Giá nhà ở TP.HCM gấp hàng chục lần so với thu nhập của người dân
Theo nhiều khảo sát, một người dân phải dành toàn bộ thu nhập trong vòng 25 năm (không chi tiêu ăn uống, chi phí…) mới có khả năng mua được căn hộ vừa túi tiền ở TP.HCM với mức giá hiện tại.
Do đó, ngoài số ít “tinh hoa” có mức thu nhập khủng thì phần lớn người dân không thể mua nhà nếu thu nhập chỉ dựa vào tiền lương. Kế hoạch an cư ở thành phố là một cuộc rượt đuổi mà khoảng cách giữa thu nhập và giá nhà ngày mỗi xa vời vợi.
Tại TP.HCM, giai đoạn 2014 – 2015 có thể xem là “thời kì vàng” để nhiều người hiện thực hoá giấc mơ mua nhà khi dòng sản phẩm căn hộ có mức giá trên dưới 1 tỉ đồng dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau giá nhà đã tăng vọt.
Đến nay, nhà ở vừa túi tiền nằm đã ở mức trên dưới 2 tỉ đồng nhưng số lượng dự án này cũng ngày trở nên khan hiếm ở TP.HCM. Thậm chí, người mua phải dạt về khu vực vùng ven tiếp giáp với TP.HCM như Bình Dương hay Đồng Nai.
Theo báo cáo của một công ty nghiên cứu thị trường mới đây, với số tiền khoảng 1,5 tỉ đồng người mua chỉ có thể tiếp cận với các chung cư cũ một phòng ngủ, một toilet hoặc nhà ở xã hội, văn phòng mini ở những dự án được xây dựng khoảng 10 năm trở lại và không có nhiều tiện ích.
Nhiều khu vực trước đây được xem là vùng ven, chủ yếu phát triển nhà ở bình dân như quận 9, quận 12, Bình Chánh, Nhà Bè…thì nay đang dần bị thay thế bởi các dự án trung – cao cấp.
Anh Trung (ngụ TP. Thủ Đức) cho biết, sau nhiều lần cân nhắc đã tạm gác lại kế hoạch mua nhà ở thành phố dù rất ao ước một chốn an cư.
Anh Trung tính toán, để mua căn hộ giá khoảng 2 tỉ đồng thì anh phải trả trước 30% (600 triệu đồng) số còn lại có thể vay ngân hàng. Với thu nhập 18 triệu đồng mỗi tháng phải mất 5 - 6 năm anh mới tiết kiệm đủ 600 triệu đồng vì không có sự hỗ trợ nào. Thậm chí, nếu có sẵn khoản 600 triệu đồng anh cũng không dám mua vì số tiền phải trả gốc và lãi vay ngân hàng đã xấp xỉ tiền lương.
Đầu tư đất vùng ven là một cách giúp gia tăng tài sản nhanh chóng được nhiều người lựa chọn
Việc giá nhà tăng cao khiến nhiều người bỏ hẳn kế hoạch mua nhà, một số khác lại trông chờ việc giá nhà có thể giảm trong tương lai hay các chính sách nhà ở của nhà nước.
Tuy nhiên, việc giá nhà giảm là điều bất khả thi. Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh hai năm vừa qua giá nhà tại TP.HCM vẫn ghi nhận mức tăng từ 15 – 17% mỗi năm. Dự báo giá nhà sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do nguồn cung mới tiếp tục khan hiếm và chi phí đầu vào tăng lên.
Trong khi đó, các chính sách phát triển nhà ở của Nhà nước như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng rất xa vời bởi số lượng làm được quá ít ỏi so với nhu cầu và không phải ai cũng đủ điều kiện để tiếp cận được phân khúc này.
Theo các chuyên gia bất động sản, trong bối cảnh như hiện nay nếu vẫn muốn mua nhà ở thành phố bên cạnh việc nân cao năng lực để được tăng lương, làm thêm nhiều công việc khác thì cần phải tìm đến những kênh đầu tư có thể giúp gia tăng nhanh tài sản càng sớm càng tốt. Chẳng hạn đầu tư mua đất ở những khu vực phù hợp với tầm tài chính của mình và chờ tăng giá.
Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh gọi chiến lược này là “lấy nông thôn bao vây thành phố”. Nghĩa là nếu thu nhập, tích luỹ còn quá ít so với giá nhà ở thành phố thì nên tìm những bất động sản ở những nơi xa hơn vùng ven hoặc ở quê để đầu tư.
Ông Chánh kể câu chuyện, có một bạn trẻ sinh năm 1993 là bác sĩ mới ra trường được được vài năm và muốn mua căn hộ ở TP.HCM để ổn định. Tuy nhiên, số vốn tích luỹ chỉ có khoảng 500 triệu đồng rất chật vật để mua được căn hộ tầm giá khoảng 2 tỉ đồng ở vùng ven TP.HCM.
Bạn trẻ này quyết định gác lại việc mua nhà ở thành phố và dồn tiền mua một mảnh đất gần nhà ở quê sau khi đã kiểm tra rõ quy hoạch, pháp lý.
Chỉ một thời gian ngắn mảnh đất đã tăng giá và theo tính toán của bạn này thì giá đất có thể tăng 2 – 3 lần trong vài năm nữa khi cơ sở hạ tầng của địa phương bạn được đầu tư nhiều hơn.
“Với kế hoạch như vậy thì mục tiêu mua được nhà ở thành phố sẽ gần hơn và bạn cũng không bị áp lực bởi gánh nặng tài chính như việc cố mua nhà khi số vốn tích luỹ còn quá ít”, chuyên gia này cho biết.
-
Giá nhà đất tiếp tục leo thang, lộ diện nơi tăng cao nhất TP.HCM
CafeLand - Nguồn cung sơ cấp hạn chế đã đẩy giá bán nhà đất trên thị trường thứ cấp quý 2/2021 tăng vọt 13% theo năm, trong đó quận 7 là nơi ghi nhận mức tăng cao nhất ở mức 20% so với cùng kỳ năm 2020.
-
Bất động sản An Gia bị phạt vì tự ý thay đổi phương án sử dụng vốn
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa qua đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã: AGG) số ti...
-
Công viên sáng tạo lớn nhất TP.Thủ Đức sẵn sàng vận hành
Công viên Sáng tạo tại TP.Thủ Đức nằm dọc theo bờ sông Sài Gòn, từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm sẽ chính thức khánh thành vào hôm nay (11/1). Với diện tích rộng 10ha, đây được xem là công việc lớn bậc nhất tại TP.Thủ Đức....
-
Doanh thu đạt hơn 11 tỷ USD, thị trường bất động sản TP.HCM đã vui trở lại?
Cục Thống kê TP.HCM nhận định, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phát huy hiệu quả, lãi suất huy động và cho vay sản xuất kinh doanh giảm giúp tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồ...