Chỉ sau 12 năm từ khi thành lập, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước tiến khổng lồ. So với cách đây 12 năm, quy mô thị trường hiện tăng trên 50 lần nhưng thời hoàng kim của TTCK tuy chưa xa mà dường như đã rất xưa.
Sự trưởng thành của TTCK được thể hiện sinh động qua nhiều con số, vốn hoá năm đầu tiên dưới 1% GDP, nhưng cuối năm 2011 đạt gần 27%. Khối lượng giao dịch cũng tăng 30- 40 lần so với năm đầu tiên giao dịch. Công ty niêm yết trong năm đầu tiên thị trường hoạt động chỉ hơn 10 doanh nghiệp, nay tăng lên gần 800 doanh nghiệp. Huy động vốn thực sự là điểm đáng chú ý hơn cả, với gần 700.000 tỷ đồng huy động cho nền kinh tế qua 12 năm, đỉnh cao là năm 2007 đạt 127.000 tỷ đồng. Luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có thời điểm cao nhất lên đến 12 tỷ USD, nay khoảng 6,7 tỷ USD, góp phần cân bằng cán cân thanh toán, cũng như gia tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư quốc tế. Các tổ chức kinh doanh chứng khoán đã có những bước phát triển về quy mô, mạng lưới công nghệ và trở thành một tổ chức trung gian phục vụ cho hoạt động tư vấn, cổ phần hóa kết nối cung cầu trên thị trường chứng khoán. Về số lượng tài khoản nhà đầu tư cũng ngày một gia tăng, khi mới có thị trường chứng khoán chỉ có khoảng 3.000 tài khoản, nhưng đến hiện nay đã có 1,2 triệu tài khoản. Đó là những con số thống kế, còn thực tế TTCK hiện nay ra sao?
Rơi xuống vực nhưng chưa tới đáy
Trên toàn thị trường hiện có tới gần 70% cổ phiếu được giao dịch dưới mệnh giá, nhiều cổ phiếu rẻ bằng một chén nước chè… nguội. Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM hiện có hơn 51 mã chứng khoán giao dịch có giá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí có mã giá dưới 2.000 đồng/cổ phiếu. Sàn Hà Nội cũng không kém cạnh với la liệt cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá. Thị trường không thể bật dậy cho dù HNX-Index đang ở vùng thấp lịch sử, còn VN-Index cũng ở mức thấp nhất trong nhiều tháng qua. Điều đáng nói là tính thanh khoản trên thị trường tiếp tục đứng ở mức rất thấp và thực sự vẫn đang thử thách sự kiên nhẫn đã sắp cạn kiệt của nhà đầu tư. Gần như trong toàn bộ tháng 11/2012, giá trị giao dịch khớp lệnh cổ phiếu trên cả 2 sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đều quanh quẩn ở con số vài trăm tỷ, chưa bằng giá trị giao dịch của một cổ phiếu blue-chip hoặc một cổ phiếu đầu cơ thời sôi động. Ai cầm “cổ” muốn chuyển sang tiền đều buộc phải bán rẻ, thấp hơn giá tham chiếu. Dự báo diễn biến trên thực tế của cả hai chỉ số VN-Index, HNX-Index, giao dịch chung trên thị trường và biến động giá của các cổ phiếu không những không tích cực mà có chiều hướng đang xấu hơn nữa.
Rất nhiều nhà đầu tư tỏ ra mất niềm tin vào cổ phiếu. Đối với họ, TTCK đã thử thách sự kiên nhẫn của họ một cách thái quá. TTCK trải qua một thời kỳ “downtrend” kéo dài, quá dài. Một số nhà đầu tư mua vào bắt đáy chờ sự chuyển biến của thị trường nhưng sự khởi sắc đã không trở thành hiện thực. Những người cầm cổ phiếu từ tháng 8 đến cuối tháng 11 không những không có lãi, mà tài khoản của họ vẫn không ngừng co lại. Hệ lụy của sự eo hẹp của dòng tiền vào thị trường là sự mất kiên nhẫn của đại đa số các nhà đầu tư.
Câu hỏi ai cũng trả lời được
Không thể phủ nhận sự đi xuống của TTCK trong những năm gần đây phần nhiều là do hoạt động của các doanh nghiệp yếu kém và niềm tin đối với thị trường, với doanh nghiệp suy giảm. Nhưng khó khăn không chỉ xuất phát tự nội tại các doanh nghiệp, mà một phần không nhỏ đến từ sự khan hiếm, cạn kiệt của dòng tiền nói chung. Các dự báo gần đây đều cho thấy, nền kinh tế đã có những bước chuyển biến tích cực. Ngay trong năm khó khăn 2012, nền kinh tế vẫn có những điểm sáng (như lạm phát ổn định, tăng trưởng đang phục hồi trở lại, PMI tăng trở lại ấn tượng...) và dự báo cho 2013 cũng đã có nhiều điểm hồng, không chỉ còn là mầu xám. Hệ thống ngân hàng - mạch máu của nền kinh tế - cũng được đánh giá đã qua giai đoạn khó khăn nhất và thanh khoản cũng đang khá dồi dào, Ngân hàng Nhà nước đang liên tục hút ròng trên thị trường mở...
Trên thị trường, không ít nhà đầu tư chứng khoán tin tưởng dòng tiền sẽ sớm trở lại với chứng khoán sau hàng loạt các biện pháp giải cứu doanh nghiệp, giải cứu thị trường bất động sản (BĐS) như lãi suất giảm, đẩy mạnh tín dụng, giảm thuế, giãn thuế, tăng cường đầu tư công, bơm tiền cho người có nhu cầu mua nhà... Tuy nhiên, thực tế đã không diễn biến đúng như dự đoán và dự báo của nhiều người. TTCK đã không phản ứng tích cực với các thông tin tốt về lãi suất, về sự ổn định của đồng VND. Vấn đề nằm ở chỗ, với một nền kinh tế mà tồn kho hàng hóa lên tới vài chục tỷ USD (riêng BĐS cũng hơn chục tỷ USD), nợ xấu ngân hàng lên tới 10% dư nợ tín dụng, nhiều doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn đang vùng vẫy tìm cọc... thì ưu tiên đầu tiên có lẽ không phải dành cho chứng khoán.
Điều mà nhiều người nhận thấy là đó là vấn đề tiền cạn kiệt và hướng đi của dòng tiền không phải vào chứng khoán mà dường như tiền đang phải tập trung triệt để cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế đang ở bước đầu. Thực tế, hàng loạt các tay chơi lớn trên thị trường là các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn, tổng công ty vốn trước đây được coi là một trong những động lực thúc đẩy thị trường đi lên thì giờ đều đang vật lộn với những khó khăn như nợ xấu, tiền đầu tư dàn trải... Một khi doanh nghiệp chưa thể tự gỡ khó cho mình thì việc cầm tiền đầu tư vào các thị trường khác như chứng khoán, BĐS hay những chính sách hỗ trợ hướng dòng tiền vào chứng khoán có lẽ là khó khả thi.
Còn một vấn đề nữa, về nguyên tắc, thị trường chứng khoán là một phần thị trường vốn, về cơ bản nó đóng vai trò huy động vốn nhàn rỗi đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Thị trường chứng khoán thứ cấp đóng vai trò chủ yếu cho thanh khoản chứng khoán. Tuy nhiên sau một thời gian phát triển, thị trường chứng khoán đã sớm biến thành một thị trường đầu cơ khổng lồ, ở đó hàng loạt các thủ đoạn đè giá thổi giá… phi pháp hoành hành như chốn không người đã làm thất vọng rất nhiều nhà đầu tư chân chính. Các công cụ của thị trường chứng khoán gồm các cơ quan quản lý và các tổ chức kinh doanh chứng khoán chính là những người phải chịu trách nhiệm chính về việc thị trường chứng khoán suy sụp và làm mất niềm tin của nhà đầu tư. Hãy xem kinh nghiệm của thị trường bất động sản. Sự sụp đổ của thị trường bất động sản không phải là do cung nhiều hơn cầu, giá bị thổi quá cao… mà chủ yếu là do mất lòng tin của các nhà đầu tư thứ cấp và của người tiêu dùng.
Làm gì để vực dậy TTCK?
Trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đang xem xét ban hành đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán, dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành về căn bản. Phát biểu trên tờ Đầu Tư Chứng Khoán ngày 21/11, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng cũng nói Bộ Tài chính và Ủy ban đang xem xét nhiều giải pháp cho thị trường chứng khoán trong năm 2013. Có thể nói lúc này cả thị trường chứng khoán đang rất trông chờ vào các chính sách giải cứu mới. Nhưng vấn đề là thay đổi những gì trong toàn bộ thị trường. Có ba vấn đè cần được quan tâm: Tổ chức lại các công cụ quản lý và kinh doanh chứng khoán, cải thiện giá cổ phiếu, khai thông nguồn tiền cho thị trường. Chúng ta cùng xem xét các hành động có thể.
Về các tổ chức quản lý và kinh doanh chứng khoán, thống kê sơ bộ cho thấy, trong tổng số hơn 100 CTCK công bố báo cáo quý III/2012 có tới hơn một nửa báo cáo lỗ, một số chưa báo cáo. Nhiều đơn vị thua lỗ 4-5 năm liên tiếp, rất nhiều CTCK đang ở tình trạng lỗ lũy kế trên 50% vốn điều lệ (và khó huy động tăng thêm vốn), thậm chí có nguy cơ mất hết vốn hoặc đang ôm những khoản phải thu lên tới vài nghìn tỷ đồng trong khi chưa có trích lập dự phòng. Theo quy định tại Thông tư 165 có hiệu lực từ 1/12/2012, các CTCK bị kiểm soát đặc biệt không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt, có lỗ lũy kế đạt 50% vốn điều lệ trở lên sẽ có thể bị đình chỉ hay tạm ngừng hoạt động. Nếu chiếu theo các quy định này, nhiều khả năng sẽ có tới gần trăm công ty bị xóa sổ (trong tổng cộng 105 CTCK đã được cấp phép hoạt đông) nếu TTCK không có dấu hiệu cải thiện. Quá tốt. Với quy mô TTCK của ta số lượng 105 CTCK là quá nhiều, nhiều đến mức để sống, họ phải làm loạn thị trường. Cần sớm tổ chức lại hệ thống các công cụ quản lý và kinh doanh trên TTCK.
Về nguồn tiền bơm cho thị trường chứng khoán, với tư cách là công cụ huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, việc bơm vốn cho thị trường này hoạt động bằng những ưu đãi về lãi suất và chính sách là không hợp lý. Hãy để cho nó hoạt động theo đúng cơ chế thị trường, chỉ có như vậy mới có thể giảm bớt tình trạng đầu cơ. Về giá cổ phiếu, không thể có chính sách riêng nào của TTCK có thể nâng được giá cổ phiếu. Chỉ có một nền kinh tế phát triển lành mạnh, chỉ có một nền kinh tế mà các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi mới có thể nâng được giá cổ phiếu. Viễn cảnh này hãy còn phải chờ, nếu không nói còn phải chờ lâu. Vậy trong thời gian nghỉ ngơi này hãy cố gắng làm sạch, cố gắng tổ chức lại hệ thống các công cụ quản lý và kinh doanh chứng khoán. Có lẽ đó là điều duy nhất có thể làm được trong lúc này.