều cách quản lý nhà chung cư khác nhau nhưng còn nhiều bất cập, dẫn đến tranh chấp khiếu kiện.
“Có những mô hình quản lý chung cư của các tập đoàn xây dựng cả một số nhóm nhà chung cư, rồi những nhóm chung cư của các dự án nhà đơn lẻ, nhà tái định cư, nhà ở xã hội… Nhưng những năm vừa qua chính sách quản lý này đang có bất cập. nếu chúng ta không thống nhất được, các công trình mà không đảm bảo được duy tu duy trì một cách khoa học theo đúng quy trình, nội quy thì nguy cơ các chung cư này xuống cấp dẫn đến mất an toàn đối với các tòa nhà chung cư là hiện hữu đối với chúng ta rất lớn”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, thời gian tới phải nghiên cứu xem những mô hình quản lý tới đây như thế nào để đề xuất những cơ chế đặc thù thậm chí phải có những biện pháp đưa ra các cuộc thảo luận để đưa ra mô hình quản lý phù hợp.
Phải có luật để chủ đầu tư không cò quay TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, cần có luật quy định những vấn đề liên quan đến tranh chấp chung cư để giải quyết được tận gốc vấn đề. Bởi thực tế, không ít chủ đầu tư thường tìm các lỗ hổng về pháp lý để lách luật, “cò quay” và không giải quyết dứt điểm quyền lợi chính đáng của cư dân. Thực tế có một số chủ đầu tư còn thách thức khách hàng kiện ra tòa vì cho rằng, một vụ kiện thường kéo dài, tốn kém, người mua nhà không đủ nhân lực và tài chính để theo đuổi đến cùng. |