11/11/2024 4:20 PM
Công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn sáng 11/11.

Tham gia chất vấn, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phản ánh sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cho thấy thị trường vàng hiện nay ở trong nước đang không ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc giá vàng đua nhau lập đỉnh làm người muốn sở hữu “hoa mắt chóng mặt”, cơ quan quản lý “đau đầu”.

Do đó, đại biểu yêu cầu làm rõ giải pháp để người dân từ bỏ tâm lý tích trữ vàng để dành nguồn lực cho phát triển đất nước.

Đánh giá tích cực việc kéo giá vàng SJC sát với giá vàng thế giới, tuy nhiên “khi kéo vàng miếng SJC gần với giá vàng thế giới, ai là người hưởng lợi? Ai đã, đang và sẽ thiệt khi mua vàng SJC”, đại biểu Mai chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông). Ảnh: Quốc hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Khắc Mai về thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng cho biết, vàng hiện nay cũng là vấn đề “đau đầu” của thế giới. Bà Hồng thông tin, trước khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường vàng, giá vàng thế giới dao động quanh ngưỡng 2.300 - 2.400 USD/ounce và hiện đã tăng vượt ngưỡng 2.700 USD/ounce. Xét từ đầu năm đến nay, ước tính giá vàng thế giới đã tăng hơn 50%

Trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp, ổn định thị trường vàng với mục tiêu là giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, bởi nếu để chênh lệch tăng cao sẽ có hiện tượng nhập lậu vàng. NHNN đã can thiệp và đưa chênh lệch xuống 3-4 triệu đồng/lượng, tương ứng chênh lệch còn khoảng 5%-7%.

Hiện nay, giá vàng vẫn tăng giảm chưa thật sự ổn định do yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới. Giá vàng còn phụ thuộc nhiều vào các biến số từ thị trường tài chính thế giới, lãi suất, tỷ giá, giá dầu… Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, căn cứ vào mục tiêu, chính sách tiền tệ trong thời gian tới để xem xét giải pháp can thiệp.

Về giải pháp căn cơ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành đánh giá tổng kết Nghị định số 24, tham mưu, đề xuất với Chính phủ về các giải pháp giải quyết vấn đề, tồn tại, hạn chế trong thời gian qua để hướng đến sự ổn định.

Về lâu dài, quan điểm chung của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa, thực hiện các giải pháp để vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ. Còn việc mua vàng tích lũy theo truyền thống Á Đông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có giải pháp để cung ứng vàng cho thị trường.

Ai là người hưởng lợi khi giá vàng biến động

Đề cập đến vấn đề ai là người hưởng lợi khi giá vàng biến động, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên thực tế khi người dân mua vàng với giá cao, sẽ bán cao và ngược lại, mua thấp bán thấp.

Tuy nhiên, khi chủ thể này có lợi thì lợi ích của chủ thể khác sẽ giảm xuống. Đối với doanh nghiệp kinh doanh mua - bán vàng miếng cũng cần tính toán để tránh rủi ro, vì bản thân doanh nghiệp chỉ là trung gian - mua bán vàng miếng.

Bản thân Ngân hàng Nhà nước khi mua vàng về để can thiệp thị trường, cũng đã có biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giá vàng lên xuống thất thường. Sau khi can thiệp, Ngân hàng Nhà nước cũng mua ngay vàng để tránh “khoảng trống” là sẽ thiệt.

Đặt vấn đề về thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng, đại biểu (đoàn Thanh Hóa) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện tại đã phải là thời điểm thích hợp để thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng hay chưa? Ngân hàng Nhà nước đã có nghiên cứu và dự kiến phát triển các hình thức giao dịch vàng phi vật chất, ví dụ như là sàn vàng do Nhà nước trực tiếp quản lý vận hành.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thanh Hoàn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá tổng kết Nghị định 24 và đề xuất cách thức giải quyết, trong đó có nhiều vấn đề đại biểu quan tâm và Ngân hàng Nhà nước đều có đánh giá, phân tích tác động của các giải pháp mới như vấn đề sàn vàng cũng sẽ báo cáo để thấy được sàn vàng có thuận lợi gì và đối với điều kiện ở Việt Nam có nên tiến hành thực hiện hay chưa? Hay tiếp tục nghiên cứu để đề xuất vào thời điểm phù hợp.

“Khảo sát ở Trung Quốc, chúng tôi thấy thời gian đầu Trung ương độc quyền vấn đề mua bán vàng miếng. Sau đó họ trao lại cho các ngân hàng thương mại rồi thành lập sàn vàng. Nhưng đặc thù họ có điều kiện kinh tế khác biệt, vì vậy cần cân nhắc để hoàn thiện đề án”, bà Hồng nói.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.