Giá vật liệu xây dựng, nhân công, giá điện tăng đang đẩy các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng nhỏ và vừa vào thế bí…
Giá đầu vào tăng cao

Hai tháng gần đây, thép đã 3 lần tăng giá, hiện giao dịch phổ biến ở mức 18 – 19 triệu đồng/tấn, tăng gần 1 triệu đồng/tấn so với đầu năm. Theo Bộ Công thương, giá thép xây dựng của các thành viên Tổng công ty Thép Việt Nam (giao tại nhà máy, chưa thuế VAT, chưa trừ chiết khấu) hiện dao động ở mức 16,4 – 16,65 triệu đồng/tấn (VPS, gang thép Thái Nguyên) tại miền Bắc và 16,37 – 17,14 triệu đồng/tấn (Thép miền Nam, Vinakyoei) tại miền Nam. Nếu tính cả thuế VAT, giá bán buôn tại nhà máy dao động từ 18 đến 18,8 triệu đồng/tấn.

Bên cạnh đó, giá xi măng bán lẻ cũng tăng từ 10.000 đến 20.000 đồng/tấn, ở các tỉnh phía Bắc dao động quanh mức 1,1 – 1,390 triệu đồng/tấn, tại các tỉnh phía Nam ở mức 1,440 – 1,480 triệu đồng/tấn. Tương tự, hàng loạt loại vật liệu xây dựng khác như gạch ngói, cát, đá, sơn, các thiết bị lắp đặt nhà bếp, nhà tắm... đều tăng giá từ 10 đến 30%. Chưa kể, chi phí nhân công cũng tăng thêm 20-25% khiến nhiều công trình xây dựng đang phải xoay xở với các khoản chi vượt xa dự tính.

Theo ông Vũ Gia Quỳnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, giá thành xây dựng tăng ảnh hưởng lớn đến các công trình xây dựng. Tuy nhiên, do các nhà thầu lớn đã ký hợp đồng có điều chỉnh giá theo biến động của thị trường, nên cũng không bị thiệt hại nhiều. Chỉ có các công trình nhỏ và vừa do các nhà thầu nhỏ thực hiện mới gặp nhiều khó khăn.

Công trình “đắp chiếu”

Cũng giống nhiều doanh nghiệp chuyên tư vấn, bao thầu các công trình dân dụng khác, ông Nguyễn Khắc Đạo, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình Gia Bảo đã ký một lúc 4 hợp đồng xây dựng nhà vào cuối năm 2010 theo kiểu trọn gói “chìa khóa trao tay”. Với giá thành xây dựng tăng cao như hiện nay, ông Bảo đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ khi không thể đàm phán điều chỉnh giá với chủ nhà. Và hiện tại, cả 5 công trình của Công ty hoặc đang thi công cầm chừng hoặc đang “đắp chiếu”.

“So với thời điểm ký hợp đồng, giá thép tăng hơn 1 triệu đồng/tấn, thuê nhân công tăng từ 100.000 đồng/ngày lên 150.000 đồng/ngày, giá gạch tăng 20%, nội thất tăng 15-30%... Trong khi đó, chủ nhà không chấp nhận bù giá mà công trình thi công đang dang dở. Làm tiếp hay bỏ hợp đồng cũng đều lỗ nặng”, ông Đạo cho biết.

Khảo sát hàng loạt công trình chung cư mini đang thực hiện xây dựng ở địa bàn Hà Nội cho thấy, các chung cư đang thi công cầm chừng và phải lên phương án tiếp tục tăng giá bán để bù giá. “Khi khởi công xây dựng công trình, chúng tôi tính toán giá xây dựng hoàn thành chỉ khoảng 4,2 triệu đồng/m2, nhưng hiện tại, giá đã tăng lên khoảng hơn 5 triệu đồng/m2. Muốn hoàn thành, mỗi căn hộ phải tăng giá từ 40-60 triệu đồng/căn cho diện tích từ 35-55 m2”, ông Phạm Huy Nam, chủ đầu tư dự án chung cư mini tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội nói và cho biết, trong thời điểm thị trường bất động sản đang khó khăn như hiện nay, việc bán được chung cư mini với giá cao để lấy vốn tiếp tục thi công là điều rất khó khăn.

Việc tăng giá thành xây dựng cũng tác động tới các công trình nhà ở xã hội. Theo ông Nguyễn Văn Đa, Phó giám đốc Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai, hiện Công ty chỉ mới tiếp nhận hồ sơ của người mua nhà, còn phải chờ đến tháng 4/2011 mới có giá bán chính thức, vì Công ty đang phải tính toán lại các chi phí khi mà giá vật liệu và các chi phí khác tăng quá cao. Giá nhà dự kiến không quá 14 triệu đồng/m2.

Ông Trần Đức Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính và Bất động sản Vincon cho biết, các dự án nhà thu nhập thấp của Công ty ở Đà Nẵng đã được bán hết với giá từ 5,3 đến 6 triệu đồng/m2. Các dự án đã bán rồi thì không thể điều chỉnh giá, còn những dự án chuẩn bị triển khai trong năm tại Hà Nội sẽ phải tăng giá ít nhất là 20%.
Cafeland.vn - Theo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland