23/02/2017 4:32 PM
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) hiện đã đón trên 32 triệu lượt khách/năm, nếu chiếu theo quy hoạch của Bộ GTVT đang quá tải hơn 7 triệu lượt khách. Theo dự báo đến hết năm 2017, số hành khách sẽ tiếp tục tăng lên xấp xỉ 40 triệu lượt. Từ thực tế trên, Chính phủ lẫn các bộ, ngành liên quan và chính quyền TP đang chủ động đưa ra các giải pháp linh hoạt.
Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Sáng 21-2, Bộ Quốc phòng đã bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) 21ha sân đỗ quân sự tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để triển khai xây dựng đường lăn và sân đỗ máy bay dân dụng. Đây là một trong nhiều giải pháp đồng bộ trong việc mở rộng, nâng cao năng lực cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục Trưởng Cục Hàng không, ngay sau khi nhận bàn giao 21ha đất quân sự, Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất thực hiện dự án cải tạo nâng cấp để đưa vào khai thác toàn bộ khu vực này trước Tết Nguyên đán 2018, theo hình thức cuốn chiếu, xong hạng mục nào đưa vào khai thác ngay.
Dự kiến sẽ xây thêm 30-35 vị trí đậu máy bay. Tùy theo nhu cầu của các hãng hàng không, Cục sẽ tính toán bố trí các vị trí đậu cho từng loại máy bay. Năm 2016, Tân Sơn Nhất đã vận chuyển hơn 32 triệu hành khách và con số này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới cho đến khi sân bay Long Thành được đưa vào sử dụng.
Được biết diện tích 21ha bàn giao là đất sân đỗ quân sự của Lữ đoàn Không quân 918 và Trung đoàn Không quân 917. Dự kiến, 2 đơn vị này sẽ được chuyển về TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Theo đánh giá, phần đất được giao sẽ giải quyết được cơ bản vấn đề thiếu sân đỗ trầm trọng của Tân Sơn Nhất. Diện tích đất này sẽ được dùng để xây dựng đường lăn, sân đỗ máy bay dân dụng trong khu vực bay. Hiện Tân Sơn Nhất có thể đáp ứng cho 50 vị trí đỗ máy bay trong khi nhu cầu là 67 vị trí.
3 phương án mở rộng
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới đây bàn về nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đảm bảo 40-50 triệu hành khách/năm, đơn vị tư vấn đã trình 3 phương án: Phương án 1 sẽ xây dựng mới toàn bộ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga và các công trình phụ trợ trên diện tích khu vực sân golf phía Bắc Cảng hàng không, đồng thời giải tỏa các khu vực dân cư xung quanh. Với phương án này có thể nâng tổng công suất lên khoảng 60 triệu khách năm, nhưng mất 10-15 năm xây dựng, giải tỏa hơn 140.000 hộ dân, chi phí dự kiến khoảng 201.350 tỷ đồng.
Phương án 2, sẽ xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh hiện nay và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh, cải tạo đường cất hạ cánh phía Bắc hiện nay (đường 25L/07R).
Cùng với đó sẽ xây dựng đường lăn song song và sân đỗ máy bay phía Bắc, xây dựng nhà ga lưỡng dụng (quân sự - dân sự) T3 công suất 10 triệu hành khách, xây dựng nhà ga hành khách T4 công suất 10 triệu hành khách. Theo phương án này, sẽ mất khoảng 61.000 tỷ đồng, thời gian xây dựng 8-10 năm, nâng công suất sân bay lên khoảng 43-45 triệu hành khách/năm.
Phương án 3, xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh; cải tạo đường cất hạ cánh phía Bắc hiện nay (đường 25L/07R); xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách/năm, xây dựng nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách/năm ở khu vực phía Nam sân bay hiện nay.
Với phương án này, do sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội, nên sẽ chỉ mất khoảng 19.700 tỷ đồng và thời gian xây dựng không quá 3 năm, trong khi vẫn đảm bảo được công suất từ 43-45 triệu hành khách/năm. Phó Thủ tướng cùng các bộ, ngành đã thống nhất chọn phương án 3 để sớm hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các công trình cấp bách
Mới đây, Sở GTVT TPHCM cùng lúc khởi công xây dựng 2 công trình cầu vượt quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể, tại nút giao Trường Sơn - nhánh đường Phạm Văn Đồng và nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm. 2 cầu vượt này không chỉ nhằm kéo giảm ùn tắc cho các tuyến đường ra, vào sân bay Tân Sơn Nhất mà còn tăng năng lực lưu thông kết nối giữa quận Gò Vấp với Phú Nhuận, Tân Bình và ngược lại.
Theo Sở GTVT TPHCM, 2 dự án cầu vượt trên có tổng mức đầu tư gần 750 tỷ đồng, thời gian thi công khoảng 6-9 tháng. Khi hoàn thành, 2 công trình trên sẽ “chia lửa” đáng kể cho hạ tầng giao thông vốn đã quá tải xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.
Lãnh đạo Bộ Quốc Phòng và Bộ GTVT cùng các ban ngành TPHCM trong lễ bàn giao 21ha đất quân sự.
Dự kiến, sau khi hoàn thành cầu vượt tại nút giao Trường Sơn, dòng xe đi vào sân bay và đi từ đường Trường Sơn ra đường Phạm Văn Đồng sẽ được phân luồng đi trên cầu vượt và phía dưới nên không còn gặp nhau tại nút giao Trường Sơn. Trong khi đó, vòng xoay Nguyễn Thái Sơn là giao lộ của các trục giao thông chính quan trọng của quận Gò Vấp và TP.
Vì vậy, lượng xe qua vòng xoay này quá lớn gây quá tải, thường xuyên xảy ra kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm. Đặc biệt, từ khi dự án đường Phạm Văn Đồng hoàn thành, lượng xe rất lớn từ một số quận giáp ranh và tỉnh lân cận đổ về khiến tình trạng kẹt xe càng nghiêm trọng hơn.
Song song với các giải pháp trên, Sở GTVT TPHCM sẽ cải tạo, mở rộng các tuyến đường hiện hữu ra vào các nút giao trên để đảm bảo cho xe thoát nhanh qua giao lộ, đồng thời triển khai thêm 4 dự án năm 2017 để giảm ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất gồm: Dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám đoạn gần đường Phổ Quang (quận Phú Nhuận); dự án mở rộng đường Cộng Hòa đoạn cạnh nút giao thông Lăng Cha Cả; đường Hoàng Hoa Thám đoạn từ Cộng Hòa vào sân bay và mở rộng đoạn đường Phan Thúc Duyện (đều tại quận Tân Bình).
Để sớm đưa vào sử dụng các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP, đề nghị chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn giám sát, thi công và cơ quan liên quan của TP cố gắng rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa công trình vào hoạt động, nhưng vẫn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, thẩm mỹ, tránh ảnh hưởng đến người dân…
Hạ tầng giao thông quanh Tân Sơn Nhất đang quá tải khi liên tục diễn ra tình trạng kẹt xe.
Chỉ là giải pháp ngắn hạn
Trong dự thảo Sở GTVT TPHCM vừa đưa ra về việc xử lý và kiểm soát 37 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông để các quận, huyện, các khu quản lý giao thông đô thị và cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn góp ý bổ sung và hoàn chỉnh để trình UBND TP xem xét và chỉ đạo, trong đó khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có 6 điểm gồm: đường Trường Chinh (đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý); vòng xoay Lăng Cha Cả; giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám; giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn (đều ở quận Tân Bình); vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm và đường Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận và Gò Vấp).
Từ thực tế trên, các chuyên gia giao thông cho rằng, việc xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn và vòng xoay Nguyễn Thái Sơn là rất cần thiết và cấp bách. Thế nhưng, đây cũng chỉ là những dự án tạm thời nhằm giải quyết trước mắt một phần quá tải về hạ tầng giao thông xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Về lâu dài vẫn là bài toán quy hoạch đô thị và kết nối với nhiều hình thức giao thông khác như: Đường sắt đô thị, vận tải hành khách công cộng, xây dựng các bãi đậu xe, đường trên cao… để hoàn chỉnh hạ tầng giao thông tại đây.
Theo góp ý của nhiều chuyên gia giao thông, cơ quan chức năng nên hạn chế lượng xe cá nhân lưu thông qua đường Trường Sơn (cửa ngõ chính ra vào sân bay Tân Sơn Nhất), đặc biệt là những loại xe chỉ có mục đích “mượn” tuyến đường này vào mục đích khác chứ không ra vào sân bay. Bởi thực tế, đường Phạm Văn Đồng kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại thông qua đường Trường Sơn để vào trung tâm TP. Hệ quả khiến đường Trường Sơn quá tải, gây ùn tắc giao thông liên tục khu vực quanh sân bay.
Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, để chống ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng như các điểm nóng trên địa bàn TP, sở đưa ra 2 giải pháp chính là công trình (đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án) và phi công trình (phân luồng giao thông, lắp đặt camera, điều tiết giao thông, kiểm tra xử lý vi phạm...).
Mặt khác, cần tăng cường số lượng, trách nhiệm và kỷ luật điều hành đối với cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong… điều tiết ở các giao lộ vào giờ cao điểm; mở các dải phân cách cứng hoặc điều chỉnh làn xe thành 1 chiều - 2 chiều, hạn chế ô tô vào trung tâm, đề xuất sân bay Tân Sơn Nhất tăng chuyến bay đêm…
Theo dự kiến trong năm 2018, với các hạng mục xây dựng thêm sẽ nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 40-50 triệu hành khách/năm. Bên cạnh đó, Nhà ga T4 đang nghiên cứu và sẽ thực hiện sau khi Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục Trưởng Cục hàng không
Trà Giang - Lan Anh (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.