- Trước hết phải khẳng định việc sử dụng CN mới trong xây dựng nói
chung, xây nhà cao tầng nói riêng là cần thiết. Nói CN mới thì cũng phải
hiểu rõ CN mới trong xây dựng là gì? Khác với một số ngành CN khác, CN
mới được du nhập và phổ biến rất nhanh. Ví dụ như trong lĩnh vực công
nghệ thông tin, Iphone 4S vừa xuất hiện trên thế giới thì chỉ vài ngày
sau đã có mặt ở Việt Nam và nhiều người đã biết rõ về sản phẩm này (ngay
cả con tôi còn bé đã biết rõ các ưu việt của Iphone 4S so với Iphone
4). CN mới mà chúng ta đang đề cập đến có một số ít là CN mới được áp
dụng trên thế giới còn lại đa số là các CN mà thế giới đã áp dụng (ở
nước này hay nước khác) từ nhiều năm nay. Như vậy là không nên gọi là CN
mới trong xây dựng mà nên gọi là CN mới được áp dụng trong ngành Xây
dựng ở Việt Nam.
Việc cần thiết ứng dụng CN mới là đương nhiên. Cần thiết không chỉ đối với các nhà thầu mà cả với các chủ đầu tư. Tính ưu việt của các CN mới sẽ giúp tiết kiệm chi phí vật liệu, chi phí nhân công, rút ngắn được tiến độ thi công. Đấy là vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm.
Nhiều DN nhập khẩu CN xây dựng mới của nước ngoài về cho biết ban đầu họ rất khó thuyết phục các chủ đầu tư sử dụng CN của mình. Vì sao lại như vậy thưa ông?
- Đúng là có thực trạng này. Có những CN rất tốt nhưng khi ứng dụng vào thực tế thì chủ đầu tư lại tỏ ra rụt rè. Tôi lấy ví dụ: Trong xây dựng nhà cao tần thì chi phí cho nền móng và tầng hầm chiếm tỷ trọng rất lớn, có thể đến 15 - 25% giá trị công trình còn nếu chỉ tính riêng giá trị phần thô thì có thể chiếm đến 50%. Việc giảm chi phí này là rất quan trọng. Chủ đầu tư công trình Keangnam (Hà Nội) đã ứng dụng CN thổi rửa đáy cọc khoan nhồi để tăng khả năng chịu lực của cọc. Cty DELTA của Việt Nam đã thi công cọc khoan nhồi có đường kính 1,5m sâu 57m. Sau khi thổi rửa đáy cọc thì khả năng chịu lực của cọc là 1.750 tấn trong khi thiết kế của Việt Nam chỉ dám tính khả năng chịu lực của cọc là khoảng 1.050 - 1.100 tấn. Nhờ đó chủ đầu tư đã tiết kiệm được khoảng 30% chi phí cọc tương đương 20 triệu USD. CN này hiện nay đang được áp dụng tại một số công trình. Tuy nhiên tính pháp lý của CN còn khá phức tạp.
Nói chung sự không mặn mà của chủ đầu tư với một số CN mới ở Việt Nam có một số nguyên nhân cơ bản sau:
1. Sự tin tưởng của chủ đầu tư vào CN mới và vào DN nhập khẩu và ứng dụng công nghệ mới: CN xây dựng mới áp dụng ở nước ta, nói đơn giản là cũ người, mới ta, có gì mà phải băn khoăn. Vấn đề là ở chỗ đơn vị nhập khẩu CN phải làm chủ CN một cách thực sự. Cụ thể là: Về lý thuyết: phải nắm rõ CN dùng hợp lý cho điều kiện địa chất, thuỷ văn , tải trọng và tác động vùng nào ở Việt Nam, loại hình kết cấu, công trình nào là hợp lý; Về CN: phải nắm rõ và đầu tư thích đáng vào dây chuyền CN, tránh bớt xén các công đoạn dẫn đến giảm chất lượng. Nôm na là: Trông giống của người ta mà không phải của người ta; Về con người: Đã ứng dụng CN mới thì trình độ của người ứng dụng CN phải tương đương. Từ người quản lý đến kỹ sư, công nhân phải có đủ hiểu biết để có thể thực hiện một cách chuẩn xác, không để xảy ra sai sót. Vì một chủ đầu tư muốn áp dụng CN mới để có lợi nhưng nếu để xảy ra sai sót thì họ sẽ nghi ngờ cả dây chuyền CN và không muốn áp dụng nữa. Nên nhớ là chúng ta dùng sản phẩm, kết quả ứng dụng của nước ngoài để thuyết phục các chủ đầu tư thì họ cũng có quyền yêu cầu đơn vị áp dụng có thể thực hiện công việc tương đương với trình độ như vậy không. Tóm lại, thực thi các sản phẩm CN mới phải là những người có tri thức và lương tâm. Không sự thuyết phục nào tốt hơn là sản phẩm: Chất lượng - tiến độ và giá thành. Ví dụ CN mới thi công các công trình tầng hầm sâu trong TP bằng phương pháp top-down và semi top-down mà Cty DELTA đang áp dụng được các chủ đầu tư hoan nghênh và ứng dụng trong hầu hết các công trình xây dựng trong TP hiện nay.
2. Về phương diện quản lý Nhà nước: Một số tiêu chuẩn xây dựng ở Việt Nam được soạn thảo trong giai đoạn CN xây dựng ở Việt Nam còn lạc hậu nên đã lựa chọn phương án thiên về an toàn, gây lãng phí nhiều. Các tiêu chuẩn sau này có mở hơn, tuy nhiên chưa rõ ràng và chưa đầy đủ. Vì vậy CN mới đưa vào chưa có chỗ dựa vững chắc về mặt pháp lý. Các Cty thiết kế cũng như các công trình thi công bằng nguồn vốn ngân sách còn e ngại khi ứng dụng CN mới do phải qua nhiều khâu như thẩm định, kiểm tra, giá thành, xin ý kiến. Đây là rào cản đáng kể.
Theo ông, điều kiện địa hình ở Việt Nam có phù hợp với CN mới và khâu nào trong xây nhà cao tầng cần đổi mới CN nhất?
- Theo tôi, phần lớn CN xây dựng mới của thế giới đều có thể áp dụng ở Việt Nam. Sự lựa chọn của chúng ta theo tiêu chí đặt ra: Chất lượng - tiến độ - giá thành để lựa chọn loại CN phù hợp với kinh phí của đơn vị nhập khẩu CN và với tiềm năng ứng dụng nó. Hiện nay nhiều CN mới đã được áp dụng trong CN xây dựng nhà cao tầng như nối thép bằng ren (coupler), bê tông mác cao, cốp pha bay, gạch không nung... mang lại hiệu quả tốt. Để giảm chi phí xây dựng nhiều nhất thì vấn đề cần quan tâm là kỹ thuật xây dựng nền móng và tầng hầm nhà cao tầng. Biện pháp thi công tầng hợp lý có thể giảm chi phí rất nhiều.
Để khuyến khích DN sử dụng CN mới trong xây dựng cần có những chính sách gì thưa ông?
- Các ưu điểm và tồn tại của việc ứng dụng công nghệ mới ở Việt Nam đã được tôi nêu ở phần trên.Theo tôi, muốn khuyến khích DN mạnh dạn áp dụng CN mới (bao gồm cả nhà thầu và chủ đầu tư) thì chúng ta phải làm một số việc như sau: Nhà nước khuyến khích và ban hành các hành lang pháp lý một cách kịp thời đối với các CN đã được thẩm định và thực nghiệm; Các DN nhập khẩu và ứng dụng CN mới phải tạo uy tín cho mình bằng thực lực bao gồm nắm rõ về CN, đầu tư thích đáng cho dây chuyền CN, có cơ chế chính sách cho đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực (cả về chuyên môn và lương tâm nghề nghiệp). Trong xây dựng công trình hiện hữu, sản phẩm là câu trả lời chân chính nhất, là lời giải cho các vấn đề đã thảo luận.
Xin cảm ơn ông!







