Nhiều nhà phân tích khẳng định người tiêu dùng Mỹ chính là một trong những động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế lớn nhất thế giới này trong những tháng cuối năm 2010 vừa qua, song việc giá dầu mỏ leo thang có nguy cơ cản trở đà phục hồi chi tiêu tiêu dùng của người dân, ít nhất trong quý 1 năm nay.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Mặc dù vậy, cũng có không ít nhà kinh tế cho rằng, giá dầu mỏ leo thang và cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản hiện nay sẽ chỉ ảnh hưởng nhẹ tới kinh tế Mỹ và dự báo năm nay quốc gia này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2008.


Trước đó, trong thông báo mới nhất, Bộ Thương mại Mỹ cho biết kinh tế nước này đã tăng trưởng với tốc độ 3,1%/năm trong quý 4/2010, cao hơn so với mức tăng sơ bộ 2,8% đưa ra trong tháng 2/2011, đồng thời cũng là mức tăng hàng quý cao nhất kể từ đầu năm 2010, nhờ đầu tư doanh nghiệp và chi tiêu tiêu dùng được cải thiện.


Theo đánh giá, chi tiêu tiêu dùng chiếm tới 70% hoạt động kinh tế Mỹ. Mặt khác, kinh tế Mỹ cũng được tạo đà rất lớn sau khi Tổng thống Barack Obama ký đạo luật giảm thuế một năm, qua đó giúp tiết kiệm khoảng 1.000-2.000 USD cho người dân Mỹ.


Tuy nhiên, giá dầu mỏ tăng cao có thể là tác nhân tiêu cực khác khiến người dân phải cắt giảm chi tiêu, bởi lẽ lương thực và năng lượng là hai khoản chi chủ yếu của người tiêu dùng Mỹ.


Kể từ khi bất ổn nổ ra tại Libya từ giữa tháng Hai vừa qua, giá dầu thô đã tăng 15-20 USD/thùng và ước tính người tiêu dùng Mỹ đã phải trả thêm 12% chi phí/lít xăng.


Nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, Paul Ashworth, nhận định giá lương thực và nhiên liệu tăng cao đã phá hỏng những tín hiệu tích cực từ nỗ lực cắt giảm thuế cho người dân Mỹ.


Dự báo về những khó khăn khác mà kinh tế Mỹ có thể đối mặt trong quý 2 sắp tới, ông Ashworth cho rằng bên cạnh vấn đề giá nhiên liệu thì tình hình tại Nhật Bản cũng đáng lo ngại khi chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất của các công ty hàng đầu Nhật Bản bị gián đoạn. Điều này có thể phần nào tác động tới những công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo ôtô và điện tử.


Trong khi đó, Giám đốc điều hành công ty dự báo toàn cầu JD Power&Associates, Jeff Schuster cho rằng, việc gián đoạn sản xuất tại các nhà máy ở Nhật Bản có thể khiến sản lượng ôtô tại các nhà máy ở Mỹ sụt giảm theo trong vòng 2-3 tháng tới.


Nhìn chung, nhiều nhà kinh tế vẫn chung quan điểm về triển vọng tăng trưởng cao của kinh tế Mỹ trong năm nay, khi lòng tin kinh doanh được củng cố và các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư trở lại./.

Cafeland.vn - Theo TTXVN/Vietnam+
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland