22/07/2017 10:08 PM
Chủ đầu tư cũng bị xử phạt buộc phải nộp lại số tài sản hưởng lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị xây dựng sai phép.
Ba năm trước, từ đơn tố cáo của người dân, hàng loạt công trình xây sai phép tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM được phát hiện. UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan phải xử lý nghiêm.
Mới đây, Sở Xây dựng có công văn kiến nghị cho tồn tại 131 căn nhà liên quan đến công trình xây sai phép này. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, nói gì về kiến nghị này?.
. Phóng viên: Thưa ông, vụ việc vi phạm xây dựng nghiêm trọng tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh đã diễn ra hơn hai năm và TP cũng đã chỉ đạo xử lý nghiêm. Đến nay việc xử lý sai phạm này đã thực hiện đến đâu?
+ Ông Trần Trọng Tuấn: Vụ việc xảy ra từ năm 2014 và TP cũng đã chỉ đạo xử lý nghiêm những cán bộ có liên quan để xảy ra sai phạm. Đến nay các cán bộ có liên quan cả ở cấp xã và cấp huyện đều bị xử lý kỷ luật. Qua đó khẳng định là việc xử lý thể hiện sự nghiêm túc, rõ ràng, không có dung túng, bao che cho cán bộ sai phạm.
Liên quan đến việc xử lý công trình, UBND TP cũng đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tư pháp để rà soát hồ sơ, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định. Sau khi làm việc với các đơn vị có liên quan, chúng tôi cũng đã có văn bản báo cáo, kiến nghị UBND TP hướng xử lý.
. Trước đó, báo cáo với TP, Sở Xây dựng cho rằng các công trình sai phép nêu trên không đủ điều kiện để áp dụng cho tồn tại. Sau đó, huyện Bình Chánh cũng từng kiến nghị TP cho phép tồn tại nhưng bị bác bỏ. Tại sao Sở Xây dựng lần này vẫn tiếp tục kiến nghị TP “tha” cho các căn nhà này?
+ Về nguyên tắc, các sai phạm đều phải được xử lý rốt ráo nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, trường hợp cụ thể này thì phải cân nhắc vì có liên quan đến cuộc sống, tài sản của 131 hộ dân mua nhà ở sai phép, không phải là người vi phạm. Lỗi không phải do họ gây ra mà do chủ đầu tư.
Đó cũng là lý do UBND TP giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tư pháp rà soát hồ sơ, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định. Nếu chỉ áp dụng pháp luật đơn thuần thì UBND TP đã giao UBND huyện Bình Chánh cưỡng chế theo quy định ngay từ năm 2015 rồi, không phải giao Sở Xây dựng rà soát, báo cáo và đề xuất nữa.
. Việc kiến nghị “tha” cho các công trình xây sai phép này có công bằng với hàng trăm trường hợp vi phạm xây dựng đã xử lý năm 2013?
+ Xin khẳng định là hai vụ việc này không giống nhau. Hàng loạt công trình bị cưỡng chế ở huyện Bình Chánh năm 2013 là xây không phép trên đất nông nghiệp, mức độ nghiêm trọng, quy mô lớn hơn. Xây không phép trên đất nông nghiệp là phải cưỡng chế, không có lý do gì tồn tại cả. Còn trường hợp ở Đa Phước năm 2015 là có giấy phép xây dựng nhưng biến tướng thành nhiều căn nhà nhỏ là sai giấy phép xây dựng.
Hành vi sai phạm tại Đa Phước là chủ đầu tư chuyển từ phòng ở thành căn hộ ở, chuyển ban công thành mở rộng căn phòng ở; nằm trong khuôn viên thuộc quyền sử dụng đất hợp pháp của chủ đầu tư, không vi phạm chỉ giới xây dựng, không tranh chấp, khiếu nại; công trình đã hoàn thành và đưa hộ dân vào ở. Kiến nghị cho tồn tại phần xây dựng sai phép để ổn định cuộc sống người dân, đồng thời vẫn kiên quyết xử lý sai phạm của chủ đầu tư. Cụ thể là các trường hợp xây dựng không phép hoặc xây dựng sai phép nhưng chưa hoàn thành thì phải cưỡng chế tháo dỡ theo quy định. Chủ đầu tư cũng bị xử phạt buộc phải nộp lại số tài sản hưởng lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị xây dựng sai phép.
. Xin cám ơn ông.
Việt Hoa (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.