25/07/2017 1:08 PM
Năm 2004, UBND TP.Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Thịnh Liệt (Q.Hoàng Mai), đến nay đã 13 năm, nhưng khu đô thị mới vẫn chưa được khởi công, đất bỏ hoang cỏ mọc cao hơn đầu người. Đáng nói, gần 100 hộ dân thuộc tổ 68 Tương Mai và tổ 41 Thịnh Liệt nằm trong khu đất dự án chưa làm thủ tục thu hồi đất đang mòn mỏi sống cảnh tạm bợ, đường sá lầy lội, con cái đi học trái tuyến trong quãng thời gian dài.
Sau 3 năm bàn giao đất cho dự án, bà Trần Thị Nga - 82 tuổi chờ nhà tái định cư trong vô vọng. Hiện nay, gia đình bà thuê phòng trọ xập xệ, tạm bợ. Ảnh: P.H
Hơn một thập kỷ… cơ cực
Năm 2004, UBND TP.Hà Nội ký Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Thịnh Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội. Theo đó, thu hồi 351.618m2 đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt để tạm giao cho TCty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Bộ Xây dựng) tổ chức điều tra lập phương án giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt.
Đến nay đã 13 năm trôi qua, nhưng dự án vẫn “đắp chiếu”, hàng nghìn mét vuông đất bị bỏ hoang. Chậm trễ trong việc triển khai dự án, các hộ dân thuộc tổ 41 Thịnh Liệt và tổ 68 Tương Mai (Q.Hoàng Mai) phải sống trong nhà tạm, đường sá lầy lội, ô nhiễm môi trường.
Gần 100 hộ dân thuộc tổ dân phố 41 Thịnh Liệt và tổ 68 Tương Mai nằm trong dự án, và chưa làm thủ tục thu hồi đất. Theo bà Hoa (tổ dân phố 41 Thịnh Liệt) cho biết, một số hộ dân sinh sống ở đây được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hầu hết đều được chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở trước khi có dự án. Từ khi có dự án, người dân không được phép xây dựng nhà cửa nên phải sống trong những căn hộ lụp xụp, đường sá xuống cấp, rác thải bốc mùi hôi thối.
Ông Trương Sinh - tổ dân phố 41, Thịnh Liệt - cho biết thêm: Cái khó khăn nhất chúng tôi gặp phải là các cháu nhỏ đến tuổi đi học, nhưng phải xin học trái tuyến. Hiện nay, nhà tôi có hai cháu nhỏ phải học trái tuyến ở phường Tân Mai nên vất vả.
Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc
Mới đây, UNBD phường Thịnh Liệt gửi thông báo về việc vận động, tuyên truyền thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất; thống kê nhà ở, tài sản của các hộ gia đình có trong Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc thuộc dự án. Tuy nhiên, các hộ gia đình trong diện bắt buộc thực hiện quyết định này rất bức xúc vì cho rằng, họ chưa có sự thỏa thuận với chủ đầu tư trước khi làm thủ tục bàn giao đất cho dự án.
Ngoài ra, những hộ gia đình đã bàn giao đất cho dự án từ lâu, hiện vẫn phải sống tạm bợ trong những căn nhà thuê hoặc những ngôi nhà xập xệ xung quanh khu đất dự án. Bà Trần Thị Nga - 82 tuổi - tổ 42 Thịnh Liệt - cho biết: “Khi có dự án gia đình tôi đã chấp hành giao đất cho dự án ngay. Do cả tin nghe lời hứa hẹn của chủ đầu tư, sau 6 tháng sẽ có nhà tái định cư, đến nay đã hơn 3 năm mà chưa thấy hình hài nhà tái định cư ở đâu. Hơn 82 tuổi đầu mà phải năm lần chật vật đi thuê nhà để ở, cơ cực vô cùng. Mỗi tháng được hỗ trợ tiền tạm cư 1 triệu đồng/người nhưng từ đầu năm 2017 đến giờ chưa thấy tiền đâu”.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân nhận thấy mức tiền bồi thường giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng. Theo ông Trương Sinh, không chỉ việc giá đền bù giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, mà ngay cả việc đền bù giá đất nông nghiệp cho người dân cũng thấp vô cùng (mức giá đền bù đất nông nghiệp là 252.000đ/1m2, cộng chi phí phát sinh, hỗ trợ giá đền bù được tính lên mức 500.000đ/1m2).
Trước sự việc dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt bị quy hoạch treo suốt 13 năm qua, ngày 19.6.2017, UBND TP.Hà Nội đã ra Thông báo kết luận số 590 nêu rõ: “Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt tại các phường Tương Mai, Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) phê duyệt từ năm 2004 đến nay, tiến độ triển khai dự án quá chậm, nguyên nhân chính là do Nhà đầu tư chưa chủ động triển khai dự án theo quy định”.
Chủ đề: Bỏ hoang
Lê Hoa (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.