25/09/2013 8:39 PM
Sự phân hóa trong nội bộ khách hàng của những chung cư “trùm mền” khiến các đề xuất đẩy nhanh tốc độ xây dựng dự án không dễ thực hiện

Sau vụ việc chủ dự án chung cư Đại Thành (quận Tân Phú, TP HCM) hòa giải với khách hàng dưới sự chủ trì của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để thống nhất hướng tháo gỡ bế tắc cho dự án này bằng cách khách hàng đóng thêm tiền, còn chủ dự án cam kết hoàn tất công trình để giao nhà cho người mua, nhiều dự án “trùm mền” khác cũng đang tìm cách thương lượng với khách hàng theo hướng tương tự để có tiền thực hiện tiếp dự án. Tuy nhiên, việc “giải cứu” dự án theo hướng này đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Lối thoát hẹp

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, nhận xét việc cầu cứu cư dân đóng thêm tiền để đẩy nhanh tiến độ dự án có thể nói là giải pháp duy nhất để “cứu” các dự án căn hộ “trùm mền” hiện nay nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hơn nữa, không phải dự án nào cũng “cứu” được bằng cách này.

Theo ông Đực, dự án muốn “cứu được” phải bán trên 70% tổng số căn hộ, còn nếu chỉ bán được 40%-50% thì người dân có đổ tiền vào cũng không ăn thua. Tiếp đến là phải nắm được toàn cảnh tài chính của chủ dự án đó: còn bao nhiêu tiền, nợ bao nhiêu, xây xong đến đâu, phần việc còn lại… để xem khi người mua đóng thêm tiền thì dự án có khả thi hay không. Khi thấy khả thi rồi thì phải thành lập một ban quản lý mới (đại diện chủ đầu tư, khách hàng, chuyên gia tư vấn về pháp lý và xây dựng) nhằm giảm bớt quyền của chủ đầu tư...
Khách hàng mua căn hộ chung cư Mỹ Phú khiếu nại chủ đầu tư vì chậm giao nhà

Dưới góc độ pháp lý, một luật sư cho rằng cần giải quyết một vấn đề tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ là kiểm soát dòng tiền của người mua mới nộp vào. Có đúng là chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn mới đó vào đúng mục tiêu của các bên đề ra hay lại tiếp tục “đắp đầu này vá đầu kia”. Nên chăng lập ra một đơn vị kiểm soát dòng tiền mới, không đưa trực tiếp vào tay chủ đầu tư. Có như vậy mới trấn an được người mua luôn lo sợ mất thêm tiền mà nhà vẫn không có.

Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, phân tích giải pháp này chỉ thành công khi các bên có “niềm tin” dành cho nhau. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều chủ dự án đã “bỏ của chạy lấy người” thì những dự án mà chủ đầu tư vẫn nỗ lực hoàn thành cần được ghi nhận và người mua nên tiếp tục tin tưởng.

Khách hàng phân hóa

Theo ông Nguyễn Văn Đực, yếu tố khách hàng là khó khăn nhất vì “9 người 10 ý”, nếu giữa chừng có người đổi ý là cục diện sẽ bị thay đổi nên quá trình thực hiện cũng hết sức gian nan.

Trở lại vụ việc của chung cư Đại Thành, sau hơn 10 ngày diễn ra cuộc hòa giải và thống nhất phương án đóng thêm tiền (Báo Người Lao Động ngày 16-9 đã thông tin), đến nay tài khoản trung gian đã được lập nhưng việc thực hiện vẫn chưa có nhiều tiến triển. Một nguồn tin cho biết đến nay, số người chính thức đồng ý phương án này vẫn chưa đến 50%.

Trường hợp tương tự là dự án chung cư Mỹ Phú (quận 7) của Công ty CP Đầu tư Dầu khí Mỹ Phú (thuộc Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí - Petroland) cũng chậm giao nhà 1 năm trong khi dự án chỉ mới thi công khoảng 80% phần thô. Ông Vũ Khắc Hảo, đại diện khách hàng của dự án này, cho biết khách hàng cũng có nhiều người muốn đóng thêm tiền đến 100% để sớm có nhà nhưng cũng có người kiên quyết không đóng. Những người không đóng cho rằng chủ đầu tư có thể xoay được tiền bằng cách nào đó để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Còn những người muốn đóng thêm tiền thì thấy rằng ngoài nguồn gom từ khách hàng, trong bối cảnh này, nhà đầu tư không thể vay ở đâu được. Vì thế, làm sao vận động được phần đông khách hàng tiếp tục đóng thêm 30% (đa phần đã đóng được 70% giá trị căn nhà theo hợp đồng) là việc không hề dễ dàng.

Ông Thắng, một khách hàng từ Hà Nội mua nhà dự án Đại Thành, cho biết ông kiên quyết phản đối việc đóng thêm tiền vì mình đã đóng đủ 90% giá trị căn nhà. Tháng 8-2012, Công ty Đại Thành đã có văn bản cam kết sẽ trả lãi cho ông 5 triệu đồng cho mỗi tháng chậm giao nhà. Vì thế, ông sẽ không phải đóng thêm tiền gì nữa. Hơn nữa, thuế giá trị gia tăng công ty cũng đã thu mà chưa biết đã đóng cho nhà nước chưa. Nếu đóng 100% chỉ để xây nhà thì kinh phí để làm sổ đỏ lấy đâu ra?
Nhiều dự án nhà ở chậm tiến độ

Tại TP HCM, rất nhiều dự án nhà ở chậm tiến độ hoặc dang dở vì chủ đầu tư hết tiền, trong đó không ít dự án đã bị người mua nhà phản ứng, khiếu nại.

Nhiều khách hàng đã mua căn hộ tại dự án chung cư đường Bông Sao (quận 8), do Công ty Vạn Hưng Phát làm chủ đầu tư, phản ánh dù đã trễ hẹn giao nhà 6 tháng nhưng chủ đầu tư vẫn không có bất cứ thông báo hay phản hồi nào đến khách hàng, trong khi hiện trạng của dự án chỉ mới hoàn thành phần móng. Giá căn hộ ở đây khá cao (trung bình gần 20 triệu đồng/m2) nên vốn khách hàng “chôn” vào dự án này không nhỏ.

Tương tự là dự án căn hộ Thảo Loan Plaza (khu dân cư Trung Sơn - Bình Chánh) cũng đang khiến người mua nhà lo lắng bởi nhiều người đã góp đến 98% giá trị căn nhà và thời hạn giao nhà đã trễ hơn 1 năm nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thể hoàn tất...

Ngày 25-9, bà Nguyễn Thị Minh Thu, 1 trong số 10 người đại diện cho khoảng 500 khách hàng đã mua căn hộ thuộc dự án Cao ốc Xanh (quận 9), do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 8 làm chủ đầu tư, cho biết sau 5 tháng quyết liệt đốc thúc nhà thầu, gặp gỡ ngân hàng và tạo áp lực buộc chủ đầu tư phải tiếp tục hoàn thiện dự án nhưng đến nay, mọi việc vẫn chưa có tiến triển. Chủ đầu tư dự án đã chậm giao nhà từ 2-3 năm khiến nhiều người bức xúc.

Hàng trăm khách hàng mua dự án Richland Emerald Tower (117 Bãi Sậy, quận 6) cũng đang “đứng ngồi không yên” vì theo hợp đồng, lẽ ra đã được giao nhà từ 3 năm trước nhưng đến nay, dự án mới xong phần thô. Ông Đồng Tất Đạt, một khách hàng mua căn hộ ở đây, cho hay mới đây dự án đã được sang nhượng, chủ đầu tư mới hứa tháng 8 tiếp tục thi công nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì... S.Nhung

Ngọc Ánh (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.