Trong 3 tháng đầu năm, khủng hoảng nợ ở khu vực đồng tiền chung Châu Âu vẫn là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự kinh tế toàn cầu. Trước tình hình này, một số người mua bất động sản cao cấp đã chọn cách đứng ngoài để quan sát hướng đi thị trường.
Mặc dù tình hình hoạt động của thị trường bất động sản khó khăn nhưng 4 thị trường cao cấp tại Nairobi, Jakarta, Miami và Luân Đôn vẫn có mức tăng trưởng đạt 2 chữ số trong vòng 12 tháng qua.
Tại Luân Đôn, giá bán và số lượng người đăng ký mua nhà đều tăng bất chấp việc bị đánh thuế lên đến 7% đối với các cá nhân mua nhà trên 2 triệu bảng Anh.
Bên cạnh đó, hoạt động thị trường bất động sản cao cấp tại Singapore vẫn hoạt động ổn định mà không bị ảnh hưởng từ việc đánh thuế của Chính phủ nước này. Cụ thể, đầu tháng 12/2011, Singapore đã áp dụng luật thuế bất động sản mới với mức thuế 10% đối với người mua nước ngoài, việc này đã ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cầu nhưng lại không tác động đến giá của bất động sản.
Ông Nicholas Holt, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường của Knight Frank khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết: “Giá căn hộ cao cấp tại Singapore không những ổn định mà còn tăng nhẹ trong quý đầu năm 2012 bởi nhu cầu trong nước phục hồi và những người giàu có đến từ Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ rất ưa chuộng dòng sản phẩm cao cấp tại nước này mà không sợ bị đánh thuế phụ thu”
Về triển vọng thị trường, Knight Frank cho biết giá bán bất động sản cao cấp sẽ tương đối ổn định trong năm nay. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán tại các thị trường Luân Đôn, Max-cơ-va, Jakarta, Nairobi và Singapore sẽ sôi nổi hơn các khu vực khác. Tuy nhiên diễn biến toàn cảnh thị trường còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế thế giới bởi đỉnh điểm của chu kỳ giảm lạm phát mới trong giá căn hộ cao cấp của toàn cầu đang hình thành.