22/11/2020 8:00 AM
Đây là nhận định của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, khi trao đổi với cử tri quận 9.

Thành phố phía Đông trên cơ sở gộp 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, dự kiến sau khi thành lập có diện tích tự nhiên hơn 211,5km2, dân số hơn 1,1 triệu người (Trong ảnh: Nút giao thông ngã ba Cát Lái, quận 2) Ảnh: L.Đ

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri mong muốn TP.HCM cần đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, quan tâm đời sống của người dân và chỉnh trang đô thị của TP. Thủ Đức sau khi sáp nhập 3 quận (Q.2, 9, Thủ Đức). Đồng thời, khi thành lập TP. Thủ Đức, cần chọn đặt vị trí trụ sở của thành phố thành một mối liên kết để thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số cử tri băn khoăn khi bỏ HĐND quận, phường thì trách nhiệm giám sát do đại biểu HĐND TP và đại biểu Quốc hội đảm đương như thế nào; thủ tục hành chính, chất lượng các dịch vụ hành chính công sau khi sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức ra sao...

Trả lời cử tri về đầu tư hạ tầng TP. Thủ Đức, ông Nhân khẳng định: Thành phố Thủ Đức trong tương lai sẽ là nơi có hệ thống giao thông tốt nhất thành phố. Hiện khu vực này có lợi thế với cảng vận tải hàng hóa lớn nhất phía Nam, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, sân bay ở cả 2 phía (Tân Sơn Nhất ở TP.HCM và sân bay Long Thành ở Đồng Nai đang triển khai).

Trước đó, TP.HCM đã tổ chức thi tuyển quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM”. Trong đó, hệ thống giao thông được rà soát lại, có cập nhật để trở thành nơi có hệ thống giao thông thuận tiện nhất TP.HCM.

Đặc biệt, giao thông ở TP. Thủ Đức sẽ có những đoạn đường được sử dụng để thí nghiệm xe không người lái thuộc kế hoạch của Khu đô thị tương tác cao phía Đông. Về tổng thể, TP. Thủ Đức sẽ phát triển vừa giao thông lớn, giao thông ngắn hạn; quy hoạch khoảng cách nơi ở - làm việc - giải trí. Cùng với đó, phát triển đồng bộ trường học và các cơ sở y tế…

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM trả lời cử tri

Nếu đề án thành lập TP. Thủ Đức được thông qua, TP.HCM sẽ có nghị quyết về vấn đề này với kế hoạch từng bước cụ thể để tháng 7/2021 triển khai. Qua đó, thành phố sẽ có lộ trình giải quyết vấn đề về trụ sở các cơ quan hành chính, cán bộ dôi dư sau sáp nhập để thành lập TP. Thủ Đức.

“Đây cũng là dịp để chọn lọc cán bộ, bộ máy chính quyền TP. Thủ Đức mạnh, có năng lực tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu sắp tới”, ông Nhân nói.

Liên quan đến ý kiến thực hiện chính quyền đô thị không tổ chức HĐND quận, phường liệu có ảnh hưởng quyền dân chủ, ông Nhân cho biết: Thành phố đã thí điểm mô hình này từ năm 2009 đến 2016 và có nhiều cơ chế cho nhân dân giám sát và phản ánh.

Trong khi đó, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết tăng số đại biểu HĐND TP chuyên trách để tăng cường giám sát. Ngoài ra, chương trình giám sát của HĐND TP sẽ kết hợp với giám sát của MTTQ, công tác kiểm tra của Đảng, của thanh tra TP. Qua đó, người dân có quyền phản ánh trực tiếp thông qua hệ thống tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân ở các quận, huyện.

“Bỏ HĐND quận, phường sẽ giúp chính quyền giải quyết nhanh hơn, tốt hơn khi giảm bớt được nhiều công đoạn và thúc đẩy quá trình giám sát. Chẳng hạn, trước đây, ngân sách phải thông qua HĐND quận, phường thì giờ chỉ cần HĐND TP quyết một lần là địa phương có thể thực hiện ngay”, ông Nhân nói.

Đỗ Loan (Báo Giao Thông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.