25/03/2011 9:42 AM
Ít ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải bán ngoại tệ cho người dân có nhu cầu hợp pháp khi ra nước ngoài, một số ngân hàng thương mại cổ phần đã lên tiếng sẽ đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của người dân. Mặc dù với số lượng còn hạn chế và theo mục đích sử dụng cụ thể nhưng cánh cửa nguồn cung ngoại tệ tưởng chừng bị đóng chặt nhiều tuần qua đã phần nào hé mở.

Cung ứng nhưng hạn chế

Ngân hàng đầu tiên công bố sẽ tăng cường đáp ứng nhu cầu mua USD của người dân để ra nước ngoài như chữa bệnh, học tập, đi du lịch… là Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long. Bên cạnh đó, Ngân hàng Kiên Long còn đáp ứng các ngoại tệ khác như EUR, JPY, AUD, GBP, CAD.

Mới đây nhất, ngày 24/3, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có văn bản chỉ đạo Giám đốc sở giao dịch, Giám đốc các chi nhánh trên toàn hệ thống đáp ứng ngoại tệ tiền mặt theo giá niêm yết đối với các nhu cầu hợp pháp của khách hàng. Số lượng ngoại tệ mà Eximbank cam kết bán cho người dân cũng bằng với số lượng mà DAB cam kết. Tuy nhiên, Eximbank quy định thêm, nếu khách hàng có nhu cầu mua ngoại tệ vượt các mức quy định trên, các chi nhánh sẽ xem xét tính hợp lý của nhu cầu. Trường hợp không có đồng bản tệ của quốc gia mà khách hàng đến, ngân hàng sẽ xem xét bán các loại ngoại tệ mạnh thích hợp để đáp ứng.

Nhiều thắc mắc đã được đặt ra cho các ngân hàng, tại sao các ngân hàng lại cam kết bán ngoại tệ cho người dân nhưng hạn chế số lượng, vì số lượng như trên thì sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân khi ra nước ngoài. Lãnh đạo các ngân hàng giải thích, không phải lúc nào ngân hàng cũng có đủ ngoại tệ đáp ứng các yêu cầu này. Chính vì vậy ngân hàng mới phải đưa ra số lượng cụ thể để tránh những thắc mắc và kiện cáo về sau. Lãnh đạo ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng, nếu như đến một ngân hàng mà chưa đáp ứng được nhu cầu của mình thì khách hàng có thể đến những ngân hàng khác yêu cầu được đáp ứng tiếp.

Giải pháp tạm thời

Hiện nay những ngân hàng trên cam kết bán ngoại tệ cho người dân đều chưa thu thêm bất kỳ một khoản phí nào. Tuy nhiên, lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng được thu thêm phí đối với ngoại tệ thì ngân hàng sẽ dễ thở hơn nhiều.

Ngân hàng thu phí mua bán ngoại tệ là cần thiết vì tiền mặt nằm trong ngân hàng không sinh lời song ngân hàng vẫn phải dự trữ nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt ngoại tệ cho khách hàng. Bên cạnh các chi phí giao dịch, kiểm đếm, thủ tục… ngân hàng phải chịu lỗ khi trong thời gian qua đã thỏa thuận mua lại nguồn USD từ doanh nghiệp với giá cao hơn niêm yết.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, cơ quan này đã trình Thủ tướng các giải pháp bình ổn thị trường ngoại tệ, trong đó có việc cho phép các ngân hàng thương mại thu phí 2% đối với các khoản ngoại tệ bán cho người dân.

Ông Nghĩa lý giải, việc thu phí 2% sẽ dựa trên giá bán trung bình cuối ngày hôm trước của các ngân hàng thương mại lớn làm tham chiếu. Đây là mức phí tối đa mà ngân hàng được áp dụng và để cạnh tranh thì các ngân hàng cũng có thể đưa mức phí thấp hơn. Mức phí này, theo ông Nghĩa nếu cộng vào giá niêm yết tại các ngân hàng thì khoảng cách không quá thấp so với thị trường tự do nhưng cũng đủ hấp dẫn để người dân đến mua ngoại tệ tại ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, giải pháp thu phí sẽ hạn chế tình trạng tuồn ngoại tệ từ chính các ngân hàng ra ngoài thị trường chợ đen. Mặc dù, giải pháp này mới chỉ là phần ngọn của vấn đề, là giải pháp tạm thời, nhưng cần phải có trong tình hình hiện nay. tag:ngoại tệ, phí ngoại tệ
Mộc Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland