Quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra với tốc độ khá nhanh, nhất là ở các thành phố lớn. Tại Hà Nội, xuất hiện ngày càng nhiều khu đô thị mới và các ngôi làng cổ nổi tiếng như Nghi Tàm, Quảng Bá, Ngọc Hà, Giáp Bát, Vĩnh Tuy, Nhật Tân… cũng hình thành các khu dân cư đô thị có mật độ xây dựng cao. Đô thị Hà Nội đang phát triển với tốc độ rất nhanh nhưng không khỏi có sự tùy tiện, hỗn tạp.

Vấn nạn nhà siêu mỏng

10 năm trước, báo chí đã tốn không ít giấy mực bàn về ngôi nhà siêu mỏng đến kỳ dị có chiều dài chưa tới 1m, trên tuyến đường Kim Mã - Cầu Giấy. Và từ thời điểm đó, cứ ở đâu mở đường là ở đó xuất hiện nhà siêu méo, siêu mỏng. Kỷ lục của ngôi nhà siêu mỏng đầu tiên trên phố Kim Mã đã liên tục bị lứa “đàn em” xô đổ.


Trên những con đường to đẹp và hiện đại như Lê Thanh Nghị, Khuất Duy Tiến, Đào Tấn, Vĩnh Tuy… kiểu nhà siêu mỏng giờ đã không còn gây “sốc” như trước, mặt khác nó lại làm người ta kinh ngạc lẫn ngỡ ngàng trước khả năng “sáng tạo” không ngừng của người dân, khi dựng được những ngôi nhà trên những miếng đất có hình thù kỳ dị, bé nhỏ. Nổi bật trong số đó là nhà “tam giác” trên đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, nhà “một cột” diện tích chưa đến 3m² nhưng lại được xây đến 2 tầng trên đường Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng.


Gần đây, Hà Nội lại ghi nhận một kỷ lục mới về căn nhà có chiều dài ngắn nhất xuất hiện tại chân cầu Vĩnh Tuy, cây cầu mới nhất bắc qua sông Hồng. Với rẻo đất chỉ còn khoảng trên dưới 2m², mặt tiền 3m, chiều dài 40 - 50cm, không lớn hơn khoảng đất để dựng một bản tin phường là mấy, chủ nhân đã dựng được một căn nhà, đổ mái bằng vươn ra khoảng không đằng trước và sau tạo nên một dáng kiến trúc rất “ngoạn mục”.

Hà Nội - Rào cản và sự phát triển. Bài 2: Lai căng kiến trúc

Ngôi nhà kỳ dị xuất hiện sau khi giải tỏa để xây cầu Vĩnh Tuy.


Thống kê mới nhất của Sở Xây dựng TP Hà Nội, Hà Nội đang có 664 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo. Xét trên thực tế, không phải bỗng dưng những ngôi nhà như thế ngang nhiên “mọc” lên. Đó là một hệ lụy từ việc quy hoạch xây dựng các công trình công cộng thiếu đồng bộ, việc lấy không hết đất trong quá trình giải phóng mặt bằng và yếu kém trong quản lý đô thị.

Căn bệnh “nhái kiến trúc”

Chưa khi nào các trường phái kiến trúc cùng được du nhập, đan xen như hiện nay. Điều này gây nên một hiện tượng được giới chuyên môn gọi là “cú sốc văn hóa”. Hiện tượng này bắt nguồn từ việc du nhập văn hóa quá nhanh - trong đó có cả các phong cách kiến trúc, thiếu sự đồng nhất, không đủ thời gian để chiêm nghiệm và lựa chọn; trong khi lại đối lập với kiến trúc và văn hóa bản địa, khiến kiến trúc rối rắm và mất phương hướng.


Việc sử dụng tràn lan các phong cách, nhái lại các thiết kế, cóp nhặt một cách cơ học từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây khiến cho bộ mặt của phố phường Hà Nội trở nên nhếch nhác về cảnh quan, ngổn ngang về kiến trúc. Nếu việc “nhái cổ” vốn chỉ thấy với nhà ở dân dụng, thì giờ đây hiện tượng này còn xâm lấn vào các công trình chung cư cao tầng, các khu đô thị mới chia lô…


Theo nhận định của KTS Lê Hữu Trúc, các hình thức kiến trúc chắp vá và vay mượn đã cuốn hút khiếu thẩm mỹ của tầng lớp trung lưu mới nổi tại thành thị, những người đã qua rồi thời túng khó, bắt đầu có của ăn của để và thời gian đủ rỗi để hướng sự chú ý của mình sang lĩnh vực nghệ thuật. Họ hăm hở tìm kiếm và khao khát những hình thức nghệ thuật xưa cũ của châu Âu, những thứ từng được cho là dấu hiệu của thẩm mỹ cao cấp một thời, tuy bản thân chẳng hiểu thẩm mỹ cao ấy là gì.


Cùng quan điểm này, GS-TS kiến trúc sư Tôn Đại cho rằng đó là “căn bệnh” khó chữa và dễ lây của kiến trúc Hà Nội. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho “bộ mặt” của thủ đô trở nên đơn điệu, thiếu bản sắc.

Theo Thu Hà (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.