Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, khó khăn khi triển khai gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đủ điều kiện vay (diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2) còn ít.

Về phía doanh nghiệp (DN), nhiều chủ đầu tư tỏ ra "sốt ruột" khi phải qua nhiều thủ tục để tiếp cận gói tín dụng này. Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, nhiều chi nhánh ngân hàng vẫn đợi hướng dẫn từ hội sở hoặc yêu cầu chủ đầu tư cung cấp sổ đỏ. Để hỗ trợ cá nhân vay mua nhà tại dự án, chủ đầu tư cam kết nếu khách hàng sau khi vay mà không đủ điều kiện thanh toán, chủ đầu tư sẽ mua lại căn hộ nhưng chưa ngân hàng nào chấp thuận đề xuất này.

Nhà thu nhập thấp tại Khu đô thị Đặng Xá.

Trong khi đó, phía ngân hàng cũng nêu một số khó khăn khi triển khai. Theo đại diện một số ngân hàng, gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, mặc dù có lãi suất thấp nhưng là gói tín dụng có vay, có trả, tức là người được vay phải có phương án trả nợ, nguồn thu trả nợ và bên phía cho vay phải có phương án bảo đảm thu hồi nợ. Vấn đề nảy sinh ở chỗ đa số đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ tín dụng này đều là người có thu nhập thấp nên nếu áp dụng các quy định như khoản vay thương mại bình thường khó có người đủ điều kiện, nhưng nếu áp dụng phương án linh hoạt thì lại vướng thủ tục pháp lý. Đơn cử như cho phép thế chấp tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai là chính căn hộ cá nhân mua; khi làm hồ sơ vay, người mua chỉ cần có hợp đồng mua bán đã ký với chủ đầu tư, nhưng các tổ chức hành nghề công chứng từ chối công chứng trường hợp này vì quy định nhà ở xã hội không được phép mua bán. Chưa kể trường hợp, khi triển khai dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư đã thế chấp dự án vay vốn ngân hàng, đến khi mua nhà, người mua lại thế chấp căn hộ để vay, thành ra một dự án thế chấp hai lần. Khó khăn nữa là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đủ điều kiện vay (diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2) quá ít.

Bộ Xây dựng cũng cho rằng, tiến độ chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội và điều chỉnh cơ cấu diện tích căn hộ quá chậm. Thống kê mới nhất của Bộ cho thấy, đến nay đã có 50 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà xã hội (quy mô 34.000 căn hộ), 22 dự án nhà ở thương mại đăng ký điều chỉnh quy mô diện tích (quy mô thiết kế ban đầu 6.000 căn hộ tăng lên 8.300 căn hộ), nhưng mới chỉ có số ít dự án được chấp thuận chính thức. Trong số 11 dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp mới triển khai từ tháng 5 tới nay, không ít trong số đó đã được động thổ. Tuy nhiên việc động thổ thường chỉ mang tính chất "lấy ngày" và để triển khai trong thực tế còn phải trải qua nhiều thủ tục khác. Nói cách khác, việc động thổ cũng chỉ là hình thức, để có sản phẩm thực, ký được hợp đồng mua bán thì… chưa biết đến bao giờ.

Để gỡ khó cho đối tượng cá nhân có nhu cầu vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, thành phố Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ cho bổ sung đối tượng mua nhà xã hội, nhà thu nhập thấp đã ký hợp đồng trước ngày 7-1-2013 (thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP) hiện đang đóng tiền mua nhà theo tiến độ được vay từ gói hỗ trợ, lãi suất 6%, đồng thời nâng thời hạn tối thiểu được vay từ 10 năm lên 15 năm. Thành phố cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội chỉ đạo các ngân hàng thương mại tham gia gói 30.000 tỷ đồng thực hiện đúng quy định thời hạn tối thiểu cho vay với khách hàng cá nhân là 10 năm, tránh việc vận dụng sai, chỉ cho vay trong thời hạn 10 năm. Trong 12 dự án chuyển công năng, Hà Nội chính thức phê duyệt 2 dự án, chấp thuận chủ trương 5 dự án; trong khi đó 14 dự án điều chỉnh cơ cấu diện tích đang được chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ. Sau hơn 2 tháng triển khai, các ngân hàng cũng đã ký cam kết cho 53 khách hàng vay vốn (1 DN, 52 cá nhân), đã giải ngân 46,6 tỷ đồng/130 tỷ đồng hạn mức. Toàn quốc, theo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, các ngân hàng đã cam kết cho vay 219 khách hàng cá nhân với số tiền là 65,57 tỷ đồng, đã giải ngân cho 208 khách hàng cá nhân với số tiền là 48,92 tỷ đồng. Bộ Xây dựng kỳ vọng từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng sẽ tạo sự lan tỏa, làm ấm lại thị trường bất động sản. Song dù có lạc quan đến mấy thì sự "lan tỏa" và "ấm lại" có sớm cũng phải sang năm 2014.
Khánh Khoa (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.