Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thẳng thắn nhìn nhận: công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trong thời gian qua có nhiều bất cập...
Hiện chất lượng quy hoạch chưa cao, quy hoạch sai, quy hoạch trái phép còn nhiều; quản lý kiến trúc yếu kém nên có những công trình được coi là đẹp lại bị xã hội phê phán, có công trình được coi là bản sắc lại bị đánh giá là nhại cổ; hạ tầng kỹ thuật đường xá yếu kém, cản trở đô thị phát triển…

Những thông tin trên đã được Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo mổ xẻ trong buổi họp Ban chỉ đạo Chương trình đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị giai đoạn 2011 – 2015, diễn ra trong sáng 11/5. Tại cuộc họp các thành viên trong Ban chỉ đạo cùng đóng góp vào dự thảo lần 2 cho việc xây dựng Chương trình.

Nhìn từ những kết quả đã đạt được


Thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ TP và Chương trình 11-Ctr-TU của Thành ủy, 5 năm qua công tác xây dựng, phát triển và quản lý đô thị Hà Nội đã có bước phát triển mới, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp.

Theo đó, TP đã tích cực triển khai nghiên cứu lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch các khu đô thị, trục đường chính; Tham gia nghiên cứu hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở, chung cư cao tầng, công trình xã hội, tổ hợp khách sạn, dịch vụ cao cấp (như Bảo tàng Hà Nội, trường chuyên Amsterdam, Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao, khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2…) được xây dựng, hoàn thành đã tạo thành không gian đô thị mới, kiến trúc hiện đại. Hệ thống kết cấu đô thị phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhiều tuyến đường, cầu qua sông Hồng, nút giao thông quan trọng đã hoàn thành (như đường vành đai 3, quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường Lạc Long Quân, đường Lê Văn Lương kéo dài…); Hệ thống thoát nước, các sông, hồ, công viên, vườn hoa được xây dựng, cải tạo (hoàn thành dự án thoát nước giai đoạn 1, công viên Hòa Bình, khởi công dự án cải tạo thoát nước nhằm cải thiện môi trường – giai đoạn 2)…

Từ những công trình trên, chất lượng dịch vụ đô thị được cải thiện: hệ thống cấp nước được tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo (xây dựng nhà máy nước sông Đà – giai đoạn 1, nhà máy nước Cao Định, nhà máy nước Nam Dư…), từng bước giải quyết bức xúc về nước sinh hoạt. Công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải đã thực hiện theo hướng mở rộng xã hội hóa…
alt

Không lảng tránh những yếu kém

Tại cuộc họp, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng thừa nhận những hạn chế trong công tác xây dựng, phát triển và quản lý đô thị. Đó là quy hoạch xây dựng, quy hoạch chi tiết còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhất là các khu vực mới mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và giữa các dự án phát triển đô thị với nhau và với các khu dân cư xung quanh còn thiếu đồng bộ. Việc quản lý, vận hành, khai thác và dịch vụ đô thị tại các khu đô thị, khu nhà ở, nhà tái định cư chưa tốt, thiếu cơ chế, quy chế, điều lệ quản lý… Hạ tầng kỹ thuật giao thông, cấp nước, thoát nước, khu xử lý nước thải, rác thải, nghĩa trang đã được tập trung đầu tư nhưng còn thiếu, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng. Công tác GPMB nhất là các dự án hạ tầng giao thông, bãi xử lý rác thải, nghĩa trang… gặp rất nhiều khó khăn. Quản lý xây dựng theo quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý đất đai, tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề bức xúc.

Nguyên nhân của vấn đề trên được cho là do hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước ban hành còn có những điểm chưa đồng bộ, chậm được hướng dẫn sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn (như chính sách về đất đai, đầu tư, quản lý nhà, GPMB). Có nơi sự phối hợp, điều hành công tác giữa các cấp, các ngành ở một số lĩnh vực chưa chặt chẽ, thiếu quy chế, quy trình phối hợp. Cải cách hành chính còn chậm ở một số khâu công việc, bộc lộ nhiều yếu kém nhất là ở cấp cơ sở… Quy trình, thủ tục trong đầu tư xây, đất đai còn phức tạp, kéo dài. Hầu hết các huyện ngoại thành chưa có quy hoạch xây dựng vì vậy chưa cấp phép xây dựng, việc quản lý xây dựng theo quy hoạch gặp nhiều khó khăn. Công tác kiểm tra điều kiện khởi công, xây dựng công trình (quản lý sau phép) và xử lý vi phạm của chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện đúng quy trình…

Xây dựng mục tiêu, tìm giải pháp

Phát biểu tại cuộc họp, ông Vũ Đức Bảo – Bí thư quận Long Biên cho rằng trong việc xây dựng chương trình quy hoạch trong giai đoạn 2011-2015 nên mở rộng đến phần thị tứ, nông thôn mới gắn với phát triển quy hoạch vùng. Các địa bàn giáp ranh TP như huyện Từ Liêm, quận Long Biên có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhưng lại xen kẽ cả phần nông thôn đô thị nên phải tăng cường quản lý cả mảng này. Ông Bảo cũng đề nghị trong quy hoạch hạ tầng phải quan tâm khớp nối giữa hạ tầng khu đô thị mới và khu dân cư cũ hiện nay (như về kiến trúc, thoát nước, độ cao…); quan tâm đến quy hoạch hai bên đường; quy hoạch xây dựng nhà tang lễ, nghĩa trang, quy hoạch rác thải và xử lý rác thải… Bên cạnh đó, ông Bảo cũng cho rằng trong những năm qua, công tác lập quy hoạch chưa được quan tâm thỏa đáng, bị động làm quy hoạch, nên phân cấp từng bước và đầu tư ngân sách thỏa đáng cho công tác này.

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng trong chương trình quy hoạch cho những năm tới phải giải tỏa được những vấn đề bức xúc hiện nay như quy hoạch những điểm rác thải tập trung khó khăn (ví như ở Núi Thoong, huyện Chương Mỹ); nên cần chuyển sang quy hoạch các điểm nhỏ lẻ nhưng được đầu tư công nghệ đốt và xử lý ngay. Tiếp theo đó, vấn đề quản lý các công trình nhà tái định cư cũng phải được tiêu chuẩn hóa; không được để xảy ra các hiện tượng trần sập, vỡ ống nước thải… Chủ tịch giao Sở Xây dựng phải kiểm tra ngay lại hệ thống cứu hỏa (vừa qua nhập nhiều thiết bị của Trung Quốc nay không hoạt động được…); kiểm tra lại hệ thống thang máy… để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Về vấn đề xử lý rác thải, nếu kêu gọi xã hội hóa chậm, Chủ tịch cho rằng cần bỏ vốn ngân sách, ưu tiên đầu tư… Tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách để nhân dân đồng thuận, tuân thủ làm theo quy hoạch, đảm bảo trật tự đô thị.

Nhìn chung, mục tiêu trong 5 năm tới, Hà Nội phải hoàn chỉnh quy hoạch các quận, huyện, thị xã quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy định quản lý quy hoạch – kiến trúc, đảm bảo phủ kín quy hoạch sau quy hoạch chung, với vai trò quy hoạch thực sự trở thành công cụ hữu hiệu cho quá trình xây dựng, phát triển và quản lý đô thị một cách bền vững; Đẩy mạnh đầu tư phát triển Thủ đô theo hướng toàn diện, bền vững, từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, hình thành hạ tầng khung đô thị. Ưu tiên đầu tư phát triển đô thị tại các đô thị vệ tinh với quy mô phù hợp. Tăng cường quản lý bảo tồn, tôn tạo các khu phố cổ, phố cũ và cải tạo, chỉnh trang các khu chung cư cũ, xuống cấp ở nội thành. Đảm bảo trật tự, kỷ cương trong quản lý xây dựng đô thị; Nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc và bảo vệ môi trường.

Kết thúc cuộc họp, Phó Chủ tịch thường trực Phí Thái Bình đề nghị Ban chỉ đạo chương trình, hoàn thiện bản dự thảo, tổ chức hội thảo xin ý kiến các chuyên gia ngay trong tháng 5/2011, để có thể trình Thành ủy Hà Nội xem xét, thông qua chương trình đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị giai đoạn 2011 – 2015 trong tháng 6/2011.
Một số chỉ tiêu Hà Nội dự định phấn đấu đến năm 2015:

1- Phủ kín 100% các quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện) phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

2- Xây mới diện tích nhà ở đạt 12,5-15 triệu m2, trong đó:
+ Nhà ở cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng đạt 540.000m2 (tương đương 41.000 chỗ ở - giải quyết chỗ ở cho khoảng 60% sinh viên, học sinh);
+ Nhà ở cho công nhân: đạt 1,6 triệu m2 (tương đương 228,750 căn hộ)

3- Diện tích đất dành cho giao thông tăng thêm 0,8-1,0% đất đô thị/năm (đưa tổng diện tích đất dành cho giao thông đạt 1-12% diện tích đất đô thị).

4- Vận tải hành khách công cộng đáp ứng 35-40% nhu cầu đi lại của nhân dân;

5- Diện tích đất cây xanh bình quân đạt 7m2/người;

6- Sản xuất, cung cấp nước sạch với công suất 1,1 triệu m2/ngày-đêm; Tỉ lệ dân đô thị được sử dụng nước sạch 100% với lượng nước sạch bình quân 150 lít/người/ngày-đêm;

7- Xây dựng 3 khu xử lý nước thải tập trung; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung;

8- Ngầm hoá hệ thống cáp điện, thông tin:
+ Tại khu vực đô thị mới phát triển, các tuyến đường mới mở 100%;
+ Tại khu vực nội thành cũ 49 tuyến phố;

9- 100% rác thải ở nội thành, 80% rác thải ở ngoại thành được thu gom và xử lý trong ngày; 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải rắn nguy hại và 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn./
Cafeland.vn - Theo HNM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland