Thị trường bất động sản vẫn còn… nghỉ tết
Liên tiếp những ngày gần đây, tại hầu hết các bản tin tài chính, một trong những vấn đề được nhắc tới khá nhiều là có hay không xu hướng giảm giá BĐS trên thị trường. Đặc biệt, có không ít dự án được giao bán với mức giá… thấp hơn giá gốc khá nhiều như dự án Văn Phú Victoria (Hà Đông, Hà Nội).
Theo tìm hiểu của Petrotimes thì, vào đầu năm 2010, dự án Văn Phú Victoria được chào bán trên thị trường với mức giá từ 22 – 25 triệu m2. Tuy nhiên, sau một năm thăng trầm cùng thị trường BĐS, giá các căn hộ thuộc dự án này đã giảm mạnh, tới 6 – 8 triệu đồng/m2, tức là đã giảm tới trên dưới 30%.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại dự án chung cư Xa La khi mà nhiều nhà đầu tư đã chấp nhận bán với giá thấp hơn giá gốc. Cụ thể, theo anh Vũ Duy Hoàng – một nhà đầu tư tại dự án này cho biết, vào lúc cao điểm, căn hộ của anh đang nắm giữ có giá lên tới gần 30 triệu m2 thì nay dù đã giảm xuống 17,5 triệu đồng/m2 mà vẫn chưa thể bán được.
Theo lý giải của nhiều chuyên gia BĐS thì tình trạng này xuất phát từ việc thị trường BĐS đang khát vốn và nhà đầu tư lại đối diện với nguy cơ “xiết nợ” của ngân hàng cũng như từ các chủ nợ cá nhân.
Và đây cũng là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn tới tình trạng giảm giá tới 30 – 40%, thậm chí là 50% giá căn hộ tại nhiều dự án so với những tháng đầu năm 2011.
Theo nhìn nhận của TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì điều này là hoàn toàn dễ hiểu vì nhà đầu tư buộc phải cắt lãi, thậm chí là chấp nhận lỗ để xoay vòng vốn, tái đầu tư.
Xung quanh vấn đề này, ông Trần Như Trung – Phó giám đốc Savills Việt Nam từng chia sẻ trước báo giới rằng, đây không thể xem là một xu thế vì thực chất không phải doanh nghiệp nào, dự án nào cũng giảm giá. Chỉ có những doanh nghiệp, dự án yếu tiềm lực, không có khả năng tài chính mạnh mới quyết giảm giá.
“Nếu vượt qua được giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp BĐS nào tồn tại được sẽ phát triển mạnh”, ông Trung nhận định.
Ế vẫn hoàn… ế
Mặc dù thị trường đang chứng kiến nhiều đợt giảm giá mạnh nhưng theo tìm hiểu của Petrotimes thì thanh khoản trên thị trường này vẫn rất thấp. Nguồn cung khá dồi dào nhưng vẫn không có người mua, giao dịch thành công trên thị trường cũng chỉ như “muối bỏ bể”.
Vốn được biết đến là người khá mát tay trong việc đầu tư BĐS, nhưng sau một năm đầy biến động của thị trường BĐS, gia sản của anh Hà Văn Thưởng (Hoàng Cầu, Đống Đa) cũng đang đứng trước nguy cơ “bốc hơi”.
Theo anh Thưởng, năm 2010, khi thị trường BĐS còn sôi động, anh có gom hết vốn liếng để mua 4 căn hộ chung cư với giá trên dưới 30 triệu đồng/m2. Vào cuối năm 2011, trước áp lực phải đáo hạn ngân hang, anh đã buộc phải giao bán với mức 20 triệu đồng/m2 nhưng vẫn không bán được.
Tình cảnh của anh Thưởng cũng là tình trạng chung của nhiều nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường BĐS thứ cấp gặp phải, mua giá cao và bán giá thấp mà cũng chẳng ai mua.
Anh Tiến (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) trót mua một căn hộ tại dự án tại khu đô thị Dương Nội (Hà Tây) với giá xấp xỉ 30 triệu đồng/m2 (gồm cả tiền chênh) nhưng nay dù đã chấp nhận bán lỗ 22,5 triệu đồng/m2 mà vẫn không có ai hỏi mua.
“Bán như vậy đã lỗ lắm rồi, đấy là tôi còn chưa tính phí bao tên vào chủ đầu tư, phí bảo trì sau này, vậy mà vẫn chưa thấy có ai hỏi han gì”, anh Tiến chia sẻ.
Theo nhận định của Sàn giao dịch BĐS Phúc Thịnh thì đây là giai đoạn “người khôn, của khó”, ngân hàng xiết vốn đã khiến chủ đầu tư lao đao, lòng tin của người mua giảm sút, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ hết vốn, buộc phải bán giảm giá.
“Người mua giờ đây rất tỉnh táo và phần nào nắm bắt được những biến động của thị trường nên vẫn đang chờ giá xuống nữa mới mua”, nhân viên này cho biết.