12/10/2020 8:34 AM
CafeLand - Khi Susan, một khách hàng đến từ Trung Quốc đại lục, quyết định mua một căn hộ hình thành trong tương lai nằm tại khu dân cư cao cấp West Side Place của Melbourne vào năm 2017, bà có kế hoạch cho thuê lại căn hộ khi nhận bàn giao vào năm tới.

Bà cho biết nhu cầu mạnh mẽ của người Trung Quốc đối với bất động sản - đặc biệt là căn hộ ở Úc - đã khiến giá nhà tại Sydney và Melbourne tăng vọt trong thời kỳ bùng nổ kéo dài 5 năm từ năm 2013 đến 2017 ở mức 70%.

Nhưng bất chấp mong muốn sở hữu thêm nhiều căn hộ, Susan nói rằng căn hộ tại West Side Place sẽ bất động sản cuối cùng mà bà mua tại Úc trong một khoảng thời gian tới. Và Susan không phải khách hàng Trung Quốc duy nhất có quyết định này.

Số lượng người Trung Quốc đầu tư vào nhà ở tại Úc đã giảm đều đặn kể từ khi chính phủ nước này thực hiện các chính sách bất lợi đối với người mua nước ngoài. Vào năm 2015, bang Victoria là bang đầu tiên đưa ra mức phụ phí đối với giao dịch mua nhà của người nước ngoài, và các bang khác cũng noi theo khi áp dụng mức phí tới 8%. Một khoản phụ phí thuế đất lên tới 2% đối với người mua nước ngoài cũng được từng bang đánh thuế.

Giới đầu tư Trung Quốc xa lánh thị trường nhà ở Úc do dịch bệnh và căng thẳng chính trị

Các loại thuế thực sự đã khiến giá nhà trở nên đắt đỏ. Ví dụ, không có gì lạ khi một căn hộ hai phòng ngủ rộng 80m2 ở vị trí đắc địa bậc nhất ở Sydney có giá từ 1 triệu đô la Úc (713.000 USD) trở lên.

Suy thoái kinh tế do đại dịch, lượng khách du lịch và sinh viên đến thuê căn hộ giảm mạnh, và mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra đã khiến các nhà đầu tư Trung Quốc trở nên bi quan hơn nhiều hơn về việc mua nhà tại Úc. Trong thời kỳ bùng nổ, điều ngược lại đã xảy ra, các nhà đầu tư cá nhân được thúc đẩy bởi lợi tức tăng có thể sở hữu tối đa 10 căn hộ hoặc toàn bộ một tầng của khu chung cư. Một số thậm chí còn mua cả những căn hộ không được giới thiệu tại các buổi triển lãm bất động sản tổ chức ở đại lục.

“Tôi đã mua căn hộ này vào thời điểm kỳ vọng thu về mức lợi nhuận tốt. Vì vậy, nếu giá thuê không tốt như hiện tại thì không còn lý do gì để mua nữa”, Susan nói. “Hiện có rất ít người Trung Quốc đến Úc, kể cả sinh viên, do biên giới bị đóng cửa và tình hình chính trị căng thẳng. Vì vậy, khách thuê rất khan hiếm”.

Jack, một người Trung Quốc đến từ Sơn Đông, là chủ sở hữu một căn hộ ở khu phố Chatswood giàu có của Sydney. Anh nói ngoài phụ phí với người nước ngoài khi mua bất động sản tại Úc, thì căng thẳng chính trị ngày càng gia tăng là lý do khiến anh không muốn xuống tiền. Anh nói sẽ cân nhắc quay lại thị trường trong tương lai nếu tình hình chung được cải thiện.

Mâu thuẫn chính trị giữa hai nước trong 6 tháng qua chỉ là một trong nhiều lý do khiến người mua Trung Quốc phải dừng giao dịch. Sinh viên Trung Quốc không trở lại Úc để học tập do những thay đổi trong các khóa học và sự gián đoạn của đại dịch, họ cũng lo lắng trở thành mục tiêu phân biệt chủng tộc. Điều này đã khiến nhiều chủ nhà thua lỗ, bởi họ thường mua căn hộ tại các khu vực tập trung sinh viên và người nhập cư để cho thuê lại.

Các cuộc khảo sát gần đây cũng cho thấy nhiều sinh viên Trung Quốc đã quyết định không theo học tại Úc do việc học trực tuyến không học dẫn và lo ngại bị phân biệt đối xử trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang xấu đi suốt 6 tháng qua.

Steven Chen, Giám đốc dự án của công ty bất động sản Úc The Agency, cho biết thị trường bất động sản tại bờ đông Úc, từng bị thống trị bởi khách hàng Trung Quốc, đã trở nên trầm lắng một cách kỳ lạ. Tại Sydney và Melbourne, kinh tế suy thoái cũng khiến lượng căn hộ mới được tung ra thị trường rất hạn chế.

Khách hàng Trung Quốc cũng đang né tránh các cuộc triển lãm bất động sản tại đại lục - một phương thức bán hàng phổ biến được nhiều nhà phát triển và đại lý của Úc sử dụng - vì lo sợ các phản ứng của chính phủ Trung Quốc.

Tuy vậy, mong muốn chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc của họ rất mạnh mẽ và khi có ít trở ngại hơn, họ sẽ lại thống trị thị trường bất động sản Úc, Chen nói.

Đầu năm nay, nghị sĩ Úc George Christensen kêu gọi Trung Quốc thực hiện các biện pháp bồi thường đối với sự bùng phát dịch bệnh bằng cách trả lại đất đai và tài sản của người Úc mà người Trung Quốc đã mua. Điều này đã gây xôn xao dư luận và mang lại những phản ứng tiêu cực từ cộng đồng người Trung Quốc.

Esther Yong, Giám đốc trang bất động sản ACproperty.com.au cho biết: “Hãy tưởng tượng bạn đã mua bất động sản ở Úc và giờ đây chính phủ quyết định thu hồi tất cả. Bạn còn phải đối mặt với việc các loại thuế hiện tại tăng lên, và lo lắng về nguy cơ của các biện pháp trừng phạt”.

“Tình trạng này không phải chưa từng diễn ra. Chúng tôi đã thấy những khoản phụ phí này tăng lên ra sao trong suốt những năm qua, và không hề có cảnh báo trước”, bà nói thêm.

Một trở ngại khác là khó khăn trong việc chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc. Công dân Trung Quốc bị cấm mua bất động sản ở nước ngoài và việc kiểm soát các phương thức chuyển tiền đã được chính phủ nước này thắt chặt, Chen nói. Khách hàng của Chen luôn lo lắng có thể bị phạt tù nếu họ bị phát hiện.

Luật sư Chris Sun ở Sydney, người thường giao dịch với khách hàng Trung Quốc, cho biết: “Năm nay, số lượng người nước ngoài mua nhà đã giảm đáng kể. Nhưng tôi nghĩ có nhiều yếu tố dẫn tới tình trạng này, như đại dịch, đóng cửa biên giới, kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản suy thoái, phụ phí mua hàng, tin tức tiêu cực về chất lượng các tòa nhà, khó khăn trong di cư và tài chính. Vì vậy, căng thẳng chính trị chỉ là một trong nhiều nguyên nhân”.

Tuy nhiên, bà hy vọng người mua Trung Quốc sẽ quay trở lại khi thị trường bắt đầu phục hồi và lợi nhuận tăng, “bởi vì họ yêu thích và tin tưởng đầu tư vào bất động sản”.

Và điều đó đặc biệt đúng đối với bất động sản Úc, Susan bổ sung.

“Tôi có thể sẽ quay lại sau một vài năm khi thị trường phục hồi, vì tôi cùng với nhiều người Trung Quốc có nhiều mối quan hệ ở Úc và chúng tôi thích phong cách sống ở đây”, Susan nhận định.

Lam Vy (SMCP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.