Các mặt hàng nằm trong rổ CPI như sữa, sắt thép, phân bón, gas, xăng dầu… đều phụ thuộc vào nhập khẩu và chịu ảnh hưởng từ giá USD.
Theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 10 có thể tăng khoảng 0,5%. Tuy nhiên, nhìn vào CPI của Hà Nội và TP.HCM vừa công bố ngày 20-10 thì rất có thể CPI tháng 10 cả nước sẽ tăng cao hơn rất nhiều. Đây chính là áp lực cho việc thực hiện kìm giá những tháng cuối năm.

TP.HCM kìm giá khá tốt

Theo công bố của Cục Thống kê TP.HCM, CPI tháng 10 tăng nhẹ 0,45%. Trong khi đó, Hà Nội tăng lên đến 1,22%.

Tại TP.HCM, chỉ có hai nhóm giao thông và viễn thông giảm nhẹ ở mức 0,05% và 0,01%. Còn lại, chín nhóm hàng khác đều tăng giá. Tuy nhiên, ít nhóm hàng tăng đột biến

Theo Cục Thống kê TP.HCM, nhóm hàng ăn sau khi tăng cao ở tháng 9 (0,93%), đến tháng 10 vẫn tiếp tục tăng nhưng mức độ tăng ít hơn mức tăng 0,51%. Trong đó, lương thực tăng 0,39%, thực phẩm tăng 0,44%.

Áp lực tăng giá những tháng cuối năm là rất lớn. Việc kìm giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn phải ưu tiên đặt lên hàng đầu. Ảnh: Thanh Hải

Theo Sở Công thương TP, nhóm lương thực trong tháng tăng nhẹ và tăng ở hầu hết các loại gạo thường, gạo nếp, bột mì, ngô, khoai, sắn... Tuy nhiên, một số loại gạo ngon giá có giảm nhẹ, tuy nhiên giá gạo hiện đang ở mức cao do nhu cầu xuất khẩu những tháng cuối năm tăng lên. Hiện nay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã ngang bằng giá của Thái Lan (gạo 5% tấm ở mức 475 USD/tấn). Do ảnh hưởng của giá xuất khẩu tăng cao những tháng cuối năm nên giá trong nước tăng theo. Theo dự báo của Sở Công thương, giá gạo tại TP.HCM những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng nhẹ do nhu cầu xuất khẩu tăng.

Theo ông Nguyễn Minh Trí, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, so cùng kỳ năm 2009, CPI tháng 10 tăng 7,86%. 10 tháng đầu năm CPI đã tăng 6,01%. Như vậy, mức độ tăng giá của 10 tháng đầu năm 2010 cao hơn so với 10 tháng đầu năm 2009.
Hà Nội: Ảnh hưởng đại lễ

Theo Cục Thống kê Hà Nội, CPI tháng 10 có mức tăng cao nhất trong tám tháng gần đây, lên 1,22%. So với cùng kỳ năm 2009, CPI tăng tới 9,86%.

Trong tháng 10, trừ nhóm bưu chính viễn thông đứng giá, 10 nhóm hàng còn lại đều tăng giá.

Trong khi các nhóm hàng hóa có mức tăng nhẹ, dao động dưới 1% thì nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống lại tăng mạnh tới 2,5% và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,35% so với tháng trước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến CPI tháng này tăng là do đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã khiến cho các dịch vụ ăn uống tăng giá mạnh.

Như vậy, sau hai tháng liên tục giảm ở mức -0,09% và -0,25% vào các tháng 7 và 8, tháng 9 CPI đã quay đầu tăng lên 0,97. Đáng lưu ý, là tháng 10, chỉ số này tiếp tục tăng nhưng mức tăng thấp hơn tháng trước. 10 tháng đầu năm mức tăng của TP.HCM luôn thấp hơn mức tăng của Hà Nội.

Áp lực tăng giá cuối năm

Nhìn nhận về xu hướng giá trên thế giới những tháng cuối năm, Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo thị trường còn diễn biến khó lường và giá nhiều loại mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu sẽ biến động nhẹ. Theo quy luật, chỉ số giá tiêu dùng các tháng cuối năm sẽ tăng cao do nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong các dịp lễ, tết.

“Với các giải pháp đồng bộ và việc triển khai thực hiện quyết liệt ở các bộ, ngành và địa phương, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng các tháng cuối năm 2010 sẽ chỉ tăng ở mức khoảng 1,3%-1,5% và ước cả năm khoảng 8%, trước hết là chỉ số giá tháng 10 sẽ tăng khoảng 0,5%” - tổ điều hành nhận định.

Một thành viên của Tổ điều hành thị trường trong nước cho rằng chỉ riêng áp lực tăng giá đôla trong mấy ngày qua cũng trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên, vật liệu nhiều mặt hàng như sữa, sắt thép, phân bón, thức ăn gia súc, gas, xăng dầu... Đây đều là những mặt hàng nằm trong rổ CPI. Vì vậy, áp lực tăng giá những tháng cuối năm là rất cao. Vì vậy, việc tăng cường thực hiện bình ổn giá các nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm - nhóm giữ quyền số cao nhất trong rổ CPI phải tiếp tục đặt lên hàng đầu.

Cafeland.vn - Theo Thanh Hải (Phapluattp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland