Ông Trần Hợp Dũng, Trưởng phòng Quản lý kinh tế, Sở Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Tuấn Minh
Ông Trần Hợp Dũng cho biết, Quyết định 4520 về giá dịch vụ chung cư mà UBND thành phố Hà Nội ban hành thực hiện theo Nghị định 71 và thông tư của Bộ Xây dựng. Quản lý giá dịch vụ chung cư là vấn đề phức tạp đòi hỏi phải có tính thực tiễn cao trên cơ sở nguyên tắc thượng tôn pháp luật và thị trường. Các sản phẩm dịch vụ rất khó định lượng mà mang định tính nhiều hơn, không chỉ thoả mãn một mức độ cụ thể mà phải thoả mãn nhiều mức độ yêu cầu trong một sản phẩm dịch vụ.
Việc ban hành giá trần đã bộc lộ nhiều bất hợp lý như một số chủ đầu tư cứ lấy giá trần làm mức để thu ngay mà quên mất là họ phải có trách nhiệm xây dựng mức giá rồi lại phải xin ý kiến các hộ dân; ngược lại cũng có người dân mặc dù được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn theo Quyết định 4520 nhưng lại cứ bám lấy giá trần yêu cầu chủ đầu tư phải thu theo quyết định 4520. Và vì vậy, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND thành phố bỏ giá trần dịch vụ chung cư.
- Dựa trên cơ sở nào Sở đề nghị bỏ giá trần dịch vụ chung cư?
Thực tiễn cho thấy cùng là dịch vụ bảo vệ nhưng có hàng trăm mức khác nhau. Ví dụ toà nhà mặc dù cùng diện tích có 3 bảo vệ khác với chi phí của toà nhà có 6 bảo vệ hoặc chi phí thuê bảo vệ đã qua đào tạo nghiệp vụ khác với bảo vệ chưa qua đào tạo. Hoặc chi phí lễ tân, thuê một cô lễ tân biết tiếng Anh, xinh đẹp, có nghiệp vụ khác với thuê một nhân viên lễ tân thông thường...
Lượng hoá một dịch vụ là vô cùng khó khăn, nhất là liên quan đến yếu tố con người. Hà Nội đã đề nghị bộ Xây dựng cho phép áp dụng phương án này.
- Trước đề xuất của Hà Nội, Bộ Xây dựng đồng tình hay phản đối, thưa ông?
Từ hai tháng trước, UBND thành phố đã gửi Bộ Xây dựng đề nghị bỏ quy định giá trần. Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với Bộ Xây dựng và được biết nếu chấp nhận đề nghị của Hà Nội thì phải sửa đổi Nghị định 71 vì văn bản này nói “không được thu cao hơn giá quy định”. Đấy là cái trói.
Hiện nay đang thiếu sự hướng dẫn nội dung này của Nghị định 71, làm cho việc áp dụng gặp khó khăn. UBND thành phố không thể quy định là toà nhà này chỉ được sử dụng dịch vụ này hay ông bảo vệ kia vì nếu quy định là rất vô lý. Sở Xây dựng đã tham mưu cho thành phố 2 phương án. Một là trong lúc chờ Bộ Xây dựng cho ý kiến, Hà Nội sẽ ra quyết định kéo dài thời hạn áp dụng quyết định 4520 về giá trần dịch vụ. Phương án 2 là Hà Nội mạnh dạn thí điểm bỏ giá trần dịch vụ.
- Vừa qua, một số ý kiến trên báo chí lo ngại nếu bỏ giá trần thì chủ đầu tư muốn thu bao nhiêu thì thu?
Tôi khẳng định là không có việc muốn thu bao nhiêu thì thu vì bản chất đây là mối quan hệ thoả thuận hai bên. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước sẵn sàng vào cuộc để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn. Thay vì quy định giá trần thành phố sẽ cung cấp nhiều thông tin cho các bên tham khảo. Dự kiến sẽ có hàng trăm mức giá khác nhau được đưa ra. Số liệu do Sở cung cấp dựa trên cơ sở nguyên tắc về quản lý chi phí. Ví dụ hao phí điện năng của thang máy phải theo thông số kỹ thuật. Trung bình vận hành điện năng của thang máy một toà nhà tương ứng với bao nhiêu m2 căn hộ. Điều này có phần giống với người dân khi vào nhà hàng, ăn món gì thì có giá sẵn rồi cộng lại hoặc nhu cầu phát sinh thì thoả thuận thêm.
Thực ra, khi làm dự án chủ đầu tư đã phải có phương án quản lý vận hành ví dụ có bao nhiêu camera, bao nhiêu bảo vệ, có đài phun nước và người dân phải trả tiền vận hành...Tuy nhiên, không thể đưa ra mức giá cụ thể vì dự án xây dựng phải mất nhiều năm.
- Thực tế, tranh chấp về giá dịch vụ chung cư thường gắn với khiếu kiện về sở hữu chung- riêng trong toà nhà. Làm gì để xử lý vấn đề này?
Để tránh tranh chấp điều quan trọng là phải công khai minh bạch. Không phải là chỉ có dự toán dịch vụ mà phải xác định đến cả nguồn thu từ diện tích sở hữu chung. Ví dụ chạy thang máy có quảng cáo bên trong thì phải được tính bù đắp vào. Các diện tích trong toà nhà cần phải làm rõ là thuộc về ai. Tiếc là ngay như với các dự án được ưu đãi về giá tiền sử dụng đất thì chủ đầu tư hay người dân được hưởng bây giờ cũng chưa rõ.
Mâu thuẫn trong thực hiện giá dịch vụ chung cư chỉ là phần nổi của tảng băng vì bản chất tại nhiều dự án vấn đề nằm ở quyền khai thác diện tích chung của những người đồng sở hữu ra sao. Chỉ trong tháng 9 này thành phố sẽ ra quyết định chọn phương án nào.