Nhiều khu dân cư ven kênh, rạch của TP Hồ Chí Minh đang trong tình cảnh nhếch nhác cần xóa bỏ.
Ưu tiên số một
Hiện kênh Đôi - kênh Tẻ thuộc địa bàn quận 8 có khoảng 5.600 căn nhà lụp xụp cần được tổ chức giải tỏa, di dời và tái định cư. Để thực hiện kế hoạch này, UBND TP Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Chỉ đạo di dời nhà trên và ven kênh rạch ở địa bàn quận 8 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Khoa làm Trưởng ban. Qua nhiều chuyến khảo sát thực tế cũng như làm việc với các đơn vị chức năng liên quan, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu UBND quận 8 phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đến tháng 9-2016 phải hoàn tất công tác xác định ranh giới pháp lý và quy mô để tiến hành khởi động dự án. Đến tháng 11-2016, Sở Xây dựng với tư cách là cơ quan thường trực phải thẩm định tất cả các yếu tố pháp lý để báo cáo UBND thành phố. Cuối năm 2016, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố để chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án.
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, công tác giải tỏa, di dời, tái định cư nhà ở trên và ven kênh rạch là ưu tiên số một của thành phố trong nhiệm kỳ này. Lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành di dời tái định cư cho 5.600 hộ dân trên địa bàn quận 8 để làm hình mẫu cho các dự án giải tỏa, di dời, tái định cư tiếp theo.
Ghi nhận thực tế cho thấy, 5.600 hộ dân sống dọc các tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ trên địa bàn quận 8 mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều hộ dân cho biết đã được nghe kế hoạch di dời của thành phố. Ông Trần Quang Thắng (cư ngụ tại phường 3, quận 8) cho biết, rắc rối của công tác tổ chức tái định cư là cuộc sống mưu sinh bởi nơi ở mới rất xa nơi ở cũ. Đặc biệt, những gia đình kiếm sống bằng lao động phổ thông, tay chân gần như thất nghiệp dù nơi ở mới khang trang hơn.
Nhiều hộ thuộc diện giải tỏa trên địa bàn quận 8 cũng có chung lo lắng như vậy. "Thay đổi chỗ ở là sự thay đổi lớn của một gia đình, nó có thể làm đảo lộn mọi thứ, nhiều người có thể phải bỏ nghề, mất việc và phải làm lại từ đầu", một hộ dân sống trên kênh Tẻ (quận 8) băn khoăn. Để giải quyết vấn đề này, ông Trần Quang Thắng đề nghị chính quyền thành phố phải đề ra những tiêu chuẩn cụ thể cho nhà tái định cư để bà con yên tâm di dời, ổn định cuộc sống.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP Hồ Chí Minh): Hiện thành phố chưa có một đề án điều tra xã hội học về thực trạng tái định cư để nắm bắt yêu cầu, nguyện vọng của đối tượng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, phần lớn dự án nhà ở tái định cư trên địa bàn thành phố có chất lượng rất thấp, nhanh chóng xuống cấp cùng sự buông lỏng trong công tác quản lý. Các chuyên gia cho rằng, để đạt kết quả cao nhất, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu giải quyết không chỉ "phần cứng" mà cả "phần mềm" của công tác tái định cư.
Còn đó những nỗi lo
Hàng nghìn hộ dân với hàng chục nghìn nhân khẩu thuộc diện di dời của dự án trên đang rất hoang mang, lo lắng cuộc sống "hậu tái định cư" bị đảo lộn. Thực tế, cũng tại quận 8, năm 2010 TP Hồ Chí Minh đã quyết định giải tỏa, tái định cư cho hơn 2.500 hộ thuộc diện giải tỏa trên rạch Ụ Cây - nơi được mệnh danh là "xóm nước đen" lúc bấy giờ. Tuy nhiên, kế hoạch di dời, tái định cư này không đạt mục đích đề ra là giúp bà con bị giải tỏa có cuộc sống tốt hơn. Nguyên nhân chính là do giải tỏa một đằng, tái định cư một nẻo. Điều này khiến bà con sau khi đến nơi ở mới khó thích nghi với môi trường sống, công ăn việc làm bị gián đoạn, việc học hành của con cái cũng gặp không ít khó khăn.
Làm thế nào để giải tỏa nhà trên kênh rạch mà không theo "vết xe đổ" là vấn đề khá "đau đầu". Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, trước đây công tác tái định cư chủ yếu nặng về giải quyết chỗ ở, tức chỉ di dời từ chỗ ở này sang chỗ ở khác. "Bây giờ, thành phố nhận thức rằng, tái định cư không chỉ là vấn đề chỗ ở mà còn phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan khác như công ăn việc làm, học hành, dịch vụ xã hội, văn hóa tinh thần...", ông Trần Trọng Tuấn cho hay.
Trước thực tế trên, kế hoạch di dời hàng nghìn hộ dân quận 8 lần này lãnh đạo thành phố đặt ra yêu cầu phải tái định cư tại chỗ. Qua đó, giúp các hộ giải tỏa không những không bị đảo lộn sau tái định cư, mà còn kỳ vọng vào một cuộc sống tốt hơn, an toàn hơn. Giải pháp tái định cư tại chỗ được xem là hướng đi mới, phù hợp với chiến lược quy hoạch, chỉnh trang đô thị của thành phố, đồng thời giải quyết được cơ bản vấn đề khúc mắc bấy lâu nay của "hậu di dời".
-
Bất ngờ với đề xuất xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai thay cho dự án cầu Cát Lái
Ngày 15/11/2024, Công ty Cổ phần Fecon cùng đối tác Shanghai Tunnel Engineering Co.STEC đã đề xuất xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai thay cho dự án cầu Cát Lái, nhằm kết nối TP.HCM và Đồng Nai. Theo đại diện Fecon, việc xây hầm sẽ giảm thiểu khó khăn t...
-
Nhà sáng lập Ecopark nhận cú đúp giải thưởng tại Việt Nam PropertyGuru 2024
Nhà sáng lập Ecopark vừa được vinh danh ở hạng mục Chủ đầu tư của thập kỉ do BTC Giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru trao tặng. Riêng dự án Ecovillage Saigon River- bất động sản Blue Zones đầu tiên tại Việt Nam còn nhận được giải thưởng Dự...
-
TP.HCM sẽ sửa chữa gần 4.000 căn hộ để phục vụ tái định cư
UBND TP.HCM vừa triển khai kế hoạch sửa chữa gần 4.000 căn hộ chung cư thuộc sở hữu nhà nước nhằm phục vụ mục tiêu tái định cư cho người dân. Đây là động thái quan trọng để giải quyết các khó khăn trong việc quản lý, sử dụng quỹ nhà ở công cộng và đả...