31/08/2023 8:07 PM
Giá nhà trọ tại các thành phố lớn, điển hình như TP.Hà Nội và TP.HCM đang có xu hướng tăng khiến nhiều phụ huynh, tân sinh viên “mỏi mắt” đi tìm chỗ ở ưng ý, bước vào năm học mới.

Giá phòng trọ ngang ngửa chung cư

Ròng rã tìm nhà trọ, Nguyễn Thùy Trang (quê ở Hải Phòng, sinh viên năm hai trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) cho hay, suốt cả tuần nay cô tìm phòng trọ giá khoảng 1,5-2 triệu đồng gần như không có. Khu trọ năm trước Trang thuê cũng tăng giá lên 2,5-3 triệu đồng, thậm chí có những phòng trọ có diện tích tương tự và thêm nội thất có giá khoảng 4-5 triệu đồng, ngang với giá thuê một căn chung cư mini.

Khảo sát tại dãy trọ trên đường số 6, Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp. Giá thuê cho một phòng trọ có diện tích khoảng 25m2, có gác xép, tủ lạnh, đệm và bình nước nóng khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền điện và các chi phí khác.

Anh Võ Văn Duy (người quản lý dãy trọ) cho biết: “Dãy trọ gồm 8 phòng, được xây hoàn toàn mới. Có hai phòng mặt tiền ngõ và 6 phòng phía trong. Thời điểm bắt đầu cho thuê, mỗi phòng có giá thuê là 4 triệu đồng, miễn phí tiền nước và đầy đủ nội thất. Riêng hai phòng mặt tiền thì phụ thêm 500.000 đồng. Nhưng vào đầu năm học, lượng người có nhu cầu thuê tăng cao, khan hiếm phòng nên chủ trọ tăng thêm 500.000 đồng/phòng, sau khi hết hợp đồng 1 năm sẽ về lại giá cũ”.

Những phòng trọ đầy đủ nội thất được cho thuê với giá từ 5-8 triệu đồng (Ảnh minh họa).

Là một người thuê phòng, Hải Phong (sinh viên năm ba trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) thừa nhận đầu năm học mới là thời điểm khó khăn nhất cho sinh viên. Anh mới chuyển đến phòng trọ này hai tháng để ở chung cùng hai người bạn, vì phòng trọ cũ chủ trọ thông báo tăng tiền phòng.

“Nếu là phòng trọ rộng rãi, có đầy đủ nội thất, sạch sẽ, an ninh tốt thì có tăng giá một chút cũng được, nhưng phòng trước đây em ở lại xây khá lâu, nằm trong ngõ, hai phòng chung một nhà vệ sinh khá bất tiện. Chuyển đến phòng trọ mới giá cao gấp đôi, nhưng ở chung chia ra cũng ngang tiền ở phòng cũ, đổi lại thoải mái, sạch sẽ hơn” – Phong chia sẻ.

Ghi nhận tại khu vực gần những trường đại học lớn trên địa bàn TP.HCM như Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Lý Thường Kiệt (quận 10)… hay tại TP.Hà Nội như phố Dịch Vọng, Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Chùa Láng, Pháo Đài Láng, Láng Hạ (quận Đống Đa)... hầu như các khu nhà trọ bình dân đến cao cấp đều kín người thuê.

Men theo đường Cầu Giấy vào các con ngõ nhỏ không khó để nhìn thấy biển cho thuê phòng trọ, cho thuê căn hộ mini… nhưng khi gọi điện hỏi thông tin chủ trọ đều cho biết đã kín phòng, chỉ còn một vài phòng trên tầng cao hoặc những phòng có diện tích bé hơn.

Trần Tuấn Tường (sinh trường ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Vì biết trước đầu năm học sẽ khan hiếm phòng trọ nên mẹ em đã lên Hà Nội trước đó hai tháng để tìm phòng. Nhưng dù vậy giá cho thuê vẫn cao ngất ngưởng, hỏi phòng nào các chủ thuê đều nói phòng đã có người đặt cọc trước, có người thanh toán trước. Ban đầu mẹ định mua luôn căn hộ coi như là quà chúc mừng và cũng là tài sản riêng, nhưng tham khảo giá chung cư gần trung tâm thì giá quá cao, giá vừa thì lại quá xa trường nên thuê tạm một thời gian. Tham khảo nhiều nơi, cuối cũng mẹ em thuê một căn studio tại khu chung cư mini trên đường Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, rộng 35m2 có giá thuê 6 triệu đồng/tháng chưa tính điện, nước và các chi phí khác. Chủ thuê nói năm ngoái giá thuê chỉ 5 triệu, năm nay được sửa lại đầu tư nội thất mới nên mới tăng giá”.

Đau đầu với đủ loại phí dịch vụ

Một số phí dịch vụ đi kèm khi thuê phòng trọ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội (Ảnh minh họa).

Không chỉ giá thuê tăng, mà nhiều khu trọ bình dân đến cao cấp đều “đẻ” ra nhiều loại chi phí đi kèm khiến người thuê trọ càng thêm áp lực.

Thuê một phòng trọ tại phường 5, quận Gò Vấp với giá 4 triệu đồng, Nguyễn Huyền My (Hà Nam) cho hay: “Mức giá 4 triệu đồng chỉ là tiền thuê phòng, mỗi tháng em và bạn còn đóng thêm mỗi người 100.000 tiền nước, 50.000 tiền internet, 30.000 tiền vệ sinh, 20.000 tiền rác, 100.000 tiền gửi xe (khu trọ chỉ cho miễn phí 2 xe, quá số xe quy định thì thu thêm tiền) và cả tiền thang máy nữa, dù không dùng.

Tương tự như Huyền My, Nguyệt Ánh đang là sinh viên năm 3 cũng đang chật vật bởi nhiều loại phí dịch vụ. Cô thuê trọ cùng hai người bạn, nhưng do phải đi làm xa nên tìm phòng riêng. Dù đã được báo trước vài tháng nhưng việc tìm trọ với nữ sinh này chẳng dễ dàng gì khi đứng trước bài toán giá phòng trọ, giá dịch vụ sau vài năm đã thay đổi chóng mặt và phát sinh nhiều điều khoản vô lý.

"Phòng cũ em thuê có giá 2 triệu đồng, tiền điện 3.000 đồng/số và nước 20.000 đồng/khối, 10.000 đồng tiền rác, còn lại internet tự lắp riêng. Như vậy một tháng rơi vào khoảng 2,5 triệu đồng. Nhưng năm nay, thuê phòng đã khó, nhiều khu còn thu những khoản thu vô lý. Nếu như trước đây, nước dùng bao nhiêu tính bấy nhiêu thì hiện tại hầu hết đều quy định theo đầu người là 100.000 đồng/tháng, rồi tiền máy lạnh 200.000/tháng, tiền điện cũng tăng lên 4.000 đồng/số…” – Nguyệt Ánh tâm sự.

Tất cả những vấn đề này đang ảnh hưởng trực tiếp và trở thành nỗi lo, gánh nặng của sinh viên và những người lao động thu nhập thấp. Nhưng họ vẫn phải chấp nhận ở trong những phòng trọ, căn hộ mini cho thuê có mức giá "bóp nghẹt" như vậy.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.