28/02/2012 12:35 AM
Việc nhà băng tuyên bố giảm lãi suất được xem là tín hiệu tích cực đối với nhiều doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng thương mại vẫn đang là cửa hẹp với không ít doanh nghiệp.

Không dễ như nói…

Liên tiếp các ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank và mới đây nhất là VIB- ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh đầu tiên thực hiện việc hạ lãi suất cho vay.

Dù vậy, không ít các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như các hộ kinh doanh nhỏ tỏ ra không mấy hồi hởi khi đón nhận thông tin này.

Theo bà Trương Ngọc Xuân, phó Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu đồ mỹ nghệ Xuân Thanh (Đồng Nai), ngay sau khi nghe tin giảm lãi suất tại một ngân hàng quốc doanh, doanh nghiệp đã năm lần bảy lượt đặt vấn đề vay vốn nhưng vẫn bị ngân hàng này từ chối.

“Bởi ngân hàng đánh giá mặt hàng đồ mỹ nghệ đang bị tồn đọng đơn hàng nhiều do nhu cầu của thế giới giảm nên khó có thể thu hồi vốn nhanh”, bà Xuân cho biết.

Được đề nghị mức lãi suất 18% bà Xuân đã từ chối vì sự ưu ái của ngân hàng cũng chỉ hơn 0,5% mức lãi suất mà năm ngoái doanh nghiệp bà đã phải “nghiến răng” để trả lãi.

“Năm 2011, doanh số đạt gần 300 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng chỉ đạt gần 6 tỷ và phần lớn chi phí cũng chỉ để trả lãi ngân hàng. Vì vậy, cũng rất khó để hy vọng ngân hàng thực hiện chủ trương như đã nói”.

Tương tự, với hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản xuất khẩu thì vốn cúng đang thành của quý và hiếm ở thời điểm này.

Vừa là doanh nghiệp nhỏ và vừa, lại kinh doanh mặt hàng xuất khẩu, đúng và đủ tiêu chuẩn được vay vốn với mức lãi suất 14,5% tại một số ngân hàng nhưng con đường vay vốn ngân hàng của ông Dương Minh, Giám đốc công ty Thủy sản Hưng Thịnh (Long An) lại khá quanh co.

“Chỉ tại chuyên kinh doanh cá tra, mặt hàng đang có nguy cơ rủi ro cao nên doanh nghiệp cũng không được xét hồ sơ vay”.

Cũng may nhờ những mối quan hệ sẵn có, “lòng vòng” qua nhiều cửa ải (lời của ông Minh- PV) nên doanh nghiệp đã được chấp nhận vay khoảng gần 90 tỷ đồng với lãi suất 15% để sản xuất kinh doanh trong năm nay.

“Tuy số tiền trên chỉ mới đáp ứng được 70% vốn cần có, nhưng năm nay kế hoạch của công ty cũng phải thu hẹp sản xuất lại”.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), chỉ tiêu doanh thu của ngành đặt ra là xuất khẩu 2 tỷ đô la Mỹ trong năm 2012 nhưng thực tế, sản lượng nuôi đang giảm mạnh do doanh nghiệp và người dân thiếu vốn đầu tư. Vì vậy năm 2011, ngành đã phải nhập khẩu đến 500 triệu đô la Mỹ nguyên liệu để bù đắp cho các doanh nghiệp.

Chưa thể giảm đồng loạt

Theo ý kiến hầu hết của các ngân hàng thì lãi suất giảm, không có nghĩa tất cả các hồ sơ của doanh nghiệp đều được chấp nhận giải ngân. Có nhiều lý do để ngân hàng phải thận trọng với từng đối tượng khách hàng nhưng những doanh nghiệp hoạt động ổn định, an toàn và đảm bảo có khả năng trả nợ sẽ được ưu tiên hơn.

“Quan trọng nhất là sẽ phải chứng minh doanh nghiệp hoạt động ổn định, an toàn và đảm bảo có khả năng trả nợ”, một đại diện phòng tín dụng của Vietcombank cho biết.

Trong khi đó, với VIB, ưu đãi về lãi suất, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp tập trung ngay từ thời điểm đầu năm nhưng còn một lý do khác nữa như lời bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc VIB nói: “Thực tế cũng là để tăng cường cạnh tranh thu hút khách hàng”.

Giảm lãi suất sẽ là xu thể nhưng liệu có thể trở thành “đợt sóng” của đồng loạt các ngân hàng? Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch hội đồng thành viên Agribank, việc các ngân hàng công bố hạ lãi suất thời gian qua là tín hiệu cho thấy chắc chắn mặt bằng lãi suất sẽ được kéo xuống.

“Đây đều là các ngân hàng có chất lượng tốt, đều nằm ở nhóm 1 thì tôi tin rằng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm dần trong thời gian ngắn”- ông Bảo khẳng định.

TS. Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp của Chủ tịch HĐQT BIDV, cho rằng, thời điểm này các ngân hàng chưa thể đồng loạt hạ lãi suất.

“Nhưng với tín hiệu tốt từ chỉ số lạm phát cũng như thanh khoản tại các nhà băng, sớm thì trong quý II này mới có thể thực hiện được”, ông Lực nói./.

Theo Tổ Quốc
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.