29/08/2015 7:07 PM
Theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng sẽ được triển khai đến ngày 30/6/2016. Sau đó, theo quy định của Luật Nhà ở sửa đổi, các chính sách nhà ở xã hội sẽ tiếp tục thực hiện và được triển khai tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Xét về định lượng, có thể nói gói hỗ trợ lãi suất 30 ngàn tỷ đồng dành cho các đối tượng ưu tiên được vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ là một thất bại.

Sau hơn hai năm thực hiện (từ 1/6/2013), tính đến nay, tổng số tiền các ngân hàng trong chương trình cam kết cho vay mới được khoảng một nửa, trong khi thời gian dự tính (kết thúc vào ngày 30/6/2016) đã trôi qua hơn hai phần ba.

Dù các quan chức của Bộ Xây dựng vẫn luôn cho rằng gói hỗ trợ này góp một phần quan trọng giúp thị trường bất động sản hồi phục, “khơi một đốm lửa” giúp tan băng thị trường, thì những con số kể trên cho thấy hiệu quả thực tế mà gói hỗ trợ này làm được cho các đối tượng ưu tiên là không cao.

Ngay Hiệp hội Bất động sản TP.HCM mới đây cũng đánh giá kết quả giải ngân gói tín dụng ưu đãi này trong thời gian qua là quá thấp, quá chậm và không đạt như kỳ vọng.

Tuy nhiên, khách quan mà nói, nếu những thủ tục hành chính và điều kiện vay hợp lý hơn, gói hỗ trợ này sẽ là một chỗ dựa tài chính cho những đối tượng ưu tiên, từ đó giúp phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ có thêm khách hàng, phân khúc nhà ở giá rẻ được phát triển, thị trường nhà ở thương mại sẽ cân đối hơn chứ không nghiêng về xu hướng cao cấp như hiện nay.

Những thông tin về việc dừng triển khai gói tín dụng ưu đãi này sau tháng 6/2016, vì vậy, cũng được dư luận quan tâm. Nếu điều này xảy ra, sự hỗ trợ chính sách dành cho cả nguồn cung lẫn nguồn cầu phân khúc này sẽ không còn.

Mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, gói 30 ngàn tỷ đồng sẽ vẫn được tiếp tục đối với nhà ở xã hội.

Theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng sẽ được triển khai đến ngày 30/6/2016. Sau đó, theo quy định của Luật Nhà ở sửa đổi, các chính sách nhà ở xã hội sẽ tiếp tục thực hiện và được triển khai tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Ngân hàng Nhà nước cũng phải có quy định buộc các ngân hàng thương mại dành ra một tỷ lệ tín dụng phù hợp để cho cá nhân, tổ chức vay đối với nhà ở xã hội.

Riêng đối với nhà ở thương mại giá rẻ thì tùy thuộc vào tình hình thị trường. Khi thị trường bất động sản khó khăn thì chính sách tạo điều kiện cho người mua nhà thương mại giá rẻ dưới 15 triệu đồng/m2 và dưới 70m2 được vay ở gói tín dụng ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng; khi thị trường ổn định, không còn khó khăn nữa, Nhà nước sẽ không tiếp tục hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với nhà ở thương mại.

Song song với những quy định này, trong thời gian tới, khâu kiểm soát đối với các khoản vay thuộc gói 30 ngàn tỷ đồng cũng sẽ chặt chẽ hơn.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo rà soát kỹ quy trình cho vay, việc giải ngân vốn vay đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định và sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, trước hết là ở những địa phương mà thời gian qua báo chí phản ánh một số doanh nghiệp lợi dụng gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng để trục lợi, trong khi đối tượng chính của gói hỗ trợ là người thu nhập thấp lại gặp khó khăn khi tiếp cận gói vay này.

Về phía Bộ Xây dựng, việc thanh tra, kiểm tra cũng được tiến hành thường xuyên, Bộ Xây dựng đã giao cho Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản và Thanh tra Xây dựng kiểm tra vấn đề này, xác minh những dự án vi phạm để xử lý nghiêm.

Như vậy, với quyết tâm từ phía nhà điều hành, phân khúc nhà ở xã hội vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về chính sách. Đây là việc nên làm bởi sẽ góp phần giúp cho thị trường cân bằng hơn, có thêm nhiều sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng, mức thu nhập.

Không những thế, chính sách còn cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với những đối tượng có thu nhập thấp trong xã hội.

Tuy nhiên, việc triển khai chính sách phải đem đến hiệu quả thiết thực hơn nữa, không để xảy ra tình trạng quá chậm chạp trong khâu giải ngân như thời gian qua.

Hồng Thuận (DNSGCT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.