Tình hình hoạt động của thị trường văn phòng Hà Nội đã có sự cải thiện đáng kể. Ảnh minh họa
Trong khi đó ở phân khúc hạng B, chênh lệch về giá thuê được dự báo sẽ nới rộng hơn khi có nhiều nguồn cung mới đi vào hoạt động.
Các dự án mới ở vị trí thuận lợi, diện tích sàn lớn và quản lý tốt sẽ chào mức giá cao hơn trung bình thị trường. Trong khi đó, các dự án còn lại phải dựa vào chiến lược giá thuê cạnh tranh để duy trì tỷ lệ lấp đầy.
Chính vì vậy, CBRE dự đoán không có nhiều thay đổi về giá thuê văn phòng hạng B tại Hà Nội trong năm nay. Trong tương lai, tổng nguồn cung dự kiến sẽ tăng từ 4% -8% mỗi năm trong năm 2018 – 2019 trước khi tăng mạnh trở lại từ năm 2020 trở đi.
Cùng chung nhận định lạc quan về phân khúc này, báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho biết sau giai đoạn chạm đáy, thị trường văn phòng Hà Nội đang quay lại trên đà phục hồi và tăng trưởng.
Nếu mấy năm trước đây, tỷ lệ lấp đầy của các tòa nhà văn phòng chỉ khoảng 70% – 80% và các chủ đầu tư đã phải nỗ lực rất nhiều trong hoạt động tiếp thị marketing và các chương trình ưu đãi để thu hút khách thuê thì đến nay tình hình hoạt động của thị trường đã có sự cải thiện đáng kể, ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc bộ phận Cho thuê thương mại Savills Hà Nội cho biết.
Theo số liệu trong ấn phẩm mới nhất của Savills, công suất cho thuê trung bình toàn thị trường Hà Nội trong năm 2017 đạt 92% với giá thuê trung bình ở mức 35,2 USD/m2/ tháng, tăng 2.6% so với năm 2016. Đây là những số liệu rất khả quan, tương quan với các thị trường trong khu vực là ở mức khá cao.
Tuy vậy, tiềm năng của thị trường chưa thực sự được tận dụng bởi nguồn cung mặt bằng văn phòng tại Hà Nội hiện chỉ đạt 1,6 triệu m2, chưa bằng 20% so với nguồn cung của các thị trường như Bangkok, Kuala Lumpur hay Jakarta. Điều này cho thấy thị trường văn phòng Hà Nội còn rất nhiều dư địa để phát triển, hứa hẹn cơ hội rất lớn cho các chủ đầu tư.